Gian nan “gieo chữ” trên cao nguyên đá

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:27, 19/11/2014

(HNM) - Ngày nắng còn khá, hễ mưa xuống giáo viên phải vượt núi đi bộ gần một giờ đồng hồ để đến lớp. Con đường trở nên trơn trượt, chuyện

Không những thế, hễ trời mưa to các cháu học sinh mầm non phải học nhờ nhà dân và nhà trụ sở thôn, thậm chí phải nghỉ học do trường lớp bị dột. Có được một điểm trường mầm non kiên cố vẫn là ước mơ xa vời của cô trò nơi đây...

Các bé mầm non hằng ngày vẫn phải học nhờ lớp của điểm trường tiểu học và trụ sở thôn.


Vượt núi đi "gieo chữ"

Chúng tôi đến xã Sủng Trà khi mùa đông đã kéo hơi lạnh về khắp núi rừng vùng cao nguyên đá. Cái rét ngọt mang theo làn sương mù len lỏi trên những con đường khiến cho cảnh vật miền sơn cước trở nên huyền ảo. Theo chân cô giáo Mương Thị Lá, chúng tôi đến điểm trường mầm non Sàng Sò, cách trường chính gần 15 cây số. Mang tiếng là điểm trường nhưng thực ra từ nhiều năm nay, các cháu học sinh mầm non nơi đây hằng ngày vẫn phải học nhờ lớp của điểm trường tiểu học và trụ sở thôn.

Từ điểm trường chính, chạy xe máy khoảng gần chục cây số, cô Lá dừng lại, chỉ vào con đường nhỏ men theo triền đá và bảo: "Muốn đến điểm trường thì đây là con đường duy nhất. Hôm nay trời mưa nên phải gửi xe để đi bộ chứ không đi xe được. Chúng tôi đi nhiều nên quen cái chân rồi!". Lâu nay, cô Lá được mệnh danh là người lái xe "siêu" nhất trong số các cô giáo cắm bản, nhưng khi trời mưa thì chuyện bị ngã xe cũng không thể tránh khỏi. Vì vậy, để bảo đảm an toàn thì đi bộ vẫn là "thượng sách"!

Sau gần một giờ vượt qua con đường nhỏ như sợi dây thừng vắt ngang sườn núi, nằm chênh vênh bên bờ vực, điểm trường mầm non thôn Sàng Sò hiện ra giữa bạt ngàn đá tai mèo. Có lẽ đây là một trong những điểm xa xôi nhất và thiếu thốn nhất của Trường Mầm non xã Sủng Trà. Chứng kiến cảnh đá nhiều hơn đất và sự nghiệp "gieo chữ, trồng người" còn lắm nỗi gian nan khiến chúng tôi chợt nghĩ: Có lẽ chính trái tim yêu nghề, mến trẻ mới có thể tạo nên sức mạnh nâng bước chân của những người giáo viên nơi đại ngàn heo hút này.

Qua chia sẻ của giáo viên ở đây, để đến được điểm trường, bảo đảm thời gian lên lớp, các thầy cô giáo phải dậy từ rất sớm để làm công tác chuẩn bị. Không chỉ là dụng cụ, đồ dùng giảng dạy mà còn phải đi chợ mua thức ăn cho buổi trưa. Gần như toàn bộ các thầy cô giáo ở điểm trường đều phải ở lại để kịp giờ buổi chiều. Lắm hôm bữa trưa của giáo viên chỉ vỏn vẹn gói mì tôm và chẳng ai để ý đến việc tìm cho mình một giấc ngủ yên tĩnh bởi phòng lưu trú giáo viên duy nhất của điểm trường tiểu học đã cho lớp mầm non học nhờ.

Ở nơi thâm sơn cùng cốc này, việc huy động học sinh đến trường luôn là một công việc khó khăn của các cô giáo. Trước đây, do nhận thức của người dân còn hạn chế nên đây thực sự là một "gánh nặng" đối với giáo viên cắm bản. Các cô giáo thường phải xuống tận nhà gặp phụ huynh để tuyên truyền, vận động, thậm chí có khi còn phải cõng theo học sinh về trường. Nhất là với các cô giáo mới, bao giờ đó cũng là thử thách đáng ngại nhất. Nếu là người vùng khác đến, không hiểu tiếng nói của đồng bào thì khó khăn càng chồng chất. Để theo đuổi nghiệp "gieo chữ" nơi vùng cao gian khó, các cô giáo chỉ còn cách duy nhất là yêu nghề và học từ từ. "Có gắn bó với người dân và học sinh nơi đây mới thấy được rằng không phải vì vất vả mà các gia đình không mặn mà với cái chữ, không những thế các cháu còn mong được đi học. Nhờ kiên trì, nỗ lực nên ngày không mưa, tỷ lệ huy động học sinh có buổi đạt 100%. Đó chính là động lực để mỗi giáo viên chúng tôi bám lớp, bám trường" - cô Lá tâm sự.

