Hợp thức vi phạm (tiếp theo và hết)

Kinh tế - Ngày đăng : 06:01, 19/11/2014

(HNM) - Sau hàng loạt cuộc kiểm tra của Thanh tra Sở Xây dựng, nhiều chủ lò bị yêu cầu ngừng sản xuất, nhưng theo quan sát của phóng viên thì không chủ lò nào chấp hành, còn chính quyền sở tại cũng

Do việc sản xuất gạch nung chỉ được tồn tại trong giai đoạn chuyển giao từ vật liệu nung sang vật liệu không nung (2013-2016) nên UBND thành phố chỉ chấp thuận cho một số khu vực nhất định ở các huyện được sản xuất gạch nung. Tuy nhiên, lò gạch ở các huyện vẫn "bung nở" với số lượng lớn, vượt xa con số mà thành phố cho phép. Điển hình như tại xã Liên Trung (Đan Phượng), mặc dù chỉ được UBND thành phố cho phép xây dựng 4 cặp lò từ tháng 6-2013, nhưng các chủ lò ở bãi nổi sông Hồng đã tự ý xây dựng thêm 5 cặp. Việc này đã bị UBND xã Liên Trung lập biên bản, yêu cầu ngừng xây dựng, tự giác tháo dỡ… nhưng công trình vẫn hoàn thiện. Để gỡ khó khi "việc đã rồi", ngày 28-4-2014, UBND huyện Đan Phượng có văn bản gửi Sở Xây dựng xin phê duyệt bổ sung 5 lò gạch áp dụng công nghệ xử lý khói thải trên địa bàn huyện. Theo đó, ngày 2-7-2014, UBND thành phố có văn bản chấp thuận, cho bổ sung lò gạch áp dụng công nghệ Đức Trung tại huyện Đan Phượng.

Nhiều lò gạch chuyển đổi ở xã Liên Trung (Đan Phượng) vẫn chưa được



Ở một khía cạnh khác, để các lò chưa đủ điều kiện được tồn tại, mới đây UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản đề nghị Sở Xây dựng báo cáo UBND thành phố chấp thuận, giao UBND huyện Sóc Sơn căn cứ quy hoạch và nhu cầu gạch xây dựng trên địa bàn đề xuất số lượng các loại lò đủ điều kiện được phép tồn tại trên địa bàn đến ngày 31-12-2016. Trường hợp các lò gạch đã lắp đặt hệ thống xử lý khói thải không theo công nghệ Đức Trung, đáp ứng yêu cầu về xử lý khói thải theo quy định thì cho phép áp dụng, tránh thiệt hại, lãng phí... Có thể thấy, trong văn bản này, huyện Sóc Sơn không đề cập đến trách nhiệm của tập thể, cá nhân đã "làm ngơ" cho chủ lò xây dựng vượt số lượng cho phép và tự do lựa chọn, áp dụng công nghệ xử lý khói thải khi chưa được thành phố chấp thuận. Nếu tất cả "sự đã rồi" này đều được các huyện đề xuất cho tồn tại với lý do "tránh thiệt hại" thì còn đâu kỷ cương, trật tự?

Trên quyết liệt, dưới có thi hành?

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, 9 tháng đầu năm, Thanh tra Sở này đã thành lập đoàn liên ngành, kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng ở 6 huyện: Sóc Sơn, Ba Vì, Đan Phượng, Mê Linh, Ứng Hòa, Quốc Oai. Đoàn đã lập 23 biên bản vi phạm hành chính, yêu cầu ngừng sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng đối với các chủ lò tổ chức thi công xây dựng công trình khi không có GPXD và ra quyết định xử phạt với tổng số tiền 460 triệu đồng. Sau khi bị xử phạt, nhiều chủ lò hoang mang không biết "số phận" các lò gạch của họ sẽ ra sao. Việc chính quyền sở tại buông lỏng quản lý, không xử lý kịp thời, dứt điểm các vi phạm đã dẫn đến nguy cơ phá sản của nhiều chủ lò khi bị buộc phải tháo dỡ. Một chủ lò ở Bắc Sơn (Sóc Sơn) cho biết: Khi xây dựng lò, chúng tôi bắt buộc phải thành lập công ty để có tư cách pháp nhân. Tiếng là giám đốc nhưng rất nhiều người như tôi ở xã này không hiểu biết nhiều về các thủ tục pháp lý vì chỉ là nông dân, học chưa hết lớp 9... Do đó, thủ tục xây dựng, triển khai dự án thế nào chúng tôi đều nhờ cán bộ xã làm. Nay hồ sơ chưa đủ, bị phạt, chúng tôi đành phải chịu. Nhưng lo nhất nếu lò bị phá dỡ thì không biết cuộc sống của gia đình tôi ra sao bởi kinh phí xây dựng bến bãi và một cặp lò chuyển đổi công nghệ lên đến gần 2 tỷ đồng. Đến nay lò mới hoạt động được khoảng 2 năm, chưa thể thu hồi được vốn...

Đành rằng người dân có lỗi khi bỏ tiền ra đầu tư mà không tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật và của thành phố, do đó phải chịu rủi ro, song với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền sở tại, phòng ban chức năng của các huyện cũng không thể vô can khi để mặc cho chủ lò tự ý xây dựng khi chưa được phép của UBND thành phố. Theo đánh giá mới nhất của Sở Xây dựng Hà Nội, nhiều chủ lò xây dựng lò gạch chuyển đổi không đúng hướng dẫn của thành phố; việc triển khai xây dựng lò gạch tại một số huyện chưa được kiểm soát chặt chẽ về công tác cấp phép xây dựng và chỉ tiêu số lò được thành phố cho phép triển khai. Thế nhưng, vì sao những vi phạm này bây giờ mới được phơi bày? Nếu không bị thanh tra, kiểm tra thì liệu có xã, huyện nào chịu báo cáo các vi phạm này hay vẫn bị ỉm đi? Ngoài một số huyện như Ứng Hòa, Mỹ Đức, Phúc Thọ đã cấp phép xây dựng cho một số chủ lò thì số lò gạch còn lại trên địa bàn toàn thành phố đều chưa được các huyện hướng dẫn xem xét để cấp giấy phép theo quy định.

Được biết, quan điểm chỉ đạo của Sở Xây dựng là xử lý nghiêm, dứt điểm các chủ lò gạch xây dựng không phép trên địa bàn theo đúng quy định của pháp luật. Nhưng "trên" quyết liệt, liệu "dưới" có thể thi hành được hay không khi chủ lò đổ lỗi cho cơ quan chức năng, còn cơ quan chức năng đổ lỗi cho người vi phạm? Hy vọng, khi những vấn đề này được làm rõ thì việc xử lý vi phạm mới có thể khiến người dân ''tâm phục, khẩu phục''…

Nhóm PV Ban Bạn đọc