Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời chất vấn tại Quốc hội
Chính trị - Ngày đăng : 12:49, 19/11/2014
Mở đầu phiên chất vấn chiều nay, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền trả lời tiếp các câu hỏi đại biểu nêu. Với ý kiến ĐB Đặng Ngọc Tùng về bảo hiểm xã hội, trong quy định của Luật, DN phải đóng bảo hiểm cho người lao động, nếu không đóng sẽ bị các cơ quan chức năng xử lý, đảm bảo quyền lợi cho người lao động khi chốt sổ. Việc sửa đổi Luật bảo hiểm, phải đảm bảo nguyên tắc bình đẳng với mọi người lao động. Dự kiến, đến 2016, thời gian tính bảo hiểm cho toàn bộ thời gian đóng. Lộ trình giữa khu vực công và ngoài khu vực công sẽ giống nhau.
Với ý kiến của ĐB Trần Đình Long về tiền lương tối thiểu. Dự kiến thực hiện lương tối thiểu từ đầu năm 2015 đã được Thủ tướng phê duyệt, đảm bảo nhu cầu cuộc sống tối thiểu và đảm bảo yêu cầu phát triển. Việc phân 4 vùng đã đảm bảo các yêu cầu trên. Về tiền lương giữa các khu vực, Bộ LĐTBXH quản lý với khối DN. Hiện tiền lương chia thành 2 khu vực sản xuất và hành chính sự nghiệp. DN có quyền được thỏa thuận lương, trả đến mức nào tùy thuộc sự phát triển của DN. Ở khu vực hành chính, Bộ trưởng thừa nhận lương chưa đảm bảo mức sống của người lao động. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Nội vụ Ban cải cách giải quyết khó khăn trong tiền lương khu vực hành chính.
Với ý kiến ĐB tỉnh Thái Bình có sự bất hợp lý tiền lương cho người thôi việc. Bộ trưởng trả lời, để giải quyết bất cập, Bộ trình Chính phủ xem xét về vấn đề chế độ cho lao động dôi dư, hỗ trợ giải quyết chính sách cho người lao động…phối hợp với các địa phương trong kiểm tra, giám sát.
Tại ý kiến của ĐB Ly Kiều Vân về chính sách đào tạo người xuất khẩu lao động, nhất với khu vực người dân tộc có khó khăn. Bộ trưởng thừa nhận có trách nhiệm, năm 2015 sẽ đánh giá lại, có giải pháp giúp đồng bào dân tộc có điều kiện đi xuất khẩu lao động.
Trả lời ý kiến ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm về đào tạo nghề quốc tế, Bộ trưởng cho biết đã cử được cán bộ đi các nước đào tạo nghề và được ASEAN công nhận. Riêng với vấn đề lao động bỏ trốn, có đến 16.000 người ở lại Hàn Quốc.
Trả lời câu hỏi của một ĐB về chính sách cho người cao tuổi, Bộ trưởng cho biết, trong quy định Luật người cao tuổi, người trên 80 tuổi mới được hưởng. Việc các ĐB đề nghị hạ thành 70 tuổi sẽ được xem xét trong thời gian tới.
