Nơi tình thương tỏa sáng

Giới trẻ - Ngày đăng : 05:44, 16/11/2014

(HNM) - Người ta gọi ngõ Cột Cờ (ngõ 121, đường Lê Thanh Nghị, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là

Những người chung phận nghèo

Đi men theo ngõ Cột Cờ, len lỏi qua từng mái nhà tôn lụp xụp, ẩm thấp, chúng tôi gặp một người nhỏ thó, đen nhẻm vừa phát mì tôm vừa tranh thủ hỏi thăm tình hình sức khỏe mọi người. Qua câu chuyện được biết anh là Mai Anh Tuấn (39 tuổi), được bà con tôn làm trưởng "xóm bệnh nhân".

Có lẽ, hiếm nơi nào có thể "tập hợp" được nhiều số phận, nhiều bi kịch như ở "xóm bệnh nhân" này. Anh Tuấn vừa lật danh sách từng người vừa nói giọng buồn rầu: "Hôm nay có 2 bệnh nhân mới chuyển vào, tổng cộng là 128 người. Những người đến đây đều là nông dân ở các tỉnh lẻ. Họ từ vùng đồng bằng như Thái Bình, Nam Định, Hà Nam đến các tỉnh miền núi như Yên Bái, Lào Cai... đã vào đây đều chung phận nghèo, nhưng dân quê sống với nhau bằng tình bằng nghĩa nên khi cần họ sẵn sàng chia sẻ với nhau".

Anh Mai Anh Tuấn, trưởng "xóm bệnh nhân" lần giở danh sách những bệnh nhân trong xóm.


Trong xóm chi chít những phòng trọ nhỏ hẹp ẩm thấp khoảng 5-6m2. Không ai nhớ rõ nơi đây trở thành nơi tụ hợp của bệnh nhân tỉnh lẻ tự bao giờ. Theo trí nhớ của ông Nguyễn Văn Tấn 74 tuổi, quê ở xã Thanh Vân, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang thì khoảng 17 năm trước, nơi đây đã có nhiều người bệnh nặng tụ tập. Thỉnh thoảng mọi người lại xót xa khi có người lẳng lặng về quê chờ chết vì vô phương cứu chữa… Cùng cảnh ngộ, họ bàn nhau lập danh sách bệnh nhân để tiện thăm hỏi, động viên, chia sẻ ngọt bùi cay đắng trong những ngày tháng khốn khó. Thời gian đầu mọi người nhất trí bầu ông Tấn là trưởng xóm, từ đó mới gọi là "xóm bệnh nhân". Một năm trở lại đây, do ông Tấn yếu sức nên anh Tuấn đứng lên làm thay công việc.

Ngậm ngùi khi nói về bản thân, anh Tuấn cho biết quê gốc ở Cổ Đô, Ba Vì, Hà Nội, bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người cha do chiến tranh để lại. Chạy chữa nhiều năm không khỏi, cả gia đình anh dắt díu nhau đến Bệnh viện Bạch Mai chạy thận. Cậu con trai may mắn khỏe mạnh, còn anh sức khỏe cứ yếu dần sau mỗi ngày. Vợ anh xin đi bán nước gần Bệnh viện Bạch Mai để kiếm thêm thu nhập, chăm nuôi gia đình.

Anh Tuấn than phiền, cuộc sống nơi đây như một cái vòng luẩn quẩn "con tằm nó nhả ra tơ" cơ cực đến mức đáng sợ. Có những người là lao động nông thôn lên thành phố bán sức mưu sinh, cuối đời về quê mang theo được ít tiền nhưng trong người thì đủ thứ bệnh tật. Rồi họ phải quay trở lại Hà Nội chữa bệnh. Họ thuê nhà trọ nhỏ hẹp, giá rẻ gần bệnh viện để tiện đi lại chữa trị và lần hồi kiếm sống qua ngày. Cái sự tối tăm ấy không của riêng ai mà bao phủ tất cả 128 người ở xóm bệnh nhân này. Mỗi người mỗi cảnh, sau thời gian điều trị ở bệnh viện khi về họ lại lo công việc mưu sinh. Người thì chạy xe ôm, người ngồi bán nước, người gồng gánh hàng rong, thậm chí nhiều người còn phải quay lại với những nghề nặng nhọc như phụ hồ, bốc vác...

Theo chân anh Tuấn, chúng tôi đến thăm bà Dương Thị Hoài, 60 tuổi, quê ở xã Tam Thanh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định tại một căn phòng nhỏ cuối xóm. Lúc này, bà Hoài mới trở về sau buổi chạy thận tại bệnh viện tranh thủ quang gánh hàng rong kiếm thêm đồng tiền thuốc. Bà Hoài da xanh lét, chân tay chi chít vết tiêm, vết rạch, từ tiếng thở cũng cảm nhận được sự khó nhọc, khổ cực trong người phụ nữ này. Ở quê, vợ chồng bà làm non mẫu ruộng. Bà biết bệnh từ lâu, nhưng không có tiền đi khám. Chần chừ mãi đến lúc nặng quá không cố chịu được nữa mới bán hết thóc lúa để lên đây. Con cái cũng đủ trai, gái, xây dựng gia đình nhưng đều đi làm thuê làm mướn, không ai giúp đỡ được gì. Bà Hoài ngậm ngùi: "Nhiều lúc chỉ muốn chết đi, lại nghĩ đến cả cái chỗ nằm xuống khi nhắm mắt cũng chưa có càng thấy xót xa lắm. Nếu không nhờ bà con trong xóm người cho bát cơm, bát gạo thì những ngày nằm nhà ốm đau tôi chẳng biết trông chờ vào đâu".

