“Góc khuất” sau các dịch vụ văn hóa
Văn hóa - Ngày đăng : 06:42, 15/11/2014
LTS: Thời gian gần đây, không ít cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke, vũ trường, CLB khiêu vũ, nhà hàng có biểu diễn nghệ thuật…) ở Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung xảy ra tình trạng cháy, nổ, mất an ninh trật tự hoặc tiềm ẩn các tệ nạn xã hội. Trước tình hình đó, từ cuối tháng 10 đến nay, Đoàn kiểm tra liên ngành của TP Hà Nội đã tiến hành công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa tại nhiều quận, huyện. Kết quả cho thấy, phía sau hoạt động kinh doanh có điều kiện này còn nhiều "góc khuất".
Bài 1: Lượng giảm, chất cũng giảm theo
So với những năm trước, hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa (DVVH) trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện ít sôi động hơn. Số lượng các cơ sở kinh doanh karaoke giảm, vũ trường chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ do chưa bảo đảm những điều kiện về phòng cháy, chữa cháy; đồng thời dễ phát sinh các tệ nạn xã hội, mất an ninh trật tự…
Nhiều cơ sở kinh doanh karaoke chưa được trang bị đầy đủ tiện nghi. Ảnh: Như Ý |
Giảm về lượng
Theo quy hoạch, quận Hoàn Kiếm có 150 cơ sở kinh doanh karaoke vào năm 2020, nhưng hiện chỉ có 32 cơ sở đang hoạt động; không có vũ trường; không kinh doanh dịch vụ karaoke trong các cơ sở lưu trú xếp hạng sao… So với cùng kỳ năm 2013, dịch vụ karaoke ở quận Hoàn Kiếm giảm 5 cơ sở. Tại quận Ba Đình, từ năm 2007 đến nay, 12 cơ sở karaoke đã chuyển đổi ngành nghề kinh doanh, số cơ sở đang hoạt động cũng chỉ chiếm một phần nhỏ so với quy hoạch (28/118 cơ sở); còn duy nhất vũ trường Newsquae tại khách sạn Daewoo thuộc phường Ngọc Khánh. Không khí sôi động của các dịch vụ văn hóa tại quận Đống Đa cũng giảm đáng kể trong năm 2014 khi quận không có vũ trường và chỉ còn 1 CLB khiêu vũ, nhiều cơ sở karaoke ngừng kinh doanh.
Với những quận nằm ngoài "vùng lõi" như: Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Thanh Xuân, hoạt động kinh doanh DVVH tuy sôi động hơn, song cũng đã "giảm nhiệt". Cụ thể, 14 cơ sở karaoke hoạt động không phép năm 2013 và 9 cơ sở karaoke phát sinh năm 2014 ở quận Cầu Giấy đã ngừng hoạt động hoặc chuyển đổi mục đích kinh doanh; 10 cơ sở karaoke có giấy phép ở quận Hoàng Mai ngừng hoạt động trong năm 2014 trong khi chỉ có 6 trường hợp cấp mới… Kiểm tra thực tế còn cho thấy, karaoke vốn là loại hình DVVH phổ biến nhất ở các huyện ngoại thành thì nhu cầu thực tế cũng giảm. Tính cả các cơ sở hoạt động "chui", số cơ sở karaoke trên địa bàn huyện Ba Vì đến thời điểm này mới bằng gần 70% quy hoạch; Gia Lâm bằng gần 30%; Sóc Sơn bằng hơn 30%... Trên bình diện chung, dịch vụ karaoke, vũ trường ở Hà Nội trong 10 tháng đầu năm 2014 giảm hàng trăm cơ sở so với cùng kỳ năm 2013 và vẫn đang tiếp tục đà giảm.
Theo phân tích của cán bộ văn hóa các địa phương, một số loại hình kinh doanh DVVH phổ biến giảm về số lượng là do sự xuất hiện của nhiều loại hình giải trí mới hơn, hấp dẫn hơn; mặt khác người dân cũng đang phải thắt chặt chi tiêu trong điều kiện kinh tế khó khăn.