Tiếp đến ĐB Y Khút Nê (Đắc Lắc) hỏi về mức lương cơ sở để tính lương hưu không đảm bảo cho người lao động? Bộ trưởng cho biết sẽ kiểm tra lại và trả lời bằng văn bản.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền. |
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết Bộ trưởng đã trả lời 24 ý kiến. Những vấn đề Quốc hội lựa chọn hỏi Bộ LĐ,TB&XH là những vấn đề khó mang tính chiến lược. Bộ trưởng đã kinh qua nhiều lĩnh vực đảm nhiệm nên có nhiều kinh nghiệm. Những câu hỏi được ĐB đặt ra đều ngắn gọn, rõ, thuộc các lĩnh vực công chức, viên chức, liên quan đến cả đồng bào vùng sâu, vùng xa. Bộ trưởng đã giải đáp được những vấn đề trong đó có những nội dung hứa sẽ kiểm tra, xem xét, đáp ứng được mong muốn của đồng bào cả nước. Đồng bào sẽ chờ đợi việc thực hiện lời hứa của Bộ trưởng.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ LĐ,TB&XH cần quan tâm hơn đến công tác đào tạo nguồn nhân lực ở nông thôn, đô thị do hiệu quả còn chưa cao. Đào tạo gắn với việc làm, đầu tư phát triển các thành phần kinh tế chưa kịp. Chất lượng đào tạo, dự báo thông tin đào tạo… chưa đáp ứng thực tế nên đào tạo ra không khớp với nhu cầu việc làm. Tình trạng thiếu việc làm rất nghiêm trọng cùng với các yếu tố khoa học quản lý làm cho năng suất lao động của nước ta thấp. Bộ trưởng phải rà soát lại hệ thống chính sách, cơ cấu tổ chức đào tạo. Việc dạy nghề sơ cấp, trung cấp… phải sắp xếp lại; cần có chính sách hỗ trợ cho người đi học (có cả nông dân, công nhân, đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn). Với các cơ sở đào tạo phải nâng cao về giáo cụ, hạn chế học chay, thực hành ít, lý thuyết nhiều. Cần nghiên cứu mở rộng thị trường, kết nối DN - Nhà nước - Người lao động.
Thị trường lao động cần nâng cao chất lượng, kết nối với nhu cầu người tuyển dụng lao động. Quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo thuận lợi cho người lao động nước ngoài đến VN. Ưu tiên giải quyết việc làm cho lao động trong nước.
Quốc hội cũng mong Bộ trưởng làm tốt hơn việc đưa người lao động ra nước ngoài; làm sao để người lao động vừa được đào tạo về văn hóa, phong tục, tập quán nước sở tại; lại vừa được đào tạo nghề, dạy tiếng, tránh ảnh hưởng đến hợp đồng, uy tín của người Việt Nam. Thị trường xuất khẩu lao động phải được mở rộng nhưng quản lý chặt chẽ hơn. Các nước yêu cầu rất nhiều ngành nghề nhưng lao động của ta chưa đáp ứng được. Đào tạo nhân lực phải tạo đột phá, cùng với khoa học công nghệ, quản lý để tăng năng suất lao động.
Về vấn đề tiền lương chưa đáp ứng mức sống tối thiểu, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu cần tiếp tục đổi mới. Vai trò công đoàn, quản lý nhà nước cần phải quyết mối quan hệ tiền lương, đảm bảo quyền lợi của người lao động.
Về bảo hiểm xã hội, các ĐB quan tâm đến Luật sửa đổi bổ sung… nhưng nợ bảo hiểm xã hội, Quốc hội yêu cầu Bộ LĐTBXH phối hợp với các cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra giải quyết tốt nhất, hạn chế việc chậm đóng bảo hiểm. Phải kiến nghị xử lý những đơn vị trốn đóng, chây ỳ tiền bảo hiểm. Sang năm phải hạ được số tiền chậm đóng bảo hiểm. Bộ LĐTBXH xử lý cho được những tiêu cực trong chính sách bảo hiểm xã hội, chính sách người có công, người nhiễm chất độc da cam… Sửa đổi các thủ tục hành chính rườm rà. Chủ tịch Quốc hội vui mừng vì Bộ trưởng đã cam kết thực hiện các vấn đề trên. Qua phiên chất vấn này, Bộ trưởng tiếp tục thực hiện tốt các chức năng tham mưu trong lĩnh vực lao động, việc làm, tiền lương cho người lao động; phát triển đất nước trong thời kỳ mới…
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo giải trình một số vấn đề các ĐB quan tâm. |
* Tiếp theo chương trình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thay mặt Chính phủ giải trình thêm các vấn đề kinh tế - xã hội và các ý kiến chất vấn của ĐB Quốc hội.
