Hàng trăm nghìn hộ dân “khát” nước sạch
Xã hội - Ngày đăng : 06:56, 21/11/2014
Ít ai ngờ, chỉ cách trung tâm thành phố khoảng 7km mà đến giờ này hàng trăm hộ dân ở quận 9 vẫn phải sống trong cảnh "khát" nước sạch. Sinh sống tại khu phố Long Đại (phường Long Phước, quận 9) từ năm 1972 đến nay nhưng gia đình bà Nguyễn Thị Thái (ngụ tổ 1) trong 42 năm qua vẫn chưa một lần được dùng nước máy, mà phải sử dụng nước giếng. Bà Thái cho biết, sau nhiều lần người dân kêu cứu tại các cuộc họp tổ dân phố hay lên chính quyền thì cách đây một tháng Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) mới lắp đặt một số bồn trữ nước máy. Giải pháp "chữa cháy" này chỉ đủ cho dân nấu ăn nhưng lại "đẻ" ra nỗi khổ khác: Ngày ngày phải mang can, xô chậu đi xếp hàng lấy nước. Nhà nào gần bồn chứa nước còn đỡ, ở xa như hộ ông Trần Văn Bình (tổ trưởng tổ 3) thì vẫn phải dùng nguồn nước giếng khoan bị nhiễm phèn để sinh hoạt. "Chúng tôi phải lọc nước cả ngày trời mới dùng vào việc nấu ăn được. Khu vực tổ 3 này thiếu nước sạch, dân phải đi mua của tư nhân với giá cao, chưa kể phải năn nỉ họ mới bán...", anh Bình ngán ngẩm nói.
Bà Nguyễn Thị Thái vẫn phải dùng bình nước này đi lấy nước sạch tại bồn công cộng. |
Thế nhưng không phải ai cũng có điều kiện mua nước sạch do giá không hề rẻ. Chị Lê Thị Sương (tổ 3 khu phố Long Đại) cho biết, giá nước bán ra của Sawaco là 6.000 đồng/khối, song khi bán lại cho người dân với giá 15.000 đồng/khối với lý do nhiều chi phí phát sinh.
Theo báo cáo cơ quan chức năng TP Hồ Chí Minh, ngoài quận 9 thì còn tới 4 quận, huyện khác chưa "phủ" kín nguồn nước sạch, người dân còn sử dụng nước giếng khoan không hợp vệ sinh, nhiễm phèn, đục… Cụ thể, huyện Bình Chánh có tới gần 59% hộ dân (trong tổng số gần 140.000 hộ dân) chưa có nguồn nước sạch; huyện Nhà Bè gần 500 hộ dân sử dụng nước giếng tự khoan; huyện Củ Chi có 111.000 hộ vẫn chưa có nguồn nước sạch, trong đó nhiều hộ dân phải sử dụng nguồn nước không bảo đảm vệ sinh; quận 12 chỉ có khoảng 50% hộ dân (trong tổng số 125.000 hộ dân) được sử dụng nguồn nước sạch, số còn lại sử dụng nước giếng khoan, có nơi nước bị ô nhiễm nặng. Nếu tính tổng số thì hiện trên toàn địa bàn thành phố vẫn còn hơn 320.000 hộ dân chưa được sử dụng nước sạch.
Trước thực trạng trên, UBND thành phố đã phải ngồi lại với các sở, ngành và quận, huyện về tình hình cung cấp nước sạch trên địa bàn. Báo cáo của Sawaco cho hay, đáng lẽ theo kế hoạch thì đến cuối năm 2014, 100% hộ dân ở 3 quận: Thủ Đức, Bình Tân, quận 12 và 2 thị trấn Hóc Môn (huyện Hóc Môn), Củ Chi (huyện Củ Chi) phải được dùng nước sạch sinh hoạt. Tuy nhiên kế hoạch này đã không thể đạt được do thiếu vốn. Cụ thể, tổng vốn đầu tư cần cho việc cung cấp nước sạch của thành phố giai đoạn năm 2014 và 2015 cần đến khoảng 8.700 tỷ đồng, nhưng Sawaco mới chỉ đáp ứng được khoảng 2.000 tỷ đồng. Để "phủ sóng" nước sạch cho tất cả các hộ dân trên đến năm 2025 cần nguồn vốn đầu tư lên đến khoảng 70.000 tỷ đồng, mà không biết lấy "nguồn" nào.
Tuy nhiên khó khăn về nguồn vốn đầu tư mới chỉ là một vế vấn đề. Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Tín cho hay, lý do hàng trăm nghìn hộ dân trên địa bàn thành phố không có nước sạch để sử dụng còn bởi một bộ phận không nhỏ lãnh đạo các quận, huyện, sở, ngành vô cảm, thờ ơ trong việc giải quyết nhu cầu nước sạch cho người dân. "Tôi đi kiểm tra một số quận, huyện, khi hỏi cụ thể về thực trạng nước sạch ở các khu dân cư, từ lãnh đạo quận, huyện cho đến phường, xã rồi khu phố cũng không biết nhà nào đã có nước sạch, nhà nào chưa có. Quản lý vậy làm sao bàn ra giải pháp?", Phó Chủ tịch thành phố bức xúc.
Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Hữu Tín, nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân, nhất là ở các huyện ngoại thành rất cấp thiết, nhưng sự phối hợp giải quyết giữa các sở, ngành, quận, huyện rất chậm. Vì vậy, trước mắt, Sawaco phải khẩn trương lắp đặt, xây dựng các bồn chứa, bể chứa ở những nơi chưa thể kéo đường ống nước sạch đến. Nước ở bồn chứa, bể chứa phải bảo đảm chất lượng. Trong vòng hai tháng tới, các sở ngành, quận huyện phải tổ chức khảo sát, điều tra số hộ dân chưa có nguồn nước sạch để lập kế hoạch đưa nguồn nước đến từng khu vực dân cư, bảo đảm chất lượng và giá nước sạch giữa nội thành và ngoại thành như nhau.