Không được thay đổi nguyên trạng ở Biển Đông
Chính trị - Ngày đăng : 19:56, 18/11/2014
Với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển trong khu vực”, các học giả đặc biệt nhấn mạnh rằng trong bối cảnh tình hình Biển Đông căng thẳng và có nhiều biến động hiện nay, các bên liên quan cần nỗ lực kiềm chế, không thực hiện các chính sách đơn phương làm thay đổi nguyên trạng tại Biển Đông. Các hoạt động xây dựng, bồi đắp đảo nhân tạo với quy mô lớn, với triển vọng biến các bãi ngầm, đảo đá thành các căn cứ quân sự trong khu vực tranh chấp tại Biển Đông, hoặc thành lập vùng nhận dạng phòng không để củng cố yêu sách của mình, không chỉ trái với luật pháp quốc tế mà còn làm gia tăng nghi kỵ khiến tình hình thêm phức tạp, thậm chí có thể dẫn đến xung đột.
Các học giả nhấn mạnh sự cần thiết tuân thủ những thỏa thuận khu vực hiện hành, trong đó có Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và thúc đẩy hợp tác trong các diễn đàn, cơ chế hiện có, các cơ chế diễn đàn đa phương mà quan trọng nhất là các diễn đàn mà ASEAN đóng vai trò trung tâm. Các học giả cho rằng, thúc đẩy hợp tác, xây dựng khuôn khổ pháp lý của khu vực dựa trên luật pháp quốc tế là một giải pháp để dung hòa các lợi ích khác biệt của các bên vì lợi ích chung trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, tự do hàng không ở Biển Đông.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, Giám đốc Học viện Ngoại giao Đặng Đình Quý nhấn mạnh 3 nội dung mong muốn các học giả tiếp tục cùng giúp các nhà hoạch định chính sách làm rõ như: Minh bạch hóa môi trường chiến lược ở Biển Đông, điều chỉnh các hiểu biết và nhận thức chưa chính xác, giảm thiểu những tính toán sai lầm có thể dẫn đến các nguy cơ xung đột tiềm tàng; Làm rõ “bức tranh nguyên trạng” ở Biển Đông, giúp các nước có liên quan hiểu rõ các điều kiện tự nhiên, thực thể, tài nguyên và môi trường tạo ra nguyên trạng tại Biển Đông và các biện pháp, nghĩa vụ pháp lý mà các bên cần áp dụng để giữ gìn nguyên trạng đó; Làm sáng tỏ các vấn đề pháp lý và đề xuất xây dựng một trật tự pháp lý phù hợp với chuẩn mực của luật pháp quốc tế ở Biển Đông.