Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Australia: Ưu tiên tăng trưởng kinh tế
Thế giới - Ngày đăng : 06:12, 17/11/2014
Đó là quyết tâm nâng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nhóm lên ít nhất 2% so với hiện nay trong vòng 5 năm tới. Đây sẽ là một bước phát triển quan trọng hướng tới mục tiêu tăng thêm 2.000 tỷ USD cho GDP toàn cầu; đồng thời tạo ra hàng triệu việc làm mới. Kế hoạch đầy tham vọng này vừa được Thủ tướng Australia Toni Abbott khẳng định tại Hội nghị Thượng định G20, diễn ra hai ngày cuối tuần qua tại thành phố Brisbane, bang Queensland, xứ Chuột túi.
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thêm nhiều việc làm là ưu tiên của G20 trong thời gian tới. |
Ra đời năm 2008 khi cả thế giới như "ngồi trên đống lửa" (sau sự kiện cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khởi phát từ Mỹ với việc Ngân hàng Lehman Brothers tuyên bố phá sản), Hội nghị Thượng đỉnh G20 đến nay vẫn là sự kiện kinh tế lớn nhất trong năm. Sáu năm qua nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ tăng trưởng chậm chạp, không đồng đều và phải đối mặt với hàng loạt thách thức. Trong khi đó, quan hệ giữa một số nhà lãnh đạo trong G20 đã trở nên căng thẳng do mâu thuẫn trong nhiều vấn đề quốc tế; đáng chú ý là cuộc khủng hoảng Ukraine. Cuộc khủng hoảng này khiến kinh tế Châu Âu, nơi có số đông thành viên G20 bị ảnh hưởng; trong đó trực tiếp là Liên minh Châu Âu (EU) và Nga. Các lệnh trừng phạt lẫn nhau giữa Nga và EU chưa dừng đã và tiếp tục đẩy lùi đà tăng trưởng vốn chưa chắc chắn của cả hai bên. Thêm vào đó, 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới (G20) vì lợi ích quốc gia cũng có xu hướng chia tách để tìm kiếm lợi ích của riêng mình.
Với 20 nền kinh tế thành viên, chiếm tới 85% sản lượng kinh tế toàn cầu, mỗi bước đi của G20 đều có thể tác động tới sự phát triển của kinh tế thế giới. Nhận thức rõ tầm vóc của G20 trên bản đồ kinh tế, nước chủ nhà Australia đã đề ra một chương trình nghị sự được cả thế giới quan tâm là tập trung vào các biện pháp "cải thiện tương lai của nền kinh tế toàn cầu". Nói đi đôi với làm, Australia vừa thể hiện vai trò tiên phong trong khu vực và nội khối khi tuyên bố thực hiện cam kết nhằm góp phần nâng tăng trưởng GDP lên 2% của nhóm trong 5 năm tới.
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, các nhà lãnh đạo G20 đã thông qua tuyên bố chung nêu rõ: Các biện pháp thúc đẩy đầu tư, cạnh tranh, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm hỗ trợ cho sự phát triển, tăng trưởng cũng như giảm đói nghèo, bất bình đẳng... G20 còn nhất trí đề ra hàng loạt biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và tạo thêm việc làm như nhất trí triển khai "Sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu", đặt mục tiêu giảm chênh lệch lao động nam nữ xuống 25% vào năm 2025, nhất trí "Kế hoạch hành động chống tham nhũng giai đoạn 2015-2016"; tăng cường sức mạnh của các tổ chức tài chính toàn cầu, trong đó ưu tiên cải tổ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và hối thúc Mỹ thông qua kế hoạch cải tổ IMF năm 2010.
Để đạt được mục tiêu đầy tham vọng vừa được G20 thông qua là không dễ dàng bởi 20 quốc gia sẽ phải đồng loạt đưa ra những quyết định khó khăn về cải cách cơ cấu. Theo IMF và Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nếu cam kết của G20 được thực hiện đầy đủ, GDP của nhóm có thể tăng thêm 2,1% từ nay đến năm 2018, từ đó sẽ tạo thêm hơn 2.000 tỷ USD cho kinh tế toàn cầu và tạo thêm hàng triệu việc làm. Thế nhưng, điều khiến nhiều người quan ngại là làm thế nào để những cam kết vừa được thông qua trở thành hành động, bởi tăng trưởng mạnh hơn cần phải được củng cố bằng đầu tư lớn hơn. Theo OECD, 70.000 tỷ USD đầu tư là cần thiết vào năm 2030 để giải quyết lỗ hổng tài chính toàn cầu đang ngày một phình to trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Trên thực tế, thúc đẩy đầu tư chất lượng về tài sản mới đang là một thách thức cho tất cả các quốc gia.
Với một loạt cam kết, trong đó có cam kết của Tổng thống Barack Obama, Mỹ sẽ đóng góp 3 tỷ USD vào quỹ quốc tế xanh giúp các nước nghèo trước tác động của biến đổi khí hậu; IMF tiếp tục viện trợ bổ sung 300 triệu USD để ngăn chặn dịch Ebola… Hội nghị Thượng đỉnh G20 tiếp tục tạo thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Thế giới kỳ vọng rằng, những kế hoạch đầy tính quyết đoán cũng như những cam kết có được tại Brisbane sẽ thúc đẩy tiến trình hồi phục của kinh tế thế giới, bảo vệ nền kinh tế toàn cầu và ngân sách quốc gia trước những cú sốc trong tương lai.
G20 ra thông cáo chung về an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu Trong bản tuyên bố chung đưa ra ngày 16-11 sau phiên bế mạc của Hội nghị Cấp cao Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) tại thành phố Brisbane (Australia), các nhà lãnh đạo khẳng định, an ninh năng lượng phải trở thành ưu tiên của G20 và sự ổn định của các thị trường là yếu tố then chốt đối với tăng trưởng của nhóm. Cùng ngày, Hội nghị G20 cũng ra tuyên bố chung về biến đổi khí hậu, trong đó hối thúc hành động mạnh mẽ và hiệu quả trong vấn đề này. Tuyên bố tái khẳng định sự hỗ trợ của các nước G20 nhằm huy động tài chính cho các chương trình về môi trường như Quỹ khí hậu xanh của Liên hợp quốc. |