Bài cuối: Tạo cơ sở pháp lý, tăng hình thức xử phạt

Văn hóa - Ngày đăng : 05:49, 17/11/2014

(HNM) - Từ những mâu thuẫn, vướng mắc trong thực tế, các địa phương đã kiến nghị với Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố Hà Nội và các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền nhiều giải pháp nhằm đưa dịch vụ văn hóa (DVVH) vào nền nếp, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh.

Nghị định 75/2010/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong hoạt động văn hóa quy định rõ: Hành vi kinh doanh karaoke, vũ trường không có giấy phép, ngoài phạt tiền còn phải chịu hình thức phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Nếu các cơ sở kinh doanh karaoke và các DVVH công cộng để xảy ra tình trạng sử dụng ma túy, đánh bạc, cá độ… sẽ bị phạt tiền và tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh không thời hạn. Nhưng tại Nghị định 158/2013/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 75, mức xử phạt vi phạm hành chính trong kinh doanh DVVH, karaoke, vũ trường tuy tăng lên, nhưng lại không có các hình thức phạt bổ sung khiến nhiều cơ sở "nhờn luật". "Đành rằng việc nới lỏng quy định đối với hoạt động kinh doanh DVVH nhằm tạo môi trường thông thoáng cho các hộ kinh doanh, song ở thời điểm hiện tại, việc cấp phép kinh doanh không thời hạn, không tịch thu tang vật vi phạm, không tước giấy phép kinh doanh đang là lỗ hổng lớn trong khâu quản lý", ông Nguyễn Trọng Hải, Trưởng phòng VH-TT quận Đống Đa khẳng định.

Tăng cường trách nhiệm, thẩm quyền quản lý cho các địa phương là một giải pháp nhằm góp phần làm lành mạnh hóa môi trường kinh doanh dịch vụ văn hóa.



Mức xử phạt theo quy định không đủ sức răn đe nên huyện Đông Anh đã và đang phải vận dụng nhiều khâu tuyên truyền, yêu cầu chủ các cơ sở kinh doanh DVVH không phép tự tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất thầu khoán ở xã Tiên Dương và Vĩnh Ngọc. Hộ nào không tự nguyện tháo dỡ, huyện sẽ cưỡng chế. Tương tự, huyện Gia Lâm đang tạm giữ 10 giấy phép kinh doanh DVVH để yêu cầu các hộ thực hiện đầy đủ quy định của pháp luật. Đội kiểm tra liên ngành quận Hoàng Mai thường xuyên phối hợp với công an các phường đi kiểm tra, rà soát trên các tuyến đường, thấy cơ sở karaoke nào còn sáng đèn hoặc thấy khách vào, ra sau 12 giờ đêm thì nhắc nhở...

Đối với việc thu bản quyền âm nhạc tại cơ sở kinh doanh karaoke, các địa phương cũng cho rằng việc này là cần thiết. "Đa phần các hộ kinh doanh karaoke là kinh doanh cá thể, sự hiểu biết về các quy định của pháp luật cũng như bản quyền tác giả rất hạn chế. Chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý có hướng dẫn cụ thể với từng đầu việc để các địa phương căn cứ vào đó triển khai, các hộ kinh doanh theo đó thực hiện", ông Nguyễn Xuân Thủy, Trưởng phòng VH-TT tin huyện Thanh Trì kiến nghị.

Thống nhất từ khâu cấp phép

Nếu như việc nới lỏng quy định đối với hoạt động kinh doanh DVVH gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước ở cơ sở, thì kế hoạch tạm dừng cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh đối với dịch vụ karaoke từ cuối tháng 5-2014 đến nay của Sở VH-TT&DL Hà Nội lại ảnh hưởng ít nhiều đến các hộ có nhu cầu kinh doanh chính đáng. Sau khi kiểm tra, rà soát thực tế, 100% quận, huyện, thị xã thống nhất kiến nghị thành phố sớm giao thẩm quyền cấp phép kinh doanh karaoke cho các địa phương để tiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, xử lý.

Ngoài ra, việc cấp giấy kinh doanh và giấy phép đủ điều kiện kinh doanh karaoke trước giấy chứng nhận bảo đảm điều kiện về PCCC, an ninh trật tự cũng đang là vấn đề nan giải đối với cơ quan quản lý và các hộ kinh doanh. Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin quận Hoàng Mai, cơ sở karaoke Nam Anh, 11 tầng ở khu vực đền Lừ (phường Hoàng Văn Thụ) được đầu tư khá lớn về cơ sở vật chất, trang thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhưng lại chưa bảo đảm các yêu cầu về PCCC. Khi cấp giấy phép kinh doanh karaoke, phòng VH-TT quận dựa trên các quy định hiện hành của ngành để cấp thì cơ sở trên đủ điều kiện, nhưng chiếu theo quy định về PCCC thì cơ sở này lại chưa đủ. Công an quận Hoàng Mai đã xử phạt cơ sở karaoke Nam Anh 15 triệu đồng và đề nghị thu hồi giấy phép kinh doanh karaoke. "Việc thu hồi giấy phép kinh doanh là không thể thực hiện vì giấy được cấp vĩnh viễn, nhưng nếu để cơ sở này hoạt động thì rõ ràng hộ kinh doanh vi phạm, các cơ quan chức năng cũng vi phạm. Vì những lẽ đó, cơ sở karaoke Nam Anh đang phải tạm dừng hoạt động, rất lãng phí", bà Trần Thị Thanh Ngà, Trưởng phòng VH-TT quận Hoàng Mai chia sẻ. Điều đáng nói, cơ sở karaoke Nam Anh không phải là trường hợp duy nhất trên địa bàn thành phố Hà Nội rơi vào tình trạng như vậy vì chủ đầu tư chưa tìm hiểu cặn kẽ các quy định của pháp luật trước khi quyết định đầu tư.

Từ thực tế trên, nhiều địa phương đề nghị Sở VH-TT&DL Hà Nội sớm có ý kiến với các cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật nên quy định các cơ sở kinh doanh karaoke phải có giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, an ninh trật tự trước khi cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ karaoke, tương tự như Nghị định 87 trước đây đã quy định. Khách quan mà nói, những kiến nghị này không phải không có cơ sở, tuy nhiên quá trình triển khai thực hiện Nghị định 87 cũng đã bộc lộ rất nhiều hạn chế, bất cập, nên nghị định này đã được các cơ quan chức năng thay thế bằng các quy định mới.

Từ kinh nghiệm quản lý văn hóa, bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý Văn hóa (Sở VH-TT&DL) cho rằng: Quy trình cấp giấy phép cần và đủ đối với DVVH nói chung, karaoke nói riêng phải thống nhất từ đầu. Ví dụ với dịch vụ karaoke, chủ cơ sở kinh doanh sẽ xin giấy phép kinh doanh trước vì thủ tục này rất đơn giản, sau đó xây dựng các kế hoạch, phương án đầu tư. Trong quá trình đầu tư, các cơ quan chức năng sẽ thường xuyên kiểm tra, góp ý những việc cần làm với chủ kinh doanh. Khi công trình hoàn thành, các cơ quan sẽ cùng nghiệm thu và cấp giấy phép. Đây chỉ là ý kiến của một cá nhân, song đặt vào điều kiện thực tế, có thể nói đó là sự gợi mở nhằm giúp lành mạnh hóa môi trường kinh doanh DVVH, xóa đi những "góc khuất" không đáng có của các loại hình dịch vụ này.

Minh Ngọc