Cần quyết liệt tháo gỡ tình trạng khiếu nại, tố cáo
Chính trị - Ngày đăng : 14:39, 17/11/2014
ĐB Lê Nam (Thanh Hoá) cho biết: Việc khiếu nại tố cáo của nhân dân tăng cao, chủ yếu trong lĩnh vực đất đai, giải phóng mặt bằng… là do chính sách chưa chặt.
ĐB Nam nêu ví dụ: 2 dự án có nguồn tiền đầu tư nước ngoài triển khai trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá thì công tác giải phóng mặt bằng rất tốt, nhưng giải phóng mặt bằng từ nguồn tiền trong nước lại luôn gây ra khiếu kiện.
Theo ĐB Nam, nguyên nhân là do cách xây dựng giá đền bù. Các quy định Chính phủ đưa ra đúng luật. Chính phủ quy định theo định kỳ, các địa phương căn cứ và quy định trên thực tại của cơ sở. Nhưng thực tế, khi bắt tay vào việc, chúng ta lại để người dân đứng ngoài cuộc trong xác định giá. Điều này khiến cho những bức xúc về giải phóng mặt bằng tăng lên.
Thời gian tới, hạ tầng càng phát triển nhiều thì giải phóng mặt bằng càng tăng. Nếu không gỡ được nút thắt này thì sẽ còn phức tạp.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, năm 2014 cả nước đã phát sinh hơn 81.000 đơn khiếu nại tố cáo. Mặc dù số lượng đơn giảm 71%, vụ việc giảm 9,8%, nhưng số vụ khiếu nại phức tạp đông người lại tăng 5,2%.
Trong 81.000 đơn khiếu nại tố cáo đó, khiếu nại về đất đai chiếm 96,27%. Cụ thể, khiếu nại xuất phát từ việc bồi thường đất hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng phục vụ các dự án phát triển xã hội chiếm 50%; khiếu nại về tranh chấp đất đai chiếm 52%; khiếu nại đòi đất cũ chiếm 20%. Trong tổng số khiếu nại đất đai có 63% vụ việc cách đây từ 5 năm về trước.
Nguyên nhân là do các quy định hướng dẫn thực hiện luật đất đai vẫn chưa kịp yêu cầu thực tiễn. Công tác quản lý đất đai còn yếu kém trong thu hồi đất, nên phát sinh khiếu nại.
Một điểm nữa là trong quá trình phát sinh khiếu nại, ý thức, trình độ một bộ phận cán bộ trong giải quyết công việc chưa tốt. Ngoài ra công tác tiếp dân chưa kịp thời.
Ngoài ra, do nhận thức chấp hành pháp luật của người dân còn nhiều hạn chế, nên tỉ lệ khiếu nại sai cũng tăng cao: Năm 2014, số đơn khiếu nại sai chiếm 60%.
Ông Tranh cũng cho biết, năm 2014, việc giải quyết khiếu nại tố cáo đã đạt trên 81%. Riêng các vụ việc tồn đọng kéo dài, đến nay Thanh tra Chính phủ đã giải quyết 500 vụ/528 vụ. Một số vụ việc còn lại sẽ được tiếp tục rà soát giải quyết.
Để giải quyết tình trạng trên, Thanh tra Chính phủ sẽ tập chung triển khai Luật Khiếu nại tố cáo, đặc biệt là Luật Tiếp công dân, đối thoại với dân làm rõ vấn đề.
Cũng trong phần đánh giá báo cáo của Chính phủ diễn ra sáng nay, nhiều ĐBQH cũng kiến nghị cần làm rõ hơn các giải pháp trong vấn đề chống buôn lậu, gian lận thương mại; trồng rừng; đảm bảo nơi ở tại các khu tái định cư của bà con vùng thuỷ điện sau khi bị thu hồi đất; cải cách hành chính, thu hút đầu tư cho nông nghiệp.
Đáng chú ý, trong cuộc chiến phòng chống buôn lậu, nhiều ý kiến đề nghị cần có quy định cụ thể trách nhiệm của cá nhân đối với các địa bàn để xảy ra tình trạng buôn lậu gia tăng.
Về kết quả thanh tra liên quan đến cựu Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, ông Huỳnh Phong Tranh cho biết, ngay sau khi báo cáo Quốc hội, Ban Bí thư đã họp và nghe Ủy ban Kiểm tra Trung ương báo cáo. Ban Bí thư cũng đã chỉ đạo Ủy ban kiểm tra Trung ương làm quy trình kiểm tra vi phạm của ông Trần Văn Truyền. Theo ông Tranh, đến nay chưa có kết luận, do vậy chưa có thông tin báo cáo ĐBQH. Khi có kết luận và chỉ đạo của Ban Bí thư, Thanh tra Chính phủ sẽ thông báo kịp thời cho ĐBQH. |