Doanh nghiệp vận tải vẫn “tự tung tự tác”
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:50, 22/11/2014
Trên địa bàn Hà Nội, theo thống kê của Sở Tài chính, sau khi xăng dầu giảm giá tới lần thứ 9, đã có 18 DN kinh doanh dịch vụ taxi và một vài DN kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định tại Hà Nội giảm giá cước.
Nhiều doanh nghiệp vận tải vẫn chưa giảm cước. Ảnh: Khánh Nguyên |
Tỷ lệ giảm giá bình quân của các DN từ 2% đến 10%, tương ứng với mức giảm từ 500 đồng đến 5.000 đồng/km. Trong đó, các hãng taxi: Group, ABC, Vạn Xuân, Mai Linh, Thanh Nga… giảm phổ biến ở mức 500 - 1.000 đồng/km… Tại TP Hồ Chí Minh, ngoài các DN taxi thì DN vận tải hàng hóa cũng đã giảm giá từ 5% đến 10%. Ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP Hồ Chí Minh cho biết.
Đánh giá về mức giảm này, nhiều ý kiến cho rằng chưa tương xứng với mức giảm giá xăng dầu. Theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT), việc giảm giá cước vận tải trong thời gian qua không đồng đều, giảm không sâu đủ để ảnh hưởng tới việc giảm các loại dịch vụ khác. Đã có không ít ý kiến hoài nghi, có hay không sự bắt tay giữa các DNVT nhằm trì hoãn giảm giá cước? Và có hay không sự thỏa thuận ngầm giữa các DNVT với các hiệp hội vận tải chuyên ngành bởi những lần tăng giá xăng dầu trước đây không chỉ DN kêu khó mà chính các hiệp hội vận tải, hiệp hội taxi cũng liên tục tổ chức các hội nghị, hội thảo để đề nghị các cơ quan chức năng tháo gỡ khó khăn cho DN. Trong khi lần này, đại diện các hiệp hội cũng như đại diện các DNVT viện dẫn khá nhiều lý do để trì hoãn giảm giá. Tuy nhiên, các lý do này đều không có sức thuyết phục. Điệp khúc "tăng nhanh - giảm chậm" cứ liên tục gây bức xúc cho khách hàng và xã hội.
Thử làm phép so sánh vận tải đường bộ với các loại hình kinh doanh vận tải khác. Vận tải hàng không đang phải thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên. Tức là giá vé hàng không được điều hành theo Luật Giá, Bộ Tài chính ban hành khung giá và mức trần để các hãng tự kê khai. Đối với vận tải đường sắt, từ ngày 1-9-2014 cũng bắt đầu giảm giá so với năm 2013, cước vận tải hàng hóa đường sắt trên chặng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh ở mức 1 triệu đồng/tấn hàng, bằng 50% cước vận tải container đường bộ. Trong khi đó, theo bà Phan Thị Thu Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, giá cước vận tải đường bộ hiện đang do các DN tự định giá theo cơ chế thị trường.
Có lẽ chính quy định này đã tạo cho các DNVT một "sân chơi" riêng để họ có thể phớt lờ, xem nhẹ quyền lợi của khách hàng cũng như áp lực từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Tại buổi đối thoại với các DNVT về giá cước vận tải được tổ chức ngay sau đợt giảm giá xăng dầu lần thứ 9, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng phải thừa nhận, có quá ít DN tham gia.
Thực tế trên đã đặt ra yêu cầu để bảo đảm hài hòa quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của DN trong lĩnh vực vận tải, cần có vai trò điều tiết của Nhà nước. Đặc biệt, các cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ, có chế tài xử lý nghiêm các DNVT không chịu giảm giá, chậm giảm giá, "tự tung tự tác" bất chấp quy luật thị trường.
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh: Không ít DN đã bày tỏ lo ngại, nhỡ hôm nay giảm cước vận tải, vài hôm nữa giá xăng dầu lại biến động tăng thì làm như thế nào? Giá xăng dầu không ổn định nên vận tải cũng khó lòng chạy theo được. Tuy vậy, với đà giảm sâu vào đầu tháng 11 vừa qua của xăng dầu, Hiệp hội đã đề nghị các DNVT tính toán lại giá thành và thực hiện giảm giá cước. Tôi khẳng định, không có sự bắt tay giữa Hiệp hội và các DNVT để kìm giá cước. Tôi kêu gọi người dân và các chủ hàng tẩy chay những DNVT không giảm giá. Phó Giám đốc Sở GTVT Thanh Hóa Vương Quốc Tuấn: Cơ cấu để cấu thành giá cước vận tải gồm nhiều yếu tố, khó xác định, ngay cả cơ quan nhà nước đôi khi cũng lúng túng, trong khi DN thì vẫn có tư tưởng đặt lợi nhuận lên trên hết, chưa quan tâm lợi ích của người dân… |