Đánh giá cán bộ, công chức: Phải hỏi cả người dân
Xã hội - Ngày đăng : 06:39, 21/11/2014
Bên hành lang Quốc hội ngày 20-11, ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đã cho biết quan điểm về việc này.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP Hồ Chí Minh). Ảnh: VTC |
- Ông đánh giá như thế nào về con số 99% cán bộ, công chức trong cơ quan hành chính nhà nước hoàn thành nhiệm vụ?
- Nếu đúng như công bố, chất lượng cán bộ, công chức Việt Nam có lẽ tốt nhất nhì thế giới. Như vậy, chúng ta thực hiện cải cách hành chính làm gì nữa!?
Tôi không nhận xét cách thức đánh giá của Bộ Nội vụ. Thậm chí, tôi cho là họ có quyền thực hiện việc đánh giá và trách nhiệm của họ là như vậy. Nhưng đó chỉ là một căn cứ. Và các bộ, ngành, địa phương cũng chỉ nên coi đây là tham khảo và phải đánh giá lại.
- Báo cáo đánh giá của Bộ Nội vụ dựa vào báo cáo của các địa phương, bộ, ngành tổng hợp, vậy có khách quan không? Trong trường hợp này, trách nhiệm của Bộ Nội vụ như thế nào khi chỉ dựa hoàn toàn vào báo cáo gửi lên?
- Như đã nói, tôi không nhận xét cách lấy ý kiến của Bộ Nội vụ và báo cáo của họ chỉ là một căn cứ, mà mình (địa phương, bộ, ngành - PV) phải tự đánh giá mình. Tôi lấy ví dụ, trong một cơ quan, khi mình tự đánh giá, nhận xét mình vẫn phải cần mọi người góp ý. Còn về cách thức, tôi cho là nên tổ chức điều tra bằng cách lấy phiếu độc lập khách quan, phiếu kín thì chuẩn xác hơn. Nếu để cho các tỉnh báo cáo lên, không ai lại tự nhận mình kém cả. Việc đánh giá cán bộ, công chức ngoài điều tra bằng phiếu thăm dò giữa cán bộ, công chức với nhau (cũng khá công bằng) cần phải hỏi người dân - đối tượng đóng thuế nuôi bộ máy hành chính và cũng là đối tượng phục vụ của cán bộ, công chức nên kết quả sẽ chính xác nhất. Ví dụ, cán bộ ngành y tế thì phải hỏi bệnh nhân; cán bộ, công chức lĩnh vực tài nguyên môi trường hay quản lý đất đai thì phải hỏi những người dân bị ảnh hưởng hoặc trong vùng quy hoạch treo, bị đền bù giải tỏa xem họ có hài lòng không? Tương tự, cán bộ, công chức ngành thuế thì phải hỏi DN… Tóm lại phải hỏi những đối tượng đó, rồi so sánh với đánh giá của Bộ Nội vụ mới chính xác.
Tôi cho rằng, tốt nhất là để các tổ chức xã hội có liên quan tiến hành khi tham khảo các tầng lớp nhân dân và DN để thực hiện khách quan, độc lập. Cụ thể, hỏi DN phải để hiệp hội có ý kiến; hỏi người dân phải để có mặt trận, các đoàn thể thực hiện. Tôi được biết nhiều người dân, nhiều DN họ không đồng tình với con số 99% công chức "hoàn thành nhiệm vụ".
- Giả sử có kết quả khác nhau, vậy nên tin vào số liệu nào, thưa ông?
- Những người lãnh đạo thực sự quan tâm đến bộ máy của mình, nghĩa là quan tâm đến lợi ích của người dân thì họ có cách tìm hiểu thực trạng để chấn chỉnh chứ không chỉ dựa vào con số của Bộ Nội vụ. Vì khi đội ngũ công chức không có trách nhiệm, năng lực, đạo đức đầy đủ, thì việc điều hành sẽ bị ách tắc, mọi chủ trương, kế hoạch đặt ra không đạt được, không hoàn thành tốt. Người lãnh đạo có trách nhiệm, đặt lợi ích của nhân dân lên cao nhất sẽ không hài lòng với những đánh giá chung chung.
- Xin cảm ơn ông!