Hiểm họa từ những báo cáo "cắt dán"
Kinh tế - Ngày đăng : 06:48, 21/11/2014
Thực ra chuyện này không mới, bởi đã có chuyên gia từng nhiều năm ngồi Hội Đồng thẩm định ĐTM kể một câu chuyện "cười không nổi", là trong dự thảo báo cáo ĐTM lần đầu của dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A có một số nội dung nghe quen quen. Mà đây không phải trường hợp cá biệt, trong một báo cáo khác có nêu miền Bắc có sông Thị Vải, miền Nam có sông Hồng... Tất nhiên những báo cáo ĐTM kiểu này ít có cơ hội "lọt" cửa Hội Đồng thẩm định.
Thế nhưng, như con số mà chuyên gia trên đưa ra thì quả thực cũng khá giật mình, khi số lượng báo cáo kiểu này lên tới 20-30%. Mà thực tế này có nguyên nhân sâu xa là chủ dự án thuê các cơ quan tư vấn, rồi các cơ quan tư vấn lại đấu thầu với nhau để làm. Qua đấu thầu, giá tiếp tục tụt xuống khiến kinh phí không đủ để đi thu thập số liệu. Thu thập số liệu mà lỗ thì không ai làm, nên chất lượng báo cáo ĐTM thấp.
Chính cách làm thiếu trung thực sẽ dẫn tới những dự báo sai, hậu quả là môi trường sẽ phải gánh chịu những thảm họa. Rồi thì không ít đơn vị thẩm định lại làm theo kiểu "chay", tức là chỉ thẩm định trên giấy, rất thiếu thực tế. Ở không ít nơi, không ít dự án, do quan hệ phụ thuộc lẫn nhau, nhiều vị chuyên gia vừa làm thẩm định chỗ này nhưng lại đóng vai trò tư vấn chỗ nọ nên cũng "tế nhị". Về lý, Hội đồng thẩm định phải giữ vai trò quan tòa nhưng chính vì cái sự "tế nhị" ấy nên thành viên hội đồng lại chỉ cho bên tư vấn phải chỉnh sửa chỗ này, bổ sung chỗ nọ để thông qua cho bảo đảm yêu cầu của luật.
Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng thừa nhận có chuyện này và đã triển khai các giải pháp khắc phục theo hướng quy định chỉ những đơn vị ở cấp nào mới được làm báo cáo ĐTM. Đơn vị nào vi phạm sẽ bị đưa vào danh sách "đen". Nhờ thế, gần đây các báo cáo "chay", "cắt dán" đã giảm nhiều. Nhưng, lâu lâu vẫn cần phải cảnh báo, bởi "cắt dán" báo cáo ĐTM nếu "lọt" cửa thẩm định và được phê duyệt thì hậu quả sẽ là rất lớn, khó có thể đo đếm.