“Cuộc đại ân xá” gây tranh cãi
Thế giới - Ngày đăng : 05:48, 23/11/2014
Trong đó, khoảng 4,7 triệu trẻ em các nước nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ từ 5 năm trở lên có cha mẹ là công dân hoặc cư dân thường trú hợp pháp ở Mỹ, nếu không phải là tội phạm sẽ được phép ở lại xứ Cờ hoa mà không bị đe dọa trục xuất. Ngoài ra, còn có khoảng 270.000 người được cha mẹ đưa vào Mỹ khi còn nhỏ, cũng sẽ được phép cư trú tại Mỹ. Đây được coi là biện pháp cải tổ sâu rộng nhất trong nhiều thập kỷ qua trong hệ thống nhập cư của chính quyền Washington.
Những người ủng hộ luật nhập cư mới đã khóc khi Tổng thống B.Obama thông báo sắc lệnh cải tổ luật nhập cư ngày 21-11 tại Las Vegas. |
Xem nhập cư là một trong những vấn đề ưu tiên khi nhậm chức vào năm 2009, nhưng lại không nhận được sự đồng thuận của Quốc hội, cuối cùng Tổng thống B.Obama đã quyết định tự tay giải quyết vấn đề này trong hai năm còn lại của nhiệm kỳ. Ông chủ Nhà Trắng khẳng định, việc làm của mình không chỉ hợp hiến mà cũng là hành động của nhiều tổng thống Mỹ trong nửa thế kỷ qua, cả Cộng hòa và Dân chủ. Tổng thống B.Obama cho rằng, việc cho phép những người nhập cư bất hợp pháp không chỉ được ở lại làm việc mà còn có cơ hội trở thành công dân Mỹ giống như một "cuộc đại ân xá" cho khoảng 12 triệu người nhập cư không đủ giấy tờ đang có mặt trên lãnh thổ Mỹ để họ có thể "ra khỏi bóng tối và tuân thủ luật pháp".
Thông báo của Tổng thống B.Obama mang lại niềm hy vọng cho hàng triệu người đang sinh sống trên đất Mỹ nhưng vì nhiều lý do bị coi là chưa hợp pháp. Tuy nhiên, sự quyết đoán của người đứng đầu Nhà Trắng đã vấp phải phản ứng gay gắt của nhiều thành viên Quốc hội hiện đang do đảng Cộng hòa kiểm soát. Sự việc được cho là sẽ khiến mối quan hệ giữa chính quyền và lưỡng viện Mỹ có chiều hướng căng thẳng hơn.
Thực ra, Nhà Trắng từ lâu đã tìm cách thông qua một gói cải cách nhập cư rộng khắp, mở ra con đường giúp những người nhập cư trẻ tuổi lớn lên ở Mỹ trở thành công dân nước này. Năm ngoái, Thượng viện Mỹ, khi đảng Dân chủ còn kiểm soát, đã thông qua một đạo luật nhập cư mới nhưng lại gặp phải trở ngại từ Hạ viện do đảng Cộng hòa chi phối. Sau hơn một năm trì hoãn, Tổng thống B.Obama đã không chờ đợi thêm nữa và ông quyết định sử dụng quyền hành pháp để đơn phương đưa ra các quyết định về dự luật nhập cư. Bác bỏ những cảnh báo rằng hành động đơn phương có thể làm giảm mọi khả năng hợp tác giữa Tổng thống B.Obama và đảng Cộng hòa, Nhà Trắng lại cho rằng đây là cách duy nhất để gia tăng áp lực chính trị lên đảng Cộng hòa để mau chóng có sự ủng hộ của họ trong cải cách luật mới. Dự liệu được sự chống đối từ phía đối lập, giới chức Nhà Trắng cho biết, các luật sư đã làm việc trong nhiều tháng liền để bảo đảm rằng đề xuất của Tổng thống là "không thể công kích được". Mặc dù đảng Cộng hòa có thể thay đổi các chính sách của ông B.Obama khi ông rời vị trí của mình vào tháng 1-2017, nhưng ít nhất hành động của Tổng thống Mỹ lúc này đã xóa bỏ nguy cơ bị trục xuất của nhiều cộng đồng nhập cư, phần lớn đến từ Mỹ Latin.
Phản ứng trước kế hoạch của Tổng thống, các đảng viên Cộng hòa hiện đã kiểm soát được cả Hạ viện và Thượng viện cho rằng, ông B.Obama không thể hành động đơn phương trong vấn đề nhập cư mà không có sự tham gia của lưỡng viện. Thượng nghị sĩ John McCain, một trong các chính khách của đảng Cộng hòa ủng hộ cải cách luật nhập cư, hối thúc Tổng thống B.Obama cho phe Cộng hòa có thêm thời gian xem xét. Ông McCain cảnh báo, một hành động hành pháp đơn phương của Tổng thống "có thể gây ra những tác hại thật sự" đối với mối liên hệ giữa Nhà Trắng và Quốc hội mới do phe Cộng hòa nắm quyền chi phối.
Trong khi đó, một số nghị sĩ bảo thủ muốn sử dụng dự luật ngân sách để ép ông B.Obama rút lại đề xuất trên nhưng nếu vậy thì cái giá phải trả không nhỏ. Đó là tái diễn nguy cơ đóng cửa chính phủ. Thậm chí, Thượng nghị sĩ Ted Cruz kêu gọi Quốc hội mới ngăn chặn mọi đề cử nhân sự của Tổng thống. Nghị sĩ Steve King còn cảnh báo khả năng nhà lãnh đạo Mỹ bị luận tội. Ngoài ra còn có những đề xuất khác như đệ đơn kiện để ngăn chặn sắc lệnh nhập cư của Tổng thống B.Obama hoặc soạn thảo một dự luật nhập cư riêng để vô hiệu hóa văn bản này.
Trước những quan ngại về việc hợp tác giữa hai đảng bị ảnh hưởng sau chiến thắng của đảng Cộng hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ, quyết định cải tổ luật nhập cư của Tổng thống B.Obama dường như đã cho thấy rõ ràng hơn xu hướng này. Thế nhưng, việc đem lại cơ hội trở thành công dân hợp pháp cho gần 5 triệu người được cho là sẽ đem đến cho đảng Dân chủ sự ủng hộ từ một lực lượng cử tri đông đảo mà cách đây không lâu vẫn chưa thể có những quyền cơ bản của một người Mỹ thực thụ.