Mô hình nuôi bồ câu Pháp:“một vốn bốn lời”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:45, 22/11/2014
Theo Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Hồng Anh, nuôi bồ câu Pháp theo hướng công nghiệp không phải là mô hình mới mà đã xuất hiện ở nhiều địa phương và cho hiệu quả cao. Ở Hà Nội, ngoài Đông Anh cũng đã có một số nơi khác phát triển mô hình này. Trong các mô hình nuôi chim bồ câu lấy thịt, giống bồ câu Pháp được lựa chọn nhiều nhất bởi đây là giống chuyên thịt nổi tiếng, mỗi năm một cặp có thể đẻ từ 8 đến 9 lứa, trọng lượng chim ra ràng đạt 530-580 gam/con. Giống chim này có khả năng thích ứng cao với điều kiện khí hậu ở nước ta, tỷ lệ nuôi sống đạt 94-99%. Ưu điểm lớn nhất của mô hình là không cần quá nhiều diện tích, đầu tư ban đầu không cao. Bồ câu giống sau khi mua về khoảng 5 tháng bắt đầu đẻ trứng, sinh sản hầu như quanh năm. Trung bình một cặp chim bố mẹ có thể sinh sản trong 5-7 năm. Chim bồ câu con sinh trưởng nhanh, từ khi đẻ cho đến khi bắt đầu ra ràng là 40 - 45 ngày, trong thời gian đó chim mẹ vừa có thể đẻ trứng mới, vừa nuôi con. Hiện chim thương phẩm được giá hơn 100 nghìn đồng/cặp, chim giống 300 - 350 nghìn đồng/cặp 2 tháng tuổi.
Theo Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, việc chọn giống rất quan trọng, nên chọn chim bồ câu giống có lông bụng dày mượt, không có dị tật, lanh lợi. Bên cạnh đó, chuồng nuôi cần phải thông thoáng, có đủ ánh sáng mặt trời, mái che, ổ cho chim mái đẻ trứng và cần thường xuyên vệ sinh chuồng trại. Nếu nuôi chim để làm giống thì tiến hành tách chim non khỏi chim mẹ khi được 30 ngày tuổi, sau đó thả vào chuồng chung cho chúng tự ghép đôi; đối với nuôi chim lấy thịt thì tách mẹ khi 18 ngày tuổi. Mật độ nuôi chim sinh sản 6 con/m2, chim trưởng thành 10 con/m2. Tùy thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng của chim mà có thể dùng các loại thức ăn như đậu, lúa, gạo và bổ sung thêm thức ăn công nghiệp. |
Là người nuôi chim bồ câu Pháp đầu tiên trong xã, anh Lê Đức Giang (xã Nguyên Khê) cho biết, ban đầu anh chỉ nuôi một vài cặp để theo dõi quá trình phát triển cũng như sự thích ứng môi trường và thức ăn của chim. Qua quá trình nuôi thử, thấy bồ câu Pháp dễ nuôi, ít dịch bệnh, thức ăn đơn giản, chủ yếu là thóc và ngô, thịt là thực phẩm giàu dinh dưỡng có nhu cầu sử dụng cao, lại không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc, anh bắt đầu mua chim giống về nuôi. Hiện gia đình anh có hơn 200 đôi chim, chủ yếu cung cấp con giống cho thị trường, mỗi năm thu lãi 100-150 triệu đồng. Dự kiến, thời gian tới anh Giang sẽ phát triển lên 400-500 đôi chim bồ câu Pháp.
Không chỉ riêng anh Giang, mô hình nuôi bồ câu Pháp đang được mở rộng trong xã. Với các hộ gia đình thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn, đây là hướng làm kinh tế hiệu quả để thoát nghèo. Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Nguyễn Hồng Anh cho rằng, với hiệu quả về kinh tế cao, việc phát triển mô hình nuôi chim bồ câu Phap là hướng đi đúng đắn song cần có định hướng về thị trường, tư vấn kỹ thuật chuồng trại và chăm sóc để mô hình phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao nhất.