Cải cách bộ máy, tinh giản biên chế: Khó trong “một sớm, một chiều”
Xã hội - Ngày đăng : 05:55, 19/11/2014
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình ngày 18-11 về các bất cập nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, công cụ quản lý nhà nước về quản lý bộ máy công chức dường như không có tác dụng với nhiều bộ, ngành, địa phương.
Cải cách hành chính gắn với tinh giản biên chế góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. |
Bao nhiêu công chức "cắp ô" vẫn là ẩn số
"Bây giờ các cơ quan nhiều cấp phó quá. Trưởng phòng, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên, thứ trưởng cũng quá nhiều" - ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Đoàn Lâm Đồng) nêu thực tế. Theo ông, vì nhiều phó nên không ít cấp trưởng giao hết việc cho cấp phó. Hay câu chuyện tuyển công chức thì dễ, nhưng sa thải vì không làm được việc lại rất khó. Tất cả một phần do thiếu tiêu chí rõ ràng. "Cải cách bộ máy, tinh giản biên chế, muốn giải quyết tận gốc trước tiên phải có cơ chế triển khai, giám sát" - ĐB Nguyễn Bá Thuyền nói. ĐB Bùi Thị An (Đoàn Hà Nội) cũng nêu vấn đề gai góc không kém. Bà chất vấn: Tổ chức trong các bộ, ngành cũng phức tạp, với rất nhiều tổ chức "con" như viện, đơn vị sự nghiệp có thu, các đơn vị kinh doanh. Tại sao không quy định số lượng cứng để giải quyết tận gốc vấn đề gây bức xúc hiện nay là lạm phát cán bộ, cấp phó kéo dài ở nhiều cấp, địa phương, làm cho bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả và trái quy định.
Các ý kiến phát biểu sau đó cũng cho rằng, không có gì thuyết phục cử tri, ĐBQH hơn những kết quả cụ thể Bộ Nội vụ đã làm nhằm tinh giản biên chế. Song, ngay từ lần chất vấn trước vào kỳ họp thứ sáu (tháng 11-2013), câu hỏi có bao nhiêu công chức "sáng cắp ô đi, tối cắp về" đã được đại biểu "truy" người đứng đầu ngành nội vụ, cho đến nay câu trả lời vẫn là ẩn số. Tại kỳ họp này, số liệu của năm nay cũng chưa có. Với việc "lạm phát" cấp phó, văn bản Bộ Nội vụ mới hoàn thành đề ra có 5 giải pháp (mỗi giải pháp dài không quá 3 dòng); tuyệt nhiên không có bất cứ một con số hay đánh giá cụ thể nào về tình hình bổ nhiệm, quản lý số lượng cấp phó ở các cơ quan TƯ; việc đánh giá toàn diện, minh bạch chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng chưa được thực hiện.
Trong khi đó, ĐB Đỗ Văn Đương (Đoàn TP Hồ Chí Minh) phản ánh: "Dư luận xì xào, người có năng lực thì không vào làm Nhà nước, hoặc có vào rồi cũng đi, trong khi bộ phận không có năng lực thì ngày càng nhiều". ĐB Bùi Mạnh Hùng (Đoàn Bình Phước) nêu thực trạng, gần đây trong bổ nhiệm có chức danh "hàm" như hàm vụ trưởng, hàm giám đốc.
"Nở rộ" cấp phó
Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa nhận "hàm" là một khái niệm không được quy định trong văn bản của Đảng, Nhà nước, nhưng lãnh đạo các cơ quan đã tự ý vận dụng, cho hưởng khá nhiều. Theo báo cáo chưa đầy đủ của 18 bộ, cơ quan ngang bộ và 7 cơ quan của Chính phủ thì hiện có 329 công chức, viên chức đang hưởng chế độ "hàm", chức danh lãnh đạo quản lý từ cấp phòng trở lên. Ngày 11-6 vừa qua, Bộ Nội vụ đã có công văn gửi các bộ, ngành đề nghị cung cấp danh sách để rà soát, nghiên cứu.