Ước mơ một điểm trường kiên cố

Điểm trường Sàng Sò cũng giống như nhiều trường khác chịu ảnh hưởng của thời tiết khắc nhiệt của vùng cao nguyên đá, nhất là về mùa mưa bão và mùa đông lạnh. Có những ngày thời tiết xấu, giá rét, sương mù làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác dạy và học. Do trở ngại về đường giao thông, một số học sinh ở xa điểm trường cũng gặp lắm nỗi gian nan. Đời sống của các gia đình còn nhiều khó khăn nên buổi sáng, bố mẹ thường gói cơm nắm hoặc mèn mén cho các cháu mang theo ăn buổi trưa. Do bố mẹ bận làm nương nên nhiều học sinh còn nhỏ phải theo anh, chị tới trường từ sáng sớm. Nếu đã từng chứng kiến những đôi chân nhỏ vượt núi, trèo đá ngày sương giá chắc chắn ai cũng xót xa.

Hiện nay, điểm Sàng Sò có 35 cháu học sinh mầm non (chủ yếu là dân tộc Mông) chen chúc trong hai lớp học "mượn" của điểm trường tiểu học và trụ sở thôn. Khoảng vài năm trở lại đây, cả hai chỗ học này đã bị xuống cấp, nền nhà bị hỏng, mái nhà bị dột nhiều chỗ nên vào những ngày trời mưa, công tác dạy và học của cô và trò chẳng khác nào đi… "đánh vật". Chính vì thế mà không ít lần, thời gian để các cô di chuyển đồ dùng dạy học từ chỗ này sang chỗ khác nhiều hơn thời gian dạy học.

Trong lớp học của các cháu mầm non, chẳng có gì nhiều ngoài 5 chiếc bàn gỗ và một ít ghế nhựa không còn lành lặn. Đồ chơi cũng chỉ là một số đồ dùng tự tạo của các cô giáo. Do nhiều năm mưa dột nên hệ thống cửa đã bị hư hỏng. Lớp học đã nhỏ lại không có điện nên luôn thiếu ánh sáng. Chứng kiến cảnh các cháu học sinh lem luốc, co ro ngồi học trong thứ ánh sáng nhờ nhờ, lớp bị mưa dột, nền nhà ướt át khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng. Thế nhưng theo các cô giáo nơi đây, có lẽ điều "khốn khổ" nhất chính là tình trạng thiếu nước vào mùa khô khiến cho chuyện vệ sinh của cả cô lẫn trò gặp nhiều khó khăn. Mặc dù trước đây điểm trường được xây dựng một bể nước khoảng 5m3 nhưng đã bị hỏng từ gần chục năm nay mà chưa có kinh phí sửa chữa. Cô giáo Phạm Thị Năm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Nếu nói về thiếu thốn thì Trường Mầm non xã Sủng Trà thuộc diện… thiếu đủ thứ. Hiện trường có 1 trường chính và 8 điểm trường với 205 học sinh, trong đó điểm trường Sàng Sò và một điểm khác là khó khăn hơn cả do chưa có điểm trường. Gần đây, nhận thức của người dân ngày một nâng cao và quan tâm nhiều hơn đến việc học tập của con em mình nên đã góp phần giảm khó khăn cho các giáo viên trong việc huy động học sinh đến trường. Tuy nhiên, cơ sở vật chất thiếu thốn luôn là trăn trở của cấp ủy, chính quyền và nhà trường trong việc nâng cao chất lượng dạy và học".

Trao đổi về vấn đề này, ông Lâm Quang Hưng, Trưởng phòng GD-ĐT huyện Mèo Vạc cho biết: Mèo Vạc là huyện còn nhiều khó khăn, hằng năm ngành giáo dục luôn dành kinh phí ưu tiên cho việc sửa chữa, đầu tư xây mới trường lớp. Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn hẹp nên "cái khó bó cái khôn". Rất mong nhận được sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân để góp phần giúp địa phương giảm bớt khó khăn trong mỗi mùa “gieo chữ".

Chia tay Sàng Sò khi sương mù đã phủ dày trên khắp bản làng, cô giáo Mương Thị Lá giục chúng tôi lên đường để kịp ra tới đường lớn vì ở đây trời tối rất nhanh. Con đường thêm ướt làm chúng tôi vài lần trượt chân suýt ngã khiến chúng tôi càng thấm thía cái sự gian nan và càng cảm phục lòng yêu nghề, ý chí vượt khó của những con người hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp "trồng người" trên cao nguyên đá.

Kim Tiến