Lại tràn lan lò gạch không phép
Đời sống - Ngày đăng : 06:33, 18/11/2014
Tuy nhiên, trên thực tế số lượng lò gạch chuyển đổi vượt xa con số trên với rất nhiều loại công nghệ khác nhau và đều xây dựng không có giấy phép. Vậy, tại sao các lò gạch này vẫn tồn tại, trách nhiệm của chính quyền các cấp đang được đặt ở đâu?
Tại xã Bắc Sơn (Sóc Sơn), nhiều lò gạch chuyển đổi được xây dựng khi thành phố chưa cho phép. |
Nỗi bức xúc của chủ lò
Ngày 10-10-2014, Thanh tra Sở Xây dựng lập biên bản, xử phạt vi phạm 4 hộ ở xã Hòa Thạch (huyện Quốc Oai) vì xây dựng lò gạch chuyển đổi không có giấy phép xây dựng (GPXD), sai công nghệ xử lý khói thải. Thanh tra Sở Xây dựng còn đề nghị UBND huyện Quốc Oai và UBND xã Hòa Thạch ra quyết định đình chỉ, áp dụng biện pháp ngừng tuyệt đối khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.
Ông Đào Văn Rồng, một trong 4 chủ lò gạch ở xã Hòa Thạch bức xúc: Việc xây dựng lò gạch không phải do tôi tự ý mà đã được UBND huyện Quốc Oai cho phép triển khai mô hình lò gạch có hệ thống xử lý khói thải với 2 cặp lò từ tháng 5-2012 và tôi đưa lò vào sử dụng ngay trong năm đó. Trong quá trình xây dựng, tôi cũng không được các cơ quan chức năng của huyện Quốc Oai hướng dẫn phải xin phép xây dựng…
Một chủ lò gạch khác tên Đài cũng ở xã này, trong khi xây dựng còn được đoàn kiểm tra huyện Quốc Oai đánh giá: "Trong quá trình triển khai thử nghiệm mô hình lò đứng liên tục theo công nghệ của Trường ĐH Bách khoa, ông Đài luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật, xây dựng và hoàn thiện mô hình bảo đảm quy trình công nghệ", nhưng vẫn bị Thanh tra Sở Xây dựng xử phạt vì không có GPXD. Được biết, trong quá trình xây dựng lò (thời gian xây dựng mất 6-7 tháng/lò) chính quyền xã Hòa Thạch, các cơ quan chức năng của huyện và thành phố thường xuyên đến kiểm tra, nhưng chưa lần nào nhắc các chủ lò phải xin GPXD, đến khi bị thanh tra, kiểm tra, lập biên bản vi phạm, họ mới biết GPXD quan trọng như thế nào.
Một số chủ lò gạch ở huyện Đan Phượng, Sóc Sơn… bức xúc ở một khía cạnh khác. Một chủ lò gạch bị xử phạt ở huyện Đan Phượng thắc mắc: "Mặc dù nhiều chủ lò đã hoàn thiện đầy đủ hồ sơ xin GPXD nhưng đến nay đều chưa được cấp phép. Cũng chính vì vậy nên qua đợt kiểm tra của Thanh tra Sở Xây dựng vào tháng 5-2014, nhiều chủ lò ở xã Liên Trung bị xử phạt với số tiền hàng chục triệu đồng. Việc hoàn thiện hồ sơ thuộc trách nhiệm của các chủ lò, nhưng việc phê duyệt, cấp phép phải là trách nhiệm của cơ quan chức năng vì lò đã được thành phố cho phép triển khai. Khi các chủ lò đã hoàn thiện hồ sơ thì UBND huyện phải cấp GPXD. Không lẽ chỉ chủ lò bị xử lý, còn các cơ quan quản lý nhà nước đứng ngoài cuộc?".