Theo đó, kinh tế - xã hội của đất nước đang chuyển biến tích cực, lạm phát, dư nợ tín dụng, mặt bằng lãi suất được kiểm soát tốt. Chúng ta đã xuất siêu 2 tỷ USD, thu hút vốn ODA đạt khoảng 4,96 tỷ USD…. Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5%. Chỉ số hàng tồn kho về mức bình thường. Tổng mức hàng hóa bán lẻ tăng 11,12%. Thị trường bất động sản phục hồi. Nhiều doanh nghiệp được thành lập mới… An sinh xã hội đảm bảo, tạo việc làm cho trên 4,96 triệu lao động. Cải cách hành chính, đối ngoại, hội nhập quốc tế có bước chuyển biến tích cực.
Kết quả trên cho phép chúng ta đạt mục tiêu phát triển năm 2014, phấn đấu tăng GDP đạt trên 5,8%; đảm bảo cung - cầu thị trường. Năm 2015, tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện đời sống nhân dân… Đẩy mạnh cải cách hàng chính, đẩy lùi tham nhũng, đảm bảo an ninh chính trị.
Về quản lý nợ công và điều chỉnh ngân sách nhà nước, Thủ tướng cho biết: nợ công là vấn đề quan trọng. Quốc hội đã có Nghị quyết 10, quy định trần nợ công đến năm 2015 không quá 65% GDP; đến 2020 cũng không quá 65% GDP, không quá 20% tổng thu ngân sách. Theo Thủ tướng mức nợ công vẫn trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ đặc biệt nâng cao quản lý nợ công, nhất là với các khoản vay mới. Phấn đấu đến năm 2020 nợ công không quá 62% GDP. Tỷ lệ trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 20%. Bảo đảm an toàn tài chính quốc gia. Nợ công chỉ dành cho đầu tư phát triển, các công trình thiết yếu quốc gia. Tăng cường giám sát vốn vay, chủ động ngăn ngừa các hành vi tiêu cực. Các khoản vay mới phải có kỳ hạn từ 5 năm trở lên. Thu đủ nợ các khoản Chính phủ cho vay lại… Nợ nước ngoài đến cuối năm 2014 là 39,9% GDP. Chính phủ sẽ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước quản lý các khoản ngân hàng vay ngắn hạn ở nước ngoài.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ cơ cấu lại thu chi ngân sách. Phấn đấu đến 2020, chi trả nợ 20% trong thu NSNN. Rà soát hoàn thiện thể chế, Luật quản lý nợ công, góp phần phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Về xử lý nợ xấu, Thủ tướng cho biết: Chính phủ đang chỉ đạo, phấn đấu đến năm 2015 sẽ đưa nợ xấu về mức an toàn, cơ cấu lại nợ phù hợp với thông lệ quốc tế. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng tính đến tháng 9 năm nay là 5%. Hiện đã cơ cấu lại 9 ngân hàng thương mại yếu kém. Thời gian tới, Chính phủ sẽ chỉ đạo tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý trong việc xử lý nợ xấu, trong đó có việc nâng cao năng lực của công ty quản lý tài sản.
Tăng cường thanh tra nợ xấu, chất lượng tín dụng về phân loại nợ. Thực hiện các biện pháp kinh tế và dân sự trong xử lý nợ xấu. Hạn chế nợ xấu gia tăng. Cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém. Phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, bất động sản. Phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn 3%, đảm bảo an toàn cho các tổ chức tín dụng.
Thủ tướng cũng cho biết sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh vì môi trường kinh doanh của nước ta so với các nước trong khu vực còn thấp. Chính phủ sẽ hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, doanh nghiệ. Phân bổ nguồn lực và quản lý giá theo cơ chế thị trường. Tiếp tục giảm mạnh thời gian và chi phí trong thủ tục hành chính, đất đai, bảo hộ sở hữu trí tuệ… Phấn đấu năm 2015, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của nước ta vượt mức trung bình của các nước ASEAN 6. Thời gian lập doanh nghiệp chỉ còn 6 ngày.
