Trách nhiệm thuộc về ai?
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:54, 18/11/2014
Dấu hiệu "rút ruột" công trình
Dự án Bệnh viện Thể thao Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định 1392/2001/QĐ-UBTDTT của Bộ trưởng - Chủ nhiệm Ủy ban Thể dục - Thể thao với mục tiêu đầu tư xây dựng mới, đồng bộ hoàn chỉnh bệnh viện quy mô 3 tầng, 100 giường, đạt mục tiêu bệnh viện đa khoa khu vực loại II. Dự án có tổng mức đầu tư được duyệt 52,2 tỷ đồng, chủ đầu tư là Viện Khoa học thể dục thể thao, đơn vị trúng thầu là Tổng Công ty Xuất nhập khẩu xây dựng Việt Nam (Vinaconex). Ngay sau khi có Thông báo trúng thầu, Tổng Công ty Vinaconex lập tức có văn bản ủy quyền cho Công ty Xây dựng số 15 (đơn vị thành viên của Vinaconex) tham gia đàm phán, ký hợp đồng với chủ đầu tư. Mặc dù Công ty Xây dựng số 15 không có tên trong danh sách tham gia dự thầu, không có chức năng kinh doanh thiết bị y tế, vậy mà không hiểu bằng cách nào đơn vị này vẫn được "ưu ái" ký hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư cả phần xây dựng và phần cung cấp thiết bị y tế.
Toàn bộ hệ thống mái của tòa nhà bị thấm dột, phải dỡ ra làm lại. |
Ngay từ khi đào móng san nền, Công ty Xây dựng số 15 đã bộc lộ nhiều gian dối. Cụ thể, theo hồ sơ thiết kế, khối lượng đất san nền để xây dựng bệnh viện là 23.857m3 với chiều cao trung bình của nền là 1,79m nhưng theo kết luận thanh tra số 163/KL-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch trên thực tế đơn vị này đã bớt khối lượng xuống còn 17.065m3, độ cao nền trung bình chỉ đạt 1,28m (thiếu cao độ 0,5m). Tương tự, khi thi công phần mái công trình, lớp bê tông chống thấm theo quy định dày 120mm mác 250 nhưng đơn vị này đã tự thay đổi thiết kế, bỏ dầm bo viền xung quanh, dùng lớp vữa xi măng tạo dốc dày 100mm, mác 100, trái với quy định của Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN 5718:1993)…
Chính vì sự làm ăn gian dối này mà ngay sau khi đưa vào sử dụng (năm 2007), công trình Bệnh viện Thể thao Việt Nam đã bị xuống cấp thảm hại. Theo Báo cáo của lãnh đạo bệnh viện gửi Tổng cục Thể dục Thể thao thì đến năm 2012, toàn bộ phần nền đã bị sụt, lún có chỗ sâu tới 50cm; tường nhà xuất hiện nhiều vết nứt, thấm mốc, mái bị ngấm nước làm hỏng hệ thống trần thạch cao; phần lớn hệ thống cửa gỗ bị mục, cửa kính bị vỡ và biến dạng, hệ thống vệ sinh, nước thải y tế, cấp nước cứu hỏa, hệ thống xử lý chất thải rắn không hoạt động…
Ngay khi phát hiện sự xuống cấp, Viện Khoa học Thể dục thể thao đã yêu cầu Công ty Xây dựng số 15 khắc phục sự cố, bảo hành công trình nhưng làm đi làm lại tới lần thứ tư, đơn vị thi công đành bỏ cuộc vì vá được chỗ nọ lại hỏng chỗ kia. Cũng kể từ thời điểm đó, Công ty Xây dựng số 15 "bặt vô âm tín", để mặc công trình xập xệ xuống cấp cùng năm tháng.
Chiều 14-11-2014, phóng viên Báo Hànộimới tới Bệnh viện Thể thao Việt Nam quan sát thực tế và nhận thấy nền sảnh tầng 1 bị sụt lún đã cơ bản được khắc phục. Tuy nhiên, xung quanh tòa nhà vẫn xuất hiện nhiều chỗ bị sụt lún, đa phần hệ thống rãnh thoát nước bị đứt gãy, trần thạch cao thủng, khuôn cửa gỗ mục nát, các khu vệ sinh phải đục ra làm lại. Trên tầng thượng các tòa nhà, công nhân đang bóc hết lớp vữa để xử lý chống thấm. Ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam cho biết: Để tạm thời khắc phục những hư hỏng, bệnh viện đã phải thuê một đơn vị khác vào sửa chữa. Sau gần 2 năm "oằn lưng" vá víu, sửa chữa giờ mới được thế này. Các anh không thể hình dung cách đây ít ngày nó thế nào đâu - ông Quang thở dài nói.
Nhập nhèm mua sắm thiết bị
Như đã nói, Công ty Xây dựng số 15 không có chức năng kinh doanh thiết bị y tế nhưng lại được hưởng đặc quyền cung cấp toàn bộ thiết bị cho bệnh viện này. Ngay sau khi ký hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư, Công ty Xây dựng số 15 đã mua lại thiết bị của 11 nhà cung cấp với tổng số tiền khoảng 14,4 tỷ đồng. Chưa nói đến chất lượng, hầu hết số thiết bị này đều thiếu hồ sơ xuất xứ hàng hóa và kiểm định chất lượng của Hải quan Việt Nam. Tại thời điểm thanh tra (tháng 1-2014), chỉ duy nhất thiết bị máy chụp cộng hưởng từ có hồ sơ hợp lệ. Dù thiếu chứng từ, tài liệu đi kèm thiết bị nhưng không hiểu vì lý do gì mà chủ đầu tư (Viện Khoa học Thể dục thể thao) vẫn làm thủ tục chuyển tiền cho phía đối tác.