Buông lỏng quản lý
Lý giải việc này, ông Doãn Mạnh Trung, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Mặc dù Sở Xây dựng, UBND thành phố đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các huyện triển khai việc áp dụng công nghệ xử lý khói thải trong sản xuất gạch nung trên địa bàn, tuy nhiên không có văn bản nào hướng dẫn các chủ lò phải xin GPXD nên việc cấp phép bị chậm. Ông Nguyễn Minh Tuấn, chuyên viên Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng giải thích việc chậm cấp GPXD cho các chủ lò ở xã Liên Trung: Hồ sơ xin cấp phép xây dựng của chủ lò ở xã Liên Trung đã đủ và hiện đang được lưu giữ. Việc chưa cấp được GPXD là do tháng 9-2013, Sở NN&PTNT đề nghị UBND thành phố cho dỡ bỏ 9 cặp lò ở bãi nổi sông Hồng vì ảnh hưởng đến đê điều, thoát lũ. Ngày 13-10-2014, UBND thành phố chỉ đạo huyện phải tháo dỡ 9 cặp lò đó… Việc này rất khó vì trước đó chính Sở Xây dựng và UBND thành phố đã chấp thuận cho các lò này được tồn tại. Hiện Phòng Tài nguyên và Môi trường đang tham mưu cho UBND huyện lập báo cáo, xin ý kiến của thành phố để tháo gỡ bất cập.
Theo quy định, việc cho phép các địa phương xây dựng lò gạch thuộc thẩm quyền UBND TP Hà Nội và UBND thành phố chỉ cho phép các chủ lò áp dụng công nghệ xử lý khói thải của Công ty TNHH Đức Trung (gọi tắt là công nghệ Đức Trung). Năm 2010, UBND thành phố mới chỉ cho phép triển khai thí điểm xây dựng lò theo công nghệ Đức Trung tại 4 điểm ở huyện Ba Vì và Phúc Thọ. Sau thí điểm, giữa năm 2013, UBND thành phố mới ban hành Văn bản số 4101/UBND-QHXDGT, chấp thuận cho 8 huyện được áp dụng công nghệ Đức Trung với số lượng là 71 lò (Sóc Sơn 19 lò, Đan Phượng 9 lò, Mỹ Đức 8 lò, Quốc Oai 4 lò, Phúc Thọ 12 lò, Chương Mỹ 9 lò, Ứng Hòa 5 lò, Ba Vì 5 lò)… Vậy nhưng, UBND huyện Quốc Oai đã "đi trước" khi cho phép các chủ lò gạch tại xã Hòa Thạch triển khai mô hình lò gạch chuyển đổi từ năm 2011. Còn tại huyện Sóc Sơn, các loại lò chuyển đổi theo nhiều công nghệ khác nhau cũng mọc như nấm dù chưa được thành phố cho phép. Theo khảo sát của phóng viên Hànộimới, tại các huyện ngoại thành, số lò gạch chuyển đổi hiện nay tăng đột biến so với chỉ tiêu cho phép của thành phố. Không những thế, các lò còn áp dụng đủ kiểu công nghệ xử lý khói thải như: Lò đứng liên tục, lò vòng… là những công nghệ chưa được sự cho phép của thành phố.
Tại Văn bản 4101/UBND-QHXDGT, UBND thành phố chỉ đạo các huyện kiểm tra, giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm, phối hợp với Sở Xây dựng và các sở, ngành trong công tác kiểm tra, báo cáo… Song, trên thực tế nhiều huyện đã buông lỏng quản lý nên các lò gạch chuyển đổi xây dựng tràn lan. Đơn cử, huyện Sóc Sơn chỉ được phép xây dựng 19 lò, song toàn huyện hiện có đến 82 lò (riêng xã Bắc Sơn là 66 lò), nhưng đều chưa đủ điều kiện để hoạt động; huyện Quốc Oai được triển khai 4 lò nhưng hiện có 19 lò; huyện Phúc Thọ hiện có 32 cặp lò úp vung, 2 lò công nghệ tuy nen kiểu vòng, trong khi chỉ được thành phố cho phép triển khai 12 lò…
Vì sao các lò chuyển đổi không đủ điều kiện hoạt động lại vẫn được tồn tại; không lẽ chính quyền sở tại không biết?
(Còn nữa)