Về số lượng cấp phó trong cơ quan hành chính, sự nghiệp công lập đã được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể là một bộ, cơ quan ngang bộ có 4 thứ trưởng, muốn tăng phải có đề án báo cáo các cơ quan thẩm quyền là Ban cán sự Đảng Chính phủ, Ban Tổ chức TƯ… Bộ Nội vụ có trách nhiệm trao đổi thêm với các bộ, song Bộ Nội vụ đề nghị ít nhưng các bộ đề nghị lại nhiều. "Cấp bộ quy định 4 mà bình quân bây giờ là 5,4; cấp tổng cục quy định 3 nhưng bình quân 3,69; chỉ có Bộ Nội vụ gương mẫu hiện có 4 thứ trưởng, nhưng việc này chưa lan tỏa" - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình phân trần. Người đứng đầu Bộ Nội vụ nhận định, để xảy ra tình trạng trên một phần do công việc quản lý đã nhiều, việc đi dự các cuộc họp ở TƯ cũng không thể đừng, lại "phải cấp thứ trưởng đi mới được". Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ hoàn thiện văn bản quy định cứng số thứ trưởng của mỗi bộ, tránh tối đa hiện tượng cung - cầu chưa tương xứng.
Với phản ánh việc sử dụng cán bộ còn tùy nghi, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định, do cơ chế thưởng, phạt chưa nghiêm, "Tinh thần tự phê bình và phê bình của cán bộ, công chức chưa cao, còn tồn tại dĩ hòa vi quý, nể nang, sợ động chạm. Có những nơi phải làm lại 5 lần đánh giá mới chỉ ra được người chưa hoàn thành nhiệm vụ" - Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho hay. Bộ trưởng cũng thông tin, Bộ Chính trị đã giao Bộ Nội vụ xây dựng đề án tạo nguồn cán bộ từ sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ. Bộ đã bắt tay xây dựng đề án trình phê duyệt, để từ nay đến năm 2020 có thể tuyển 1.000 sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ vào cơ quan của Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang. Đây sẽ là một bước đột phá trong cơ chế thu hút người tài. Ngoài ra, Bộ Nội vụ cũng đã tham mưu, trình Chính phủ giải pháp đổi mới cơ chế đánh giá cán bộ; theo hướng cấp trên đánh giá cấp dưới bằng bộ tiêu chí cụ thể và tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong sử dụng cán bộ…
Dù vậy, các ý kiến chất vấn nêu quan điểm, việc cải cách bộ máy, tinh giản biên chế không dễ thay đổi trong một sớm, một chiều như kỳ vọng của Bộ Nội vụ. Là người từng công tác tại ngành nội vụ, ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận) khẳng định, ngoài tình trạng xuống cấp đạo đức và nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, bây giờ lại thêm "bệnh vô cảm". Theo ĐB này, để đòi hỏi một công bộc biết đồng cảm khi thi hành công vụ rất khó. Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định đã nhìn rõ sự thiếu song hành này. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, rất khó xử lý vì "vô cảm" thuộc phạm trù đạo đức. Kê đơn trị bệnh vô cảm, Bộ Nội vụ kết luận: Cán bộ, công chức phải có ý thức trách nhiệm cao, thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ của mình trong thực thi công vụ. Về phần mình, Bộ Nội vụ sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, nếu phát hiện có thiếu sót sẽ kiến nghị xử lý; nếu cơ sở không thực hiện, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ. "Nếu cứ bí mật bên trong thì quýt làm, cam chịu. Với cách làm này, không chỉ cán bộ, công chức, người đứng đầu sẽ thấy được trách nhiệm quản lý của mình, từ đó có sự chuyển biến tích cực" - người đứng đầu Bộ Nội vụ nói.