Về nâng cao năng suất lao động, Thủ tướng cho biết phụ thuộc vào cơ cấu ngành, trình độ nguồn nhân lực. Theo ILO, năng suất lao động của VN giai đoạn 2007 – 2013 so với các nước ASEAN đã thu hẹp 1,98 lần. Tuy nhiên năng suất lao động vẫn còn thấp trong ASEAN, thấp hơn tăng trưởng GDP. Tỷ lệ lao động qua đào tạo của nước ta là hơn 18%, trong khi Singapore trên 60%. Kỹ năng của lao động của Việt Nam không kém nhưng còn hạn chế về kỷ luật lao động. Việc nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ của nước ta còn hạn chế. Trong thời gian tới sẽ tập trung phát triển công nghệ, đầu tư mạnh kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đào tạo quản trị theo chương trình quốc tế…
* Sau phần giải lao, Thủ tướng trực tiếp trả lời chất vấn các câu hỏi của ĐB Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (tỉnh Kiên Giang). |
- ĐB Nguyễn Thị Kim Bé hỏi về Quyết định 429 năm 2009 về quy hoạch phát triển kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long. Giải pháp của Thủ tướng với phát triển kinh tế ĐBSCL?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết trong một vùng có điều kiện kinh tế tương đồng nhau, yêu cầu liên kết để phát triển là tất yếu, để đầu tư, hợp tác phát triển hiệu quả hơn…Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT xây dựng quy chế thí điểm hợp tác giữa các vùng, trong đó có ĐBSCL. 12 tỉnh trong vùng ĐBSCL phải liên kết để đầu tư có hiệu quả các dự án kết cấu hạ tầng KTXH, giao thông, thủy lợi, viễn thông… Tuy nhiên đây là vấn đề khó, ví như cần hợp tác xây dựng 1-2 nhà máy rác nhưng tỉnh nào cũng muốn làm. ĐBSCL cần có liên kết để phát huy 3 lợi thế về lúa gạo lớn nhất của cả nước, cá tra – cá ba sa, tôm và trái cây. Liên kết về giống, gieo trồng, thu hoạch, tiêu thụ để nâng cao hiệu quả. Tiếp đó là liên kết để sử dụng bền vững nguồn nước, ứng phó có hiệu quả về lũ ở ĐBSCL. Liên kết để khắc phục các khó khăn, thách thức về mặt bằng giáo dục thấp hơn cả nước. Hợp tác để khắc phục ứng dụng khoa học công nghệ còn thấp, hạ tầng kỹ thuật còn kém…Nội dung hợp tác đã rõ nhưng luật pháp, cơ chế chính sách triển khai còn khó khăn.
- ĐB Danh Út hỏi về việc quản lý đất đai các nông lâm trường đang lãng phí, xin chủ trương của Thủ tướng?
Về vấn đề này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ cần thảo luận và xây dựng chính sách đặc thù để đồng bào dân tộc giảm nghèo nhanh hơn. Chính phủ đã họp về dự thảo này với Bộ NN&PTNT và cần ban hành sớm để 300 hộ đồng bào dân tộc phải có đất sản xuất.
Đại biểu Đỗ Văn Đương. |
- ĐB Đỗ Văn Đương hỏi chúng ta đã có đầu tư gì để phát triển kinh tế biển và có nên thành lập Bộ Kinh tế biển?
Thủ tướng cho biết Đảng đã có Nghị quyết chuyên về chiến lược biển. Chính phủ đã có chương trình thực hiện nhưng cần nỗ lực hơn, trong đó có đầu tư phát triển kinh tế biển và đảm bảo chủ quyền quốc gia. Thủ tướng ghi nhận việc đề xuất thành lập Bộ Kinh tế biển. Tuy nhiên để khai thác thủy sản, dầu khí, du lịch, đảm bảo chủ quyền quốc gia… một bộ khó thực hiện được. Hiện từng lĩnh vực Chính phủ đã giao cho từng bộ chuyên về quản lý nhà nước như Bộ GTVT quản lý về giao thông, khai thác dầu khí là Bộ Công thương…
- ĐB Trần Ngọc Phương hỏi về nhiệm vụ trọng tâm để đến năm 2020 nước ta trở thành nước công nghiệp hóa?
Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cho biết: chúng ta phải thực hiện nhiều giải pháp, đặc biệt là 3 đột phá chiến lược. Đột phá về thể chế để phát triển nhanh mọi nguồn lực. Đột phá về con người. Vì sao năng lực cạnh tranh, năng suất lao động thấp… là do con người. Con người phải được đào tạo chất lượng cao. Thứ ba là đột phá xây dựng kết cấu hạ tầng, thúc đẩy tái cơ cấu mô hình tăng trưởng.
* Theo Báo Điện tử Chính phủ, trả lời đại biểu Quốc hội Thích Thanh Quyết về chủ trương của Đảng và Nhà nước ta sau khi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi vùng biển của nước ta, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Đối với Trung Quốc hay đối với tất cả các nước trên thế giới, chúng ta thực hiện đường lối đối ngoại kiên trì, nhất quán của Đảng và Nhà nước.
Trong Hiến pháp mới Quốc hội vừa thông qua năm 2013, toàn bộ đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước đã được nêu trong Điều 12. Đó là đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác phát triển, đa phương hóa, chủ động, tích cực, hội nhập, hợp tác quốc tế. Trên cơ sở tôn trọng độc lập chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, bình đẳng cùng có lợi, tuân thủ hiến chương Liên Hợp quốc, thực hiện các cam kết, các công ước quốc tế mà chúng ta là thành viên và gìn giữ lợi ích quốc gia, dân tộc, hợp tác bình đẳng cùng có lợi để đóng góp tích cực cho hòa bình, hữu nghị, tiến bộ trên thế giới.
Đối với Trung Quốc chúng ta là láng giềng, dù nắng mưa hay bão lũ chúng ta vẫn là láng giềng, mãi mãi là láng giềng. Do vậy cần gìn giữ hòa bình, hợp tác cùng phát triển để thực hiện một cách thực chất, hiệu quả phương châm 16 chữ và tinh thần 4 tốt, để đem lại lợi ích cho cả 2 nước.
Chúng ta mong muốn 2 bên đều chân thành hợp tác, gìn giữ hòa bình, hữu nghị, hợp tác trên cơ sở 2 bên cùng có lợi, 2 bên cùng thịnh vượng và giải quyết thỏa đáng những bất đồng.
Nếu nói ngắn nhất, đầy đủ nhất về quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc, tôi xin khái quát 6 chữ, đó là: VỪA HỢP TÁC, VỪA ĐẤU TRANH.
Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh không chỉ với Trung Quốc mà với tất cả với các nước. Chúng ta vừa hợp tác vừa đấu tranh để có hòa bình ổn định, có hữu nghị, tin cậy lẫn nhau, cùng có lợi cùng phát triển, cùng thịnh vượng. Chúng ta vừa hợp tác, vừa đấu tranh để bảo vệ độc lập chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ lợi ích chính đáng của chúng ta trên cơ sở đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng và Nhà nước đã ghi trong Hiến pháp.
Về ý kiến chất vấn của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề cập đến việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động xây dựng trên các đảo ở Trường Sa, Thủ tướng nói: Đồng chí đồng bào cả nước đều biết đảo Gạc Ma và một số đảo trong quần đảo Trường Sa chủ quyền của Việt Nam bị Trung Quốc cưỡng chiếm năm 1988.
Trong tình thế lúc đó, chúng ta đã cùng với các nước ASEAN ký với Trung Quốc tuyên bố chung về thái độ ứng xử của các bên liên quan trên Biển Đông gọi tắt là DOC. Theo đó các bên giữ nguyên hiện trạng, không làm phức tạp thêm, mọi tranh chấp giải quyết hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, không dùng vũ lực, không đe dọa dùng vũ lực để giải quyết.
