Chưa có giải pháp căn cơ
Xã hội - Ngày đăng : 06:22, 20/11/2014
Những khó khăn, vướng mắc cần người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH giải quyết rốt ráo là vấn đề 174.000 sinh viên ra trường làm không đúng ngành nghề đào tạo; người lao động không sống được bằng lương và thất nghiệp gia tăng. Đây là những bất cập đã tồn tại từ nhiều năm.
Định hướng học nghề phù hợp với nhu cầu xã hội sẽ giảm số sinh viên thất nghiệp hoặc làm không đúng ngành đào tạo. Ảnh: Trung Kiên |
Năng suất lao động thấp
Nói về khả năng cạnh tranh của lao động Việt Nam, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Vĩnh Phúc) nhận định, chúng ta đang là một trong những nước có năng suất lao động rất thấp trong khu vực. Câu chuyện trên cho thấy, để cung cấp nguồn nhân lực có tính cạnh tranh, không có cách nào khác là người lao động phải chịu khó học hỏi, học nghề theo nhu cầu của thị trường. Việc này cũng cần phải có sự "chia lửa" từ phía Bộ Khoa học và Công nghệ (KH-CN), do đó ĐB Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị cả Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân cùng tham gia trả lời về vai trò của Bộ trong phát triển nhân lực có trình độ cao. Cũng quan tâm đến vấn đề này, ĐB Phạm Thị Hiền (Đoàn Quảng Ninh), ĐB Ngô Văn Minh (Đoàn Quảng Nam) lần lượt nêu vấn đề bức xúc ở địa phương: Lao động nước ngoài gia tăng nhưng phần lớn không có trình độ, lại có cả người phạm pháp; đào tạo nghề không trúng nhu cầu, có trường không có người học, học ra không xin được việc. ĐB Phạm Thị Hiền đặt câu hỏi: Bộ LĐ-TB&XH đã nghiên cứu, khắc phục vấn đề này thế nào để lao động Việt Nam không thua ngay trên sân nhà? ĐB Ngô Văn Minh đề nghị Bộ trưởng nêu giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề cụ thể, không nhắc lại câu nói quen thuộc là "khẩn trương, tiếp tục, đẩy mạnh" như những lần trả lời trước đó.
174.000 sinh viên ra trường bị thất nghiệp?
Trong phiên chất vấn, con số 174.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng chưa tìm được việc làm trong quý III năm 2014 được nhiều ĐB đưa ra và yêu cầu người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH nêu hướng giải quyết. Bên cạnh đó là tình trạng sinh viên ra trường nhưng không "lớn" được vì làm không đúng ngành nghề đào tạo, người lao động không sống được bằng lương, thất nghiệp gia tăng.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, các vấn đề ĐB nêu ra liên quan đến công tác phối hợp quản lý. Hiện toàn quốc có gần 78.000 lao động nước ngoài, phần lớn là chuyên viên kỹ thuật. Tuy nhiên, trong các công trường, công trình của doanh nghiệp nước ngoài vẫn có một số lao động không có trình độ, trong đó phần đông là lao động Trung Quốc đi theo đường du lịch, tham gia trong giai đoạn đầu của các công trình. "Chúng tôi đã phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương kiểm tra, trục xuất. Còn việc quyết định người lao động nước ngoài có vào Việt Nam được hay không thuộc chức trách của công an" - người đứng đầu Bộ LĐ-TB&XH nói.
Riêng với con số 174.000 sinh viên thất nghiệp, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền giải thích, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản, giải thể. Nếu không có tình trạng này, họ nhất định sẽ có việc làm. Bộ trưởng cũng cho rằng, nhiều người trong số đó đang làm tại các doanh nghiệp địa phương, cất bằng đại học làm công nhân thì cũng là có việc. Làm bất cứ nghề gì, công việc gì để có thu nhập chính đáng đều rất vinh quang. Song, vấn đề lâu dài cần giải quyết ở đây là lãng phí nguồn nhân lực nên trách nhiệm nhà nước là cần phát huy trí tuệ của thanh niên để họ làm đúng nghề. Bộ trưởng cho biết, đang phối hợp với Bộ GD-ĐT, Bộ KH-ĐT phân luồng, hướng lực lượng trẻ học nghề, quy hoạch lao động, tổ chức đào tạo nghề chất lượng cao sát nhu cầu thị trường, không chạy theo số lượng. Đến năm 2015 sẽ có khoảng 55% lao động được qua đào tạo.
Với số sinh viên ra trường chưa có việc làm, Bộ chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện tốt vai trò cầu nối giữa nhà tuyển dụng và người lao động. Cũng cần có các chính sách ưu tiên những người về công tác ở vùng sâu, vùng xa tương tự như chương trình đưa 600 thanh niên về làm cán bộ ở cơ sở để giúp các em phát huy được sức trẻ và tri thức của mình.
Lương tăng cũng chỉ đáp ứng 60% mức sống tối thiểu
Có điều đáng lưu ý là, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH đặt ra nhiều giải pháp để tăng năng suất lao động nhưng cũng thừa nhận lương căn bản mới đáp ứng 60% mức sống tối thiểu. "Ngân sách hiện không đủ để nâng lương, nhưng Chính phủ đã rất cố gắng dành thêm 11.000 tỷ đồng để tăng lương cho người thu nhập thấp, hưu trí và người có công" - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền khẳng định.
ĐB Phạm Tất Thắng (Đoàn Vĩnh Long) nhận định: "Quyết định tăng lương từ ngày 1-1-2015 là cố gắng lớn của Chính phủ, nhưng sau hai lần trì hoãn lộ trình tăng lương, khoản tiền 11.000 tỷ đồng lần này chỉ dành cho một số nhóm đối tượng, như làn gió thoảng qua, không đủ làm "mát" cuộc sống của người lao động có thu nhập thấp". Ông thẳng thắn khẳng định quyết định này còn nặng tính hình thức, chưa tác động tích cực đến đời sống người lao động và đòi hỏi Bộ trưởng cần có giải pháp căn cơ hơn để cùng lúc có thể nâng cao năng suất lao động và chi trả mức lương tương xứng với tất cả các nhóm lao động trong thời gian tới. Ngoài ra, ĐB Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đẩy nhanh tiến độ hướng dẫn doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa xây dựng thang bảng lương.
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền chia sẻ, Bộ đã ban hành các thông tư hướng dẫn, đã thành lập Hội đồng Tiền lương quốc gia và cũng đã hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách tiền lương của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đúng là vẫn còn thiếu một nội dung hướng dẫn về xây dựng thang bảng lương. Do còn một khoản "thu nhập khác" phải xác định rõ là gồm những gì để đưa vào tính thu nhập đóng bảo hiểm xã hội. Trong tháng 12 tới, Bộ sẽ bổ sung hướng dẫn này. "Về tiền lương, trong kế hoạch đề ra lộ trình đến năm 2015 - 2016, tiền lương cũng phải bảo đảm mức sống tối thiểu nhưng do kinh tế và khả năng ngân sách nên phải đi từng bước. Đây là một quyết định rất nhân văn, nhưng thực chất đó chỉ là một giải pháp chứ chưa giải quyết được căn cơ về tiền lương" - Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền phân trần.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: Có khó khăn, cần trình Chính phủ, Quốc hội tháo gỡ Việc đào tạo nguồn nhân lực ở nhiều trường, nhiều lớp, cả nông thôn và đô thị chưa có hiệu quả cao. Dự báo đào tạo chưa chính xác, nên xảy ra tình trạng thất nghiệp, thiếu việc. Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục rà soát hệ thống đào tạo, đổi mới cách dạy. Tôi cũng hy vọng, Bộ trưởng Bộ KH-CN Nguyễn Quân sớm đưa ra được cơ chế khơi nguồn sáng tạo trong nhân dân, tránh tình trạng quyết định hỗ trợ 5 tỷ đồng mà chỉ giải ngân được 3 tỷ đồng. Nếu có vướng mắc thì trình Chính phủ, trình QH để tháo gỡ. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Đỗ Mạnh Hùng: Chưa rõ trách nhiệm các cơ quan về nợ đọng bảo hiểm xã hội Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH phân tích về nợ đọng BHXH chưa thật rõ. Ở đây, có trách nhiệm từ ba phía: Người sử dụng lao động, cơ quan quản lý nhà nước và chính bản thân người lao động. Bộ trưởng có đề cập đến trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, kiểm tra, nhưng như vậy chưa đủ, phải có sự phối hợp với các ngành khác nữa. Mặt khác, sự tham gia chủ động, tích cực của người lao động cũng có tác dụng rất lớn. Nếu nhận thức đúng, đầy đủ thì họ sẽ có nhiều cách thông báo, không cho phép chủ sử dụng lao động trốn tránh như vậy. Việt Nga - Hải Hàghi |