“Lão khùng” trồng rau trái vụ

Xã hội - Ngày đăng : 06:31, 23/11/2014

(HNM) - Khi phần lớn người dân xã Xuân Phú, huyện Phúc Thọ bắt đầu xuống đồng chuẩn bị cấy lúa mùa thì ngược lại, gia đình ông Vũ Văn Sáu lại làm cây rau vụ đông. Dân làng bảo ông



Thế nhưng, khi lứa rau trái vụ thứ nhất, rồi thứ hai thu hoạch, cùng thời điểm với vụ lúa mùa, nhưng cho doanh thu cao gấp cả chục lần làm lúa, những người dân ở đây mới trầm trồ thán phục.

Ông Vũ Văn Sáu thu hoạch su hào.


Ông Vũ Văn Sáu, người nhỏ thó nhưng rắn rỏi, chia sẻ: Con người cũng như sự vật đều sống và hoạt động theo quy luật của tự nhiên. Làm rau trái vụ tức là làm trái với quy luật, do vậy phải khắc phục được những khó khăn về thời tiết, sâu bệnh phát sinh. Với diện tích 3 sào, trong đó có 2 sào bắp cải, 1 sào su hào được trồng theo phương pháp hữu cơ, chỉ sử dụng phân chuồng hoai mục qua xử lý kết hợp với phân hữu cơ sạch được nhập từ Thái Lan. Sau 2 lứa rau đã thu hoạch thành công, hiện ruộng cà chua của gia đình ông đang trong thời kỳ phát triển, nụ, hoa và quả non chi chít, chỉ khoảng 2 tuần nữa là sẽ được thu.

Là nông dân được vinh danh "Sản xuất kinh doanh giỏi" của huyện Phúc Thọ, ông Sáu lên kế hoạch trồng rau cho cả năm để thu vào bất cứ lúc nào, rau đều được giá. Bắt đầu từ vụ xuân (tháng 3), là thời điểm ông trồng các loại dưa lê siêu ngọt, dưa lê "kim cô nương". Tháng 6, khi cái nắng chói chang nhất là lúc ông trồng su hào, bắp cải, thu liền 2 vụ. Sang tháng 11, ông trồng cà chua, hành, tỏi tây và một số rau gia vị đón thị trường Tết. Điều đặc biệt là dù trồng rau trái vụ song gần như ông không dùng đến thuốc bảo vệ thực vật mà chỉ áp dụng kinh nghiệm dân gian, lấy "thiên địch" để trừ sâu. Chỉ cho chúng tôi thấy hàng trăm cái bẫy bả sinh học được giăng mắc khắp ruộng để thu hút côn trùng, ông Sáu cho biết, chỉ trong 1 ngày, những bẫy bả này có thể bắt được hàng trăm con bướm, hạn chế được tối đa sâu bọ hại rau.

Nói về bí quyết trồng rau trái vụ, ông Sáu chia sẻ: Làm rau trái vụ phải đặc biệt quan tâm đến thời tiết bởi trời nắng hay mưa đều tác động đến cây, do đó, phải che chắn cẩn thận. Tối nào tôi cũng phải nghe dự báo thời tiết. Nếu nhà đài dự báo có mưa, giông thì dù hôm đó có bận việc gì đi nữa, gia đình cũng phải cắt cử người ra đồng để che chắn cây cẩn thận. Mưa sẽ làm giập rau, còn nắng quá cây cũng không sống nổi"...

Tuân thủ đúng quy trình chăm sóc, dù làm rau vất vả nhưng những ruộng rau trái vụ đã mang đến cho gia đình ông Sáu nguồn thu khá. Ông nhẩm tính, trồng rau trái vụ su hào, bắp cải, vụ đầu tiên, giá su hào bình quân được 5 nghìn đồng/củ, tính ra, mỗi sào thu được 8,8 triệu đồng. Lứa rau thứ 2 còn khá hơn do thời tiết đang giao mùa, rau khan hiếm. Ước tính, 1 sào rau đạt xấp xỉ 12 triệu đồng. So với rau chính vụ, su hào chỉ có giá 500 đồng/củ, 1 sào su hào nhiều lắm cũng chỉ được 2 triệu đồng thì trồng rau trái vụ cao hơn rau chính vụ khoảng 6 lần. Vụ này, cũng hứa hẹn cho ông nguồn thu khá bởi một số loại rau gia vị được thu vào đúng thời điểm Tết, nhu cầu và giá cả sẽ tăng cao hơn. Thấy gia đình ông Sáu làm rau trái vụ hiệu quả, một số hộ dân có ruộng gần đó cũng đã học tập, làm theo và được ông hướng dẫn nhiệt tình. "Khi mới trồng rau trái vụ, tôi phải đi học tập ở huyện Đông Anh, được người dân bên đó chỉ bảo tận tình. Đến nay kỹ thuật thuần thục rồi thì mình lại sẵn sàng giúp đỡ người khác. Bây giờ ở khu đồng Giáp Đoài ven làng đã có 4 gia đình bỏ lúa để trồng rau với diện tích hơn 1 mẫu" - Ông Sáu chia sẻ.

Chia tay chúng tôi, ông Sáu mong muốn sẽ đầu tư một số vốn lớn để dựng nhà lưới nhằm kiểm soát được nhiệt độ, độ ẩm cho rau phát triển tốt và không quên lời nhắn nhủ: Nghề nông vốn nhọc nhằn, lãi lời từ nông nghiệp chả đáng là bao nên biết thêm một kỹ thuật mới là người dân lại có thêm cơ hội để cải thiện đời sống, vươn lên làm giàu trên chính đồng đất quê hương.

Nguyễn Mai