Còn việc Trung Quốc bồi lấp biển, theo thông tin báo chí đảo Chữ Thập đang được bồi đắp thành một đảo lớn nhất ở Quần đảo Trường Sa, khoảng 49 ha, lớn hơn đảo Ba Bình (đảo lớn nhất hiện nay).
Chúng ta phản đối, vì điều này đã vi phạm điều 5 của tuyên bố DOC, tức là vi phạm tuyên bố về thái độ ứng xử của các bên liên quan ở Biển Đông mà Trung Quốc là một bên ký kết với các nước ASEAN. Lập trường này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao của chúng ta đã nhiều lần nêu rõ.
Thủ tướng nói: Tại hội nghị cấp cao ASEAN vừa rồi, thay mặt Chính phủ Việt Nam tôi đã phát biểu lập trường này ở các Hội nghị. Tôi nhấn mạnh là các hội nghị gồm hội nghị cấp cao 10 nước ASEAN, hội nghị cấp cao 10 nước ASEAN với 8 nước (cấp cao Đông Á) có Trung Quốc, Nhật Bản, Nga, Ấn Độ, Mỹ, Úc, Canada, Hàn Quốc… tại Hội nghị ASEAN với 3 nước là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, rồi ở Hội nghị ASEAN với từng nước, và ASEAN với Liên hiệp quốc, tôi cũng đã phát triển lập trường này của Việt Nam. Tôi đã phát biểu lập trường này của Việt Nam trước các hội nghị quốc tế. Đó là chủ trương thái độ của chúng ta trước việc này, chúng ta đã công khai bày tỏ rõ ràng lập trường của chúng ta.
- Về một số vấn đề ĐB nêu như trọng dụng nhân tài, hạn chế chảy máu chất xám ra nước ngoài; tình trạng quá tải ở các bệnh viện; về hệ thống đê biển ở ĐBSCL... do thời gian có hạn nên Thủ tướng sẽ trả lời bằng văn bản đến các ĐB Quốc hội và công khai trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ.
* Kết thúc phiên chất vấn chiều nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá phiên chất vấn trong 3 ngày qua đã thu được kết quả tốt, được đồng bào cả nước phản hồi tích cực, các câu hỏi có gợi ý nhất định đến công việc của Chính phủ. Phần trả lời đã nêu được quyết tâm của Chính phủ với các mặt phát triển KT-XH, quốc phòng an ninh, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ năm 2015.
Qua các kỳ chất vấn, nhiều vấn đề đã và tiếp tục triển khai. Các trưởng ngành tiếp tục thực hiện lời cam kết của mình, báo cáo vào sang năm. Tại kỳ họp này với Bộ trưởng Bộ Công thương là công nghiệp hỗ trợ, thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Với Bộ trưởng Bộ Nội vụ là xây dựng đội ngũ cán bộ công chức phục vụ nhân dân hiệu quả. Chế độ công vụ phục vụ cho các ngành SXKD. Tiếp tục nghiên cứu đề án tiền lương phù hợp với phát triển kinh tế đất nước. Gắn tiền lương với giải quyết biên chế...
Với Bộ trưởng Bộ GTVT, Quốc hội yêu cầu tiếp tục đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông: đường bộ, biển, hàng không. Mạng lưới giao thông kết nối quốc tế, phục vụ phát triển kinh tế. Tiếp tục có giải pháp hạn chế số vụ tai nạn giao thông (giảm 5-10% của năm sau so với năm trước).
Bộ LĐTBXH tham mưu cho Chính phủ về tầm nhìn chiến lược, tạo chuyển biến về đào tạo nguồn nhân lực.
Quốc hội cũng yêu cầu các cơ quan của Quốc hội tiếp tục giám sát, cùng với đồng bào cả nước về các Nghị quyết của Quốc hội. Năm tới sẽ trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 9 và thứ 10.