Cổ vũ sự sáng tạo, đề cập những vấn đề thiết thực

Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 23/11/2014

(HNM) - Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34 (diễn ra tại TP Huế từ ngày 17 đến 20-12) là sân chơi của người làm truyền hình cả nước.

Đây cũng là dịp xới lên nhiều vấn đề của truyền hình hiện nay, nhất là tính sáng tạo nhằm tạo nên những chương trình hấp dẫn, khơi gợi cảm xúc thẩm mỹ của người xem, góp phần định hướng dư luận một cách đúng đắn...

Phóng viên Báo Hànộimới có cuộc trò chuyện với nhà báo Nguyễn Hà Nam, Trưởng ban Thư ký biên tập Đài THVN, Phó Trưởng ban tổ chức Liên hoan THTQ 2014.

- Thưa ông, Liên hoan THTQ lần thứ 34 sắp tới có nét gì mới so với các lần tổ chức trước?

- Liên hoan THTQ là hoạt động thường niên của ngành truyền hình cả nước. Trong lần thứ 34 này, chúng tôi chấm thi và xếp hạng ở 9 thể loại: Chương trình dành cho thiếu nhi, Phim tài liệu, Phóng sự, Chuyên đề - Khoa giáo, Giao lưu - Đối thoại - Tọa đàm, Truyền hình tiếng dân tộc thiểu số, Ca múa nhạc, Phim truyện truyền hình. Căn cứ vào tình hình thực tế, đồng thời để phù hợp với thông lệ quốc tế, BTC đã quyết định điều chỉnh, bổ sung thời lượng của một số thể loại. Ví dụ như phim tài liệu có thể dài đến 55 phút thay vì chỉ có loại 28 phút như trước. Với phim truyện, do có sự trở lại của phim một tập nên chúng tôi bổ sung cả thể loại này vào danh mục phim dự liên hoan.

Gameshow dù thu hút lượng lớn khán giả nhưng tiếp tục không có mặt tại Liên hoan truyền hình toàn quốc lần thứ 34. Ảnh: Sơn Hà


- Như vậy là các gameshow tiếp tục không có mặt tại liên hoan lần này và phim truyền hình cũng sẽ không có tác phẩm phỏng theo kịch bản nước ngoài?

- BTC không lựa chọn gameshow vì đa phần các chương trình đó đều là phiên bản của nước ngoài, ít có dấu ấn của người làm truyền hình trong nước. Hơn nữa, việc sản xuất gameshow chủ yếu tập trung ở các đơn vị truyền hình trung ương và tỉnh, thành phố lớn, dễ tạo ra sự mất cân bằng trong lựa chọn tác phẩm dự thi giữa các đài truyền hình lớn và các đài địa phương.

Tương tự như vậy, các phim truyện truyền hình phải là phim thuần Việt, phản ánh đời sống, tâm tư của con người Việt Nam, đồng thời thể hiện rõ sự lao động, sáng tạo của người làm điện ảnh, truyền hình trong nước.

- Các đơn vị tư nhân có chương trình phát sóng trên các đài truyền hình cả nước đều có thể tham dự với tư cách một đơn vị dự thi. Ông nhận xét thế nào về các chương trình liên kết sản xuất trong các kỳ liên hoan vừa qua?

- Số lượng tác phẩm dự thi tăng, chất lượng tác phẩm được nâng lên đáng kể, một số tác phẩm đã đoạt giải. Đó là bước phát triển đáng mừng của việc các đơn vị tư nhân, thể hiện qua việc tham gia Liên hoan THTQ trong 2 năm vừa qua. Năm nay, qua số liệu đăng ký, có thể thấy số lượng tác phẩm của các đơn vị tư nhân tiếp tục tăng so với năm ngoái. Điều này phản ánh đúng thực tế: Liên kết sản xuất chương trình truyền hình là một xu thế đang phát triển nhanh, không chỉ đối với các đài lớn mà cả ở các đài địa phương.

- Chương trình hoạt động của Liên hoan THTQ năm nay còn có điều gì đáng chú ý?

- Năm nào cũng vậy, bên cạnh việc tôn vinh các tác phẩm truyền hình xuất sắc, những đại biểu tham dự sẽ tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ thiết thực đối với sự phát triển của ngành truyền hình cả nước, trong đó có các hội thảo chuyên đề.

Khán giả theo dõi các bản tin trên sóng truyền hình năm qua có thể thấy, việc thực hiện bản tin về các vấn đề mới, nóng, cập nhật (Breaking News) đã xuất hiện với tần suất nhiều hơn. Do đó, trong liên hoan năm nay, chúng tôi dự kiến tổ chức hội thảo về Breaking News. Đây sẽ là dịp để những người làm chương trình thời sự chia sẻ câu chuyện về kinh nghiệm làm Breaking News. Dự kiến sẽ có những câu chuyện thú vị được chia sẻ tại hội thảo này, như “Breaking News và cách làm của người Mỹ”, “NHK làm Breaking News về thảm họa thiên tai”, “Cùng với khán giả tạo ra Breaking News” và “Khán giả đón nhận Breaking News như thế nào?”… Ngoài ra, chúng tôi cũng có hội thảo chuyên đề “Phối hợp truyền thông về đề tài Nông nghiệp - Nông thôn - Nông dân”… Đó đều là những hội thảo chuyên sâu, bàn về những đề tài hết sức cấp thiết và cần thiết để nâng cao chất lượng chương trình truyền hình.

- Ngành truyền hình Việt Nam đang phát triển nhanh nhưng cũng bắt đầu phải đối đầu với thử thách mới. Nội dung này có được đề cập tại liên hoan hay không?

- Sự bùng nổ của internet, điện thoại di động và mạng xã hội đã tạo nên một thế giới truyền thông mới, khác hẳn so với truyền thông truyền thống. Khán giả truyền hình trong kỷ nguyên internet có sự phân khúc mạnh mẽ với yêu cầu xem truyền hình mọi lúc mọi nơi, trên nhiều thiết bị, tạo nên thách thức rất lớn cho các đài truyền hình. Vì vậy, các đài truyền hình trên thế giới, dù lớn hay nhỏ đều phải đổi mới với tư duy làm truyền hình theo hướng đa phương tiện.

Tại liên hoan, chúng tôi đã chuẩn bị một hội thảo nghề nghiệp “Truyền thông mới - Những cơ hội và thách thức đối với các đài truyền hình trong kỷ nguyên internet”. Nội dung này chắc chắn sẽ được người làm truyền hình trong nước hết sức quan tâm. Tại đây, chúng tôi hy vọng sẽ nhận được sự chia sẻ bổ ích từ các chuyên gia nước ngoài để đổi mới các chương trình truyền hình trong nước theo hướng hiện đại, gần gũi và thiết thực hơn với người dân.

- Xin chân thành cảm ơn ông!

Hải Giang