Australia - Trung Quốc ký Hiệp định FTA: Hợp tác cùng có lợi

Thế giới - Ngày đăng : 06:34, 19/11/2014

(HNM) - Trải qua gần 10 năm ròng rã với 21 vòng đàm phán không ít khó khăn thách thức, Australia và Trung Quốc cuối cùng đã đạt được đồng thuận về Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương.

Sự kiện nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ký kết thỏa thuận kinh tế với một trong những đồng minh thân cận của Mỹ ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương - trong khuôn khổ chuyến thăm Australia và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 của Chủ tịch Tập Cận Bình - đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, thỏa thuận này sẽ không chỉ mở cửa thị trường Trung Quốc đối với các nhà xuất khẩu nông sản cũng như khối dịch vụ của Australia mà còn góp phần giảm bớt những rào cản đối với giới đầu tư Trung Quốc tại một đất nước giàu tài nguyên như xứ sở Chuột túi.

Chủ tịch Tập Cận Bình (trái) bắt tay với Thủ tướng Tony Abbott sau lễ ký FTA ở thủ đô Canberra.



Theo tính toán của giới truyền thông Australia, thỏa thuận FTA Australia - Trung Quốc sẽ mang lại 18 tỷ AUD (15,8 tỷ USD) cho nền kinh tế nước này trong vài năm tới. Văn bản vừa được ký kết bao gồm hơn 10 lĩnh vực, trong đó có thương mại hàng hóa và dịch vụ, đầu tư và những quy định thương mại, mua bán trực tuyến và mua sắm chính phủ. Theo đó, Australia sẽ dỡ bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, bù lại khoảng 85% hàng xuất khẩu của Australia vào Trung Quốc cũng được miễn thuế và tỷ lệ này dự kiến tăng lên 95% khi thỏa thuận hoàn toàn có hiệu lực trong vòng hơn 10 năm tới. Đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư, hai bên nhất trí dành cho nhau những ưu tiên lớn nhất và sẽ giảm đáng kể những rào cản đầu tư hợp tác, đồng thời thúc đẩy cơ hội tiếp cận thị trường cũng như minh bạch trong quá trình đầu tư.

Thập niên vừa qua thế giới đã chứng kiến một Trung Quốc hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới với việc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) năm 2001. Ngoài việc dỡ bỏ các rào cản thương mại khi là thành viên của WTO, đến nay Trung Quốc còn kết thúc đàm phán và ký kết 14 FTA với các quốc gia láng giềng cũng như những đối tác thương mại chủ chốt trên thế giới. Xu hướng gần đây cho thấy, Trung Quốc coi FTA là nhân tố sống còn trong đạt được những lợi ích về kinh tế, chính trị và chiến lược trong bối cảnh toàn cầu hóa. Nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, việc Mỹ đang đẩy nhanh hoàn tất tiến trình đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với các nền kinh tế hàng đầu trong khu vực đã đặt ra cho Trung Quốc những áp lực đáng kể.

Mặc dù chưa phải là một bên trong đàm phán TPP nhưng với cơ cấu nền công nghiệp trong nước thì Trung Quốc sẽ khó khăn để chấp nhận những "mặc cả" trong đàm phán. Những vấn đề như doanh nghiệp nhà nước, lao động và những tiêu chuẩn về môi trường sẽ khiến chi phí sản xuất của nền công nghiệp trong nước Trung Quốc cao hơn so với các nước tham gia đàm phán TPP. Vì thế, Bắc Kinh đã thận trọng trong việc gia nhập TPP. Đây cũng là lý do vì sao Trung Quốc muốn ký kết FTA với nhiều đối tác thương mại nhằm hạ thấp thuế nhập khẩu và giành được quyền tiếp cận thị trường để nâng cao khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu.

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, với kim ngạch thương mại hai chiều trong năm 2013 vượt quá 150 tỷ AUD (131,7 tỷ USD), tăng gấp 4 lần so với cách đây một chục năm. Là một quốc gia giàu có về tài nguyên thiên nhiên, với nhiều sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao và ngành dịch vụ tiên tiến, việc ký kết FTA với Australia sẽ mở ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của Trung Quốc. Trong khi đó, với thị trường rộng lớn hơn 1,3 tỷ dân, cơn khát năng lượng của các doanh nghiệp Trung Quốc, đặc biệt là nhu cầu đối với quặng sắt và những loại tài nguyên khác sẽ giúp Australia tránh được những tác động tiêu cực của khủng hoảng tài chính toàn cầu khi nhu cầu tại các thị trường truyền thống của Australia giảm.

Đây là FTA thứ ba Australia hoàn tất trong năm nay sau khi Canberra ký FTA với Hàn Quốc và Nhật Bản. Trong bối cảnh đó, việc ký thỏa thuận FTA sẽ giúp Trung Quốc và Australia tận dụng những lợi thế kinh tế của nhau, đem lại lợi ích kinh tế cũng như thúc đẩy hợp tác có lợi cho cả hai bên, đồng thời tăng cường phát triển mối quan hệ kinh tế và thương mại sâu rộng hơn giữa Bắc Kinh và Canberra.

Đình Hiệp