Đạo thầy - trò xưa và nay có gì khác?
Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 16/11/2014
Em Trần Thị Giang (lớp 9C, THCS Mỹ Đình):
- Em thường nghe kể lại, ngày xưa chỉ những gia đình giàu có mới rước thầy về nhà cho con ăn học, nhưng cũng có những học trò nghèo hiếu học được thầy cưu mang dạy dỗ... Hiện nay, không còn nhiều tập tục phức tạp nhưng đạo thầy - trò lại ít được coi trọng như xưa. Ngay trong ngày 20-11, nhiều bạn cũng chỉ thích mua quà tặng thầy cô chủ nhiệm, cô giáo dạy bộ môn chính như toán, văn, tiếng Anh chứ không còn nhớ đến các thầy cô dạy môn phụ và các thầy cô giáo cũ đã dạy mình các cấp học trước.
Em Phạm Thu Hà (lớp 8D, THCS Tô Hoàng):
- So với trước đây, đạo lý thầy - trò có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, chúng em đều không muốn môi trường giáo dục hà khắc như xưa, thầy cô nghiêm khắc, học trò sợ sệt, e dè. Hiện nay, thầy cô không chỉ là người định hướng, dạy dỗ HS như cha mẹ mà còn là người bạn đồng hành, người mà chúng em có thể chia sẻ những điều băn khoăn trong cuộc sống. Nhiều bạn gặp chuyện vui, buồn trong cuộc sống, đôi khi cảm thấy khó chia sẻ với bố mẹ, sợ bị trách mắng nhưng lại có thể tâm sự với thầy cô, được thầy cô hướng dẫn, cho những lời khuyên hữu ích. Trong dịp 20-11, nhiều bạn HS còn lập những trang mạng xã hội cho thầy cô để cả lớp, cả trường có thể chia sẻ nhiều câu chuyện thú vị, cùng tổ chức các hoạt động ngoại khóa sôi động.
Cô Nguyễn Hồng Anh (giáo viên dạy văn, Trường THCS Ngọc Lâm):
- Dưới bất cứ chế độ xã hội nào, dạy học vẫn là "nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý". Bởi lớp lớp nhà giáo đã đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp "trồng người", xây dựng đất nước. Nhưng trong cơ chế thị trường, nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra như thầy cô giáo đánh HS, HS có thái độ vô lễ với thầy cô giáo, cũng không ít nhà giáo đánh mất nhân cách, lòng tự trọng. Đó thực sự đã là những "con sâu bỏ rầu nồi canh" khiến đạo thầy - trò mất đi sự thiêng liêng cao quý tự ngàn đời. Sự quý mến thầy cô vì thế cũng khác xưa. Ngày 20-11, nhiều HS tặng quà cho giáo viên cũng mang tính thực dụng chứ không còn là tình cảm chân thành nữa. Mong muốn lớn nhất của những người thầy cô chúng tôi là được làm việc trong một môi trường giáo dục trong sáng, các em HS không bị áp đặt những tư tưởng về bệnh thành tích, tiêu cực vì chính những suy nghĩ của người lớn để trả lại tình cảm thầy - trò đúng nghĩa của nó.