Chưa hết, tháng 12-2008, Bệnh viện Thể thao Việt Nam lại tiếp tục ký hợp đồng thực hiện gói thầu "Trang thiết bị y tế cho Bệnh viện Thể thao Việt Nam giai đoạn 2008 - 2010" với tổng kinh phí 17,369 tỷ đồng. Liên danh nhà thầu gồm Công ty cổ phần Thương mại và Thiết bị y tế Đông Nam Á và Công ty TNHH Trung Kiên được chọn làm nhà cung cấp. Theo hợp đồng này, liên danh nhà thầu phải cung cấp, lắp đặt, bàn giao 55 chủng loại thiết bị cho Bệnh viện Thể thao Việt Nam, trong đó Công ty TNHH Trung Kiên cung cấp 48 chủng loại thiết bị với giá trị là 7,6 tỷ đồng, Công ty Đông Nam Á cung cấp 7 chủng loại thiết bị với giá trị gần 9,3 tỷ đồng. Dù chưa nhận bàn giao đủ thiết bị và hồ sơ đi kèm nhưng lãnh đạo Bệnh viện Thể thao Việt Nam thời kỳ đó cũng "hào phóng" ứng trước số tiền 90% tổng giá trị hợp đồng. Vì "thả gà ra đuổi", nên bệnh viện rơi vào tình cảnh không thể thực hiện thanh quyết toán bởi thiết bị còn thiếu nhiều chi tiết và hồ sơ đi kèm, trong khi nhà thầu thì "lặn mất tăm".
Về vấn đề này, ông Võ Tường Kha, Phó Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam thừa nhận là bệnh viện đã từng phải đăng báo để "truy tìm" nhà thầu. Sau đó, đơn vị này đã chủ động đến gặp lãnh đạo bệnh viện, bàn giao nốt chi tiết và hồ sơ đi kèm thiết bị.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc Bệnh viện Thể thao Việt Nam bỏ ra gần 900 triệu đồng mua máy phân tích huyết học 24 thông số nhưng "đắp chiếu" từ năm 2009 đến nay, ông Kha lý giải: Khu vực xét nghiệm của bệnh viện đang sửa chữa, hạ tầng không đủ điều kiện kỹ thuật để triển khai. Mặt khác, nhu cầu sử dụng máy phân tích huyết học 24 thông số không có, hiện bệnh viện đang sử dụng máy phân tích huyết học đưa ra 18 thông số đã thừa khả năng đáp ứng yêu cầu chuyên môn. Hơn thế nữa, việc duy trì chạy máy phân tích huyết học 24 thông số rất tốn kém. Bởi một khi đã kích hoạt máy, dù không có bệnh nhân vẫn phải cho máy hoạt động và lượng hóa chất vẫn bị tiêu hao rất tốn kém.
Như vậy, việc mua sắm trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam không chỉ nhập nhèm về quy chế đấu thầu, hồ sơ thiết bị, điều kiện thanh toán mà còn gây lãng phí trong đầu tư công.
Xử lý vi phạm… trên giấy
Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Bệnh viện Thể thao Việt Nam không giấu được sự ưu tư, lo lắng. Theo ông Quang lãnh đạo bệnh viện hiện nay hầu hết mới được điều chuyển, bổ nhiệm không liên quan gì đến quá trình xây dựng và mua sắm trang thiết bị trước kia. Tuy nhiên, trước những điều tiếng, các bác sĩ, y tá và cả bệnh nhân đều bị tâm lý hoang mang. Kết luận Thanh tra số 163/KL-BVHTTDL của Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch đã chỉ rõ sai phạm và trách nhiệm của từng đơn vị trong vụ việc này, cụ thể: Ủy ban Thể dục - Thể thao (trước đây đã buông lỏng quản lý, ký hợp đồng với đơn vị không có tên trong quyết định trúng thầu, không có chức năng kinh doanh thiết bị y tế. Với vai trò chủ đầu tư, Viện Khoa học Thể dục thể thao đã làm trái quy định của pháp luật trong công tác quản lý đầu tư, thiếu kiểm tra giám sát, thiếu chứng từ, tài liệu nhưng vẫn làm thủ tục chuyển tiền cho đơn vị thi công. Công ty Xây dựng số 15 đã làm trái các nguyên tắc trong thi công, thi công thiếu khối lượng dẫn đến chất lượng công trình không bảo đảm; không cung cấp đủ tài liệu chứng từ để chủ đầu tư quyết toán công trình…
Đáng nói là mặc dù trong phần kiến nghị, kết luận thanh tra cũng đã đề nghị làm rõ trách nhiệm của các cá nhân liên quan và có hình thức xử lý, tuy nhiên văn bản này lại không đề cập cụ thể bất cứ cá nhân nào. Và đó cũng là lý do vì sao đã hơn 9 tháng trôi qua kể từ khi có kết luận thanh tra, việc xử lý vi phạm vẫn nằm trên giấy. Dư luận băn khoăn đặt câu hỏi, ai là người phải chịu trách nhiệm về những sai phạm đã rất rõ ràng với thiệt hại không hề nhỏ ở dự án đầu tư xây dựng Bệnh viện Thể thao Việt Nam?