Đến tháng 8 năm 2014, Hà Nội có 1.220 cơ sở kinh doanh karaoke có phép, 393 cơ sở không phép; 1 vũ trường và một số nhà hàng có biểu diễn nghệ thuật đang hoạt động tại các quận, huyện, thị xã, giảm hàng trăm cơ sở so với những năm trước. Địa phương có nhiều dịch vụ karaoke nhất là quận Hà Đông với 100 cơ sở, Đống Đa 95 cơ sở, Long Biên 93 cơ sở, Cầu Giấy 85 cơ sở… Hiện tại, số lượng các cơ sở kinh doanh karaoke tiếp tục giảm. Sau đợt kiểm tra liên ngành, Sở VH-TT&DL Hà Nội sẽ có con số thống kê cụ thể. |
Điều kiện tối thiểu chưa đủ
Lẽ thường, khi nguồn cung dồi dào, nhu cầu của người dân có hạn thì các cơ sở kinh doanh bắt buộc phải nâng cao chất lượng cơ sở vật chất, hạ giá thành, thay đổi cung cách phục vụ nhằm lôi kéo, thu hút khách hàng. Tiếc rằng, số cơ sở kinh doanh DVVH làm được như vậy không nhiều, thay vào đó không ít cơ sở đã tìm cách "lách" các quy định hiện hành để tồn tại.
Qua 185 lượt kiểm tra, quận Đống Đa đã phát hiện 107 lượt trường hợp kinh doanh karaoke vi phạm, phạt tới hơn 310 triệu đồng với các lỗi chủ yếu là không có giấy phép kinh doanh; không lắp đặt biển báo, biển chỉ dẫn thoát nạn trên lối thoát nạn; không lập hồ sơ quản lý, theo dõi phòng cháy, chữa cháy (PCCC); không thực hiện đầy đủ các quy định về an ninh, trật tự; sử dụng lao động không có hợp đồng hoặc sử dụng nhân viên phục vụ quá số người quy định; hoạt động kinh doanh quá giờ… Cũng với những lỗi này, quận Ba Đình xử lý 5 trường hợp với số tiền hơn 50 triệu đồng; quận Cầu Giấy xử phạt 30 cơ sở 354 triệu đồng… Theo ông Trần Quế Thường, Đội phó Đội Kỹ thuật Cảnh sát PCCC số 9 (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội), 100% cơ sở karaoke đang hoạt động trên địa bàn quận Hà Đông là các cơ sở nhỏ và vừa, các hộ gia đình vừa ở, vừa kinh doanh hoặc chuyển đổi từ nhà ở sang kinh doanh nên chưa đáp ứng được các điều kiện về PCCC. Hầu hết các cơ sở chỉ có một lối thoát nạn trong khi yêu cầu phải có lối thoát nạn thứ hai. "Vật liệu cách âm trong các phòng hát thường bằng chất liệu dễ cháy, phòng hát lại kín nên khi có sự cố cháy, nổ xảy ra, hậu quả rất khó lường. Người bên trong có thể bị ngạt và chết sau ít giây vì khói", ông Trần Quế Thường khẳng định. Kiểm tra thực tế tại huyện Sóc Sơn, ông Phạm Trung Hiếu, Phó phòng hướng dẫn PCCC (Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội) cho hay: "Mặc dù rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke ở Sóc Sơn nói riêng, ở Hà Nội nói chung không đủ điều kiện về PCCC, song nếu chủ cơ sở kinh doanh quan tâm tới công tác này vẫn có thể khắc phục được". Ngoài việc chưa đủ điều kiện về PCCC, nhiều cơ sở kinh doanh DVVH còn treo biển hiệu vượt kích thước quy định (karaoke Xuân Ý, phố Phúc Tân, phường Phúc Tân, Hoàn Kiếm; cơ sở Spartacus, số 72 Nguyễn Khang, Cầu Giấy; cơ sở Harvest, số 93 Nguyễn Xiển, Thanh Xuân…), vừa ảnh hưởng tới cảnh quan chung, vừa cản trở việc thoát hiểm, chữa cháy khi không may có sự cố cháy, nổ. "Những vụ cháy nổ thương tâm trong thời gian qua tại quán bar, karaoke trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác đều có phần nguyên nhân từ việc PCCC không bảo đảm, thiếu lối thoát hiểm, cửa đóng kín, biển hiệu che kín mặt tiền nhà chính gây khó khăn cho công tác chữa cháy, cứu nạn khi gặp sự cố… là những lời cảnh báo sâu sắc cho các chủ hộ kinh doanh và