Lan tỏa tình yêu thương

Những người bệnh tự cưu mang chăm sóc nhau ở cái xóm cùng cực này thật sự là những câu chuyện cảm động. Những người còn trẻ giúp nhau miếng cơm manh áo, những người già chia sẻ câu chuyện tâm tình. Những người trong xóm ai cũng nghèo, nhưng họ kể cho chúng tôi nghe về những hoàn cảnh còn bất hạnh hơn với sự xúc động, cảm thông. Khi được nhận quà tặng từ các nhà từ thiện, họ sẵn sàng chia sẻ cho những người kém may mắn hơn. Họ coi việc tương trợ lẫn nhau là điều hiển nhiên mà không mong báo đáp. Tôi được nghe chuyện về người già nhất là bà Dư Thị Tân 79 tuổi, quê ở Thái Bình. Không ai tin nổi chuyện một người gần 80 tuổi mà ngày ngày vẫn đi bộ hàng chục cây số gom nhặt ve chai để nuôi hai cháu nhỏ. Bà Tân dáng người nhỏ thó, đi lại khó nhọc. Mỗi ngày bà đều thức dậy từ một giờ sáng, lê la ở các chợ đầu mối để gom nhặt từng tấm bìa các tông - những cái chai nhựa người ta vứt bỏ. Bà cũng từng có con cái. Hai đứa con trai tưởng là chỗ dựa cuối đời nhưng rồi lần lượt chết vì tai nạn, bệnh tật khiến đôi vai còng càng thêm nặng gánh… Ngậm ngùi bà kể, mỗi ngày nếu khấm khá có thể kiếm được dăm bảy chục ngàn. Tất tật chi tiêu của ba bà cháu đều gói gọn trong đó. Tôi hỏi: "Sao bà cháu không đưa nhau về quê nương tựa họ hàng?". Bà nói: "Ở quê có lòng nhưng ai cũng nghèo, nhà nào lo bổn phận nhà đấy, muốn giúp đỡ cũng không có cách nào. Thôi thì bà cháu cố bám trụ kiếm được bữa sáng lo bữa chiều nhưng còn có cái mà sống qua ngày". Hai đứa cháu, bà Tân không nhớ tuổi. Chúng cũng chẳng học hành gì và cũng theo bà đi bán hàng rong.

Trường hợp của bà Mai Thị Hạnh đã 70 tuổi, ở xã Hưng Đạo, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên cũng khiến nhiều người ứa nước mắt. Lúc chúng tôi đến, bà đang ngồi nhai mỳ tôm sống cho ấm bụng để chuẩn bị lên viện chạy thận, lọc máu. Chồng bà đã mất, cô con gái duy nhất đi lấy chồng, hoàn cảnh cũng khốn khó nên hàng chục năm nay bà vò võ một mình. Bà bị suy thận mãn tính phải chọn bệnh viện làm nhà. Hơn chục năm nay, bà ở "xóm bệnh nhân" này. Căn phòng trọ chưa đầy 10m2, đủ kê hai chiếc giường, bà ở cùng với một người bạn già chạy thận. Da xanh lét, hai tay từng khối u sưng như những quả trứng gà, không ai nghĩ bà mỗi ngày vẫn phải đi làm kiếm tiền thuốc men, tiền viện phí. Bà bán hàng mã ngoài chợ, nhặt ve chai lo cóp nhặt từng đồng để chạy chữa bệnh tật. Bà kể, từ ngày phát bệnh, nhà cửa, ruộng vườn ở quê bỏ hoang. Hơn một năm bà chưa về, bây giờ căn nhà có khi đã sập sau những cơn bão lớn rồi cũng nên...

"Xóm bệnh nhân" trở thành quê hương thứ hai của những người bệnh, họ sống và gắn bó với nhau. "Ai ốm, ai đau là xóm lại trích quỹ thăm hỏi. Ai ngã bệnh đột ngột, xóm đứng ra lo cử người đưa đi bệnh viện. Rồi chẳng may ai đó không cầm cự được với sự sống, chúng tôi đều đứng ra lo toan thăm viếng và cử người đưa tiễn với cả tấm lòng chia sẻ" - anh Tuấn kể đôi mắt đỏ hoe.

Cuộc sống của những người ở "xóm bệnh nhân" là thế, chẳng khác nào cây tầm gửi sống nhờ vậy. Những người bệnh khi đã là công dân của xóm rồi, mấy ai hy vọng ngày về. Vậy nên, họ càng quý, càng tôn trọng quãng thời gian ngắn ngủi mà mình có để sống gần gũi, vui vẻ, đoàn kết, thương yêu nhau. Tình người cứ thế mà lan tỏa mãi, ấm áp nơi xóm nhỏ nghèo.

Quỳnh Nguyên