Những cơn sóng mới
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 20/11/2014
Đó là quyết định giải tán Hạ viện vào ngày 21-11 tới để tổ chức bầu cử sớm và hoãn kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lên 10% từ tháng 10-2015 sang tháng 4-2017. Quyết định hệ trọng này được dự báo sẽ không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ mà còn tác động trực tiếp đến đời sống kinh tế - xã hội ở đất nước Mặt trời mọc thời gian tới.
Ảnh minh họa |
Tuyên bố trên của Thủ tướng S.Abe được đưa ra vào thời điểm "bức tranh" nền kinh tế lớn thứ ba thế giới khá ảm đạm. Số liệu công bố mới nhất của Văn phòng Nội các Nhật Bản cho thấy, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý III năm nay đã giảm 0,4% so với quý trước và giảm thực theo tỷ lệ hàng năm là 1,6%. Số liệu này hoàn toàn trái với dự báo trước đó của giới nghiên cứu thị trường khi cho rằng, kinh tế Nhật Bản sẽ tăng trưởng từ 0,5% đến 2%. Sự kiện nền kinh tế Nhật Bản chính thức rơi vào suy thoái sau hai quý liên tiếp tăng trưởng âm đã cho thấy, quyết định tăng thuế tiêu dùng ngày 1-4 vừa qua (từ 5% lên 8%) có tác động tiêu cực hơn so với tính toán của giới chuyên môn. Đây cũng là lý do quan trọng khiến Thủ tướng S.Abe phải rút lại kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lần thứ hai lên 10% theo dự kiến vào tháng 10-2015.
Theo kế hoạch, chiến dịch tranh cử vào Hạ viện Nhật Bản sẽ bắt đầu ngày 2-12 tới để chuẩn bị cho cuộc bầu cử chính thức diễn ra vào ngày 14-12. Một số chuyên gia phân tích cho rằng, nhà lãnh đạo S.Abe muốn thông qua cuộc bầu cử trước thời hạn này để tranh thủ thăm dò ý kiến dư luận đối với quyết định lùi kế hoạch tăng thuế tiêu dùng lần thứ hai thêm 18 tháng nữa. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các đảng đối lập không ngừng lên tiếng chỉ trích chính sách kinh tế táo bạo mang tên "Abenomics" của ông với các "mũi tên" là nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ, tăng chi tiêu tài chính và chiến lược tăng trưởng. Các đảng đối lập còn cho rằng đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và Thủ tướng S.Abe đang dùng phương pháp không chính đáng để duy trì kiểm soát Hạ viện. Với tình cảnh nền kinh tế ảm đạm tiếp tục kéo dài, trong khi tỷ lệ ủng hộ nội các ngày một giảm, LDP cầm quyền nhiều khả năng sẽ trở thành phe thiểu số trong Hạ viện nếu bầu cử diễn ra vào năm 2016.
Thẳng thắn nhìn vào sự thật khi phát biểu với báo giới tại thủ đô Tokyo sau quyết định trên, Thủ tướng S.Abe khẳng định sẵn sàng từ chức nếu LDP cầm quyền không giữ được đa số ghế tại Hạ viện trong cuộc đua sắp tới. Lý giải việc tăng thuế tiêu dùng sớm sẽ ảnh hưởng đến nỗ lực kéo nền kinh tế Nhật Bản ra khỏi nguy cơ giảm phát - xuất phát từ những tác động tiêu cực đến tiêu dùng của người dân trong nước - Thủ tướng S.Abe cho rằng trong dài hạn sẽ vẫn thực hiện tăng thuế tiêu dùng lần hai lên 10% vào tháng 4-2017, với mục tiêu phấn đấu đạt thặng dư ngân sách vào năm 2020. Một trong những giải pháp trước mắt được nhà lãnh đạo đất nước Mặt trời mọc đưa ra là soạn thảo gói bổ sung ngân sách tài khóa 2014 để thúc đẩy tiêu dùng nội địa.
Cùng quan điểm với Thủ tướng S.Abe, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga dẫn số liệu kết quả tăng thuế tiêu dùng lên 8% từ tháng 4 vừa qua đã mang lại lợi nhuận cho nước Nhật khoảng 8.000 tỷ yên tiền thuế mới, ông Suga nhận định rằng, tăng trưởng kinh tế quý III năm nay giảm một phần do việc chi tiêu của người dân giảm. Tuy nhiên, xét một cách tổng thể nền kinh tế nước này vẫn phát triển theo hướng hồi phục dần.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa chính trường Nhật Bản lại bước vào một cuộc đua mới hết sức quyết liệt giữa LDP cầm quyền và các đảng đối lập để giành đa số tại Hạ viện. Nếu thắng lợi trong cuộc đua này, đảng LDP của Thủ tướng S.Abe sẽ có thêm động lực để tiếp tục hiện thực hóa chính sách "Abenomics" và quyết định những đường hướng phát triển kinh tế - xã hội trong 4 năm nữa. Bằng không, xứ sở Mặt trời mọc lại chứng kiến một cuộc chuyển giao chính trị mà chắc chắn sẽ gây ra những cơn sóng mới thử thách mục tiêu ổn định và tăng trưởng của đất nước Nhật Bản.