Người tham gia giao thông phải tự thay đổi hành vi
Giao thông - Ngày đăng : 06:53, 21/11/2014
Hơn 70% số vụ tai nạn liên quan xe máy
11 tháng của năm 2014, trong số gần 23.000 vụ TNGT, có hơn 16.000 vụ tai nạn liên quan xe máy. Đại tá Nguyễn Hữu Dánh - Phó Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ - Đường sắt (Bộ Công an) cho rằng, tình trạng vi phạm của người điều khiển mô tô và xe máy cũng như TNGT liên quan mô tô, xe máy đang là thách thức đối với công tác bảo đảm ATGT của các lực lượng chức năng. Nếu năm 2000, cả nước chỉ có 6 triệu xe máy thì hiện nay, con số này đã lên đến 42 triệu xe và chiếm 94% tổng phương tiện tham gia giao thông. Ngoài tỷ lệ vụ TNGT liên quan xe máy luôn ở mức rất cao, đặc biệt là tại khu vực nông thôn, các hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ do người điều khiển xe máy gây ra cũng chiếm 68% tổng số vụ vi phạm.
Với đa số người dân, mô tô, xe máy vẫn là loại phương tiện phù hợp nhất. Ảnh: Khánh Nguyên |
Kết quả này cũng khá trùng khớp với nghiên cứu vừa được các chuyên gia của WB công bố. Theo đó, xe máy đang là phương tiện đi lại chủ yếu của người dân Việt Nam, chiếm hơn 85% tổng số phương tiện trên cả nước, với nhiều ưu điểm như tính cơ động cao, linh hoạt, giá thành rẻ… Tuy nhiên, xe máy lại là phương tiện có nguy cơ TNGT cao nhất trong số những phương tiện cơ giới đường bộ, chiếm hơn 70% số vụ TNGT đường bộ tại Việt Nam. Tình trạng người dân đi xe máy một cách nguy hiểm như vượt đèn đỏ, đi vào ngã tư đông người với tốc độ cao, chuyển làn liên tục hoặc sử dụng điện thoại di động… diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, tỷ lệ người tham gia giao thông bằng xe máy có đội mũ bảo hiểm dù đã tăng cao (95%) nhưng khá nhiều trong số này sử dụng mũ không đúng quy chuẩn. Ngoài ra, tỷ lệ trẻ em có đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy mới chỉ chiếm 25%.
Tối đa hóa hiệu quả vận tải hành khách công cộng
Ông David Spice - Trưởng nhóm nghiên cứu của WB cho rằng, kết quả khảo sát với gần 6.000 người dân tại Hà Nội cho thấy, dù nhận thức được những nguy cơ có thể xảy ra từ việc tham gia giao thông bằng xe máy, song ý thức về việc sở hữu và sử dụng xe máy tại Hà Nội rất "bền vững". Ít người sẵn sàng thay đổi thói quen đi lại bằng xe máy dù cũng rất lo ngại về an toàn và các điều kiện môi trường giao thông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, không nên hạn chế sở hữu phương tiện mà phải tạo điều kiện khuyến khích người dân tìm đến những phương thức vận tải hợp lý. Giải pháp phù hợp và hiệu quả là phải tập trung tối đa hóa hiệu quả vận tải hành khách công cộng. Và để chuyển từ vận tải cá nhân sang vận tải công cộng cần một chiến lược bền vững kết hợp với các công cụ chính sách cụ thể để người tham gia giao thông thay đổi hành vi. Việc này không thể diễn ra trong thời gian ngắn mà cần phải mất 5-10 năm, thậm chí lâu hơn.
Chừng nào thói quen sở hữu, sử dụng mô tô, xe máy không thể thay đổi trong một sớm một chiều bởi rất nhiều lý do như vận tải công cộng chưa phát triển đồng bộ, điều kiện kinh tế - xã hội của đa số người dân… thì chừng đó mô tô, xe máy đã, đang và sẽ tiếp tục là loại phương tiện liên quan hàng loạt vụ tai nạn giao thông mỗi ngày. Hạn chế tai nạn liên quan xe máy nói riêng, tai nạn giao thông nói chung, vì vậy vẫn là vấn đề nan giải trong thời gian dài. Hơn ai hết, chính mỗi người phải tự thay đổi hành vi khi tham gia giao thông theo hướng tuân thủ pháp luật.