“Cánh chim đầu đàn” của thể thao Việt Nam
Thể thao - Ngày đăng : 06:31, 20/11/2014
Tại ASIAD 17-2014, các VĐV thuộc các đội tuyển quốc gia do Trung tâm quản lý đã đem về cho đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) 29 huy chương (1 HCV, 8 HCB, 20 HCĐ). Thành tích này tiếp tục khẳng định vai
trò "cánh chim đầu đàn", đại bản doanh lớn nhất của TTVN.
Các HLV, VĐV: Hoàng Xuân Vinh, Nguyễn Văn Hùng, Nguyễn Thị Nhung (bắn súng), Đới Đăng Hỷ (vật) đã vinh dự được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Ngoài ra, có 28 cá nhân HLV, VĐV được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. |
Trò chuyện cùng phóng viên Báo Hànộimới bên thềm buổi lễ, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh, nguyên Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, người từng nhiều lần dẫn dắt đoàn TTVN tham dự các đại hội thể thao quốc tế lớn với tư cách trưởng đoàn, chia sẻ: "Tôi nghĩ, việc tuyên dương các HLV, VĐV xuất sắc trong dịp kỷ niệm 55 năm xây dựng và phát triển của Trung tâm thực sự rất ý nghĩa, bởi chúng ta không chỉ tôn vinh một cá nhân, một tập thể, mà chính là tôn vinh truyền thống của TTVN". Ông Nguyễn Hồng Minh nhớ lại: Tiền thân là Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT TƯ, ngay từ những ngày đầu, nơi đây chính là địa điểm huấn luyện những môn trọng điểm của thể thao Olympic như bóng bàn, bắn súng, thể dục dụng cụ, điền kinh… Biết bao VĐV ưu tú đã được đào tạo và trưởng thành từ đây, trở thành lực lượng nòng cốt, tạo nền móng cho sự phát triển của TTVN. Lịch sử đáng trân trọng ấy cần được các HLV, VĐV biết, hiểu để thêm tự hào, làm động lực phấn đấu để tiếp tục chinh phục đỉnh cao ở các đấu trường lớn sắp tới.
Trong câu chuyện của những mái đầu bạc, người ta lại nhắc đến sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước dành cho nền TDTT nước nhà trong suốt những năm qua. Đó là chuyện Bác Hồ gặp mặt VĐV các đội tuyển quốc gia của Trường Huấn luyện kỹ thuật TDTT TƯ tham dự Tiểu Ganefo Châu Á lần thứ nhất tại Campuchia - năm 1966. Chuyện Thủ tướng Phạm Văn Đồng trao cúp cho đội tuyển bóng chuyền nam tại giải Việt - Trung - Triều - Mông; chuyện Thủ tướng Võ Văn Kiệt thăm đội tuyển bóng đá quốc gia tại Trung tâm năm 1997; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An thăm đội tuyển Karatedo và Pencak Silat tại Trung tâm vào năm 2003… Chuyện cũ kể lại, cho thấy ở bất kỳ giai đoạn nào lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng luôn quan tâm sát sao đến TTVN. Nhờ đó, bao gương mặt vang danh một thuở từng trưởng thành từ "cái nôi" này, như kiện tướng bơi lội Vũ Thị Sen, kỷ lục gia điền kinh Hoàng Vĩnh Giang, kiện tướng điền kinh Đoàn Kim Phách, Dương Đức Thủy…, được tiếp nối bởi những Bùi Thị Nhung, Nguyễn Văn Hùng, Đoàn Kiến Quốc, Nguyễn Đình Cương, Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng, Phan Thị Hà Thanh… Truyền thống ấy giúp Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Hà Nội trở thành nơi hội tụ các gương mặt giàu thành tích nhất của TTVN hiện nay.
Trong không khí ấm áp của tình thầy trò, tình đồng nghiệp bao thế hệ cùng họp mặt, có những gương mặt rất trẻ và tươi sáng của các VĐV tuyển trẻ quốc gia. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, VĐV Hà Nội Nguyễn Thị Thanh Lan (đội tuyển trẻ kiếm quốc tế) chia sẻ: Dịp kỷ niệm 55 năm thành lập Trung tâm trùng dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Những ngày này, chúng em càng thêm nhớ đến công ơn các thầy cô huấn luyện, vì thú thực là hầu hết thời gian tập luyện, ăn, ở của chúng em đều gắn với Trung tâm, chỉ cuối tuần mới ghé thăm nhà, các thầy cô chẳng khác nào người thân gia đình.
Trong dòng chảy cảm xúc, chuyên gia Nguyễn Hồng Minh bày tỏ: "Rõ ràng, giáo dục truyền thống có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta xác định rõ hơn vai trò của HLV thể thao như một người thầy trong dạy học văn hóa, tổ chức hoạt động kỷ niệm gắn với ngày tôn vinh người thầy làm công tác huấn luyện, tôi tin rằng truyền thống "tôn sư trọng đạo" sẽ càng được đề cao, làm động lực cho sự phát triển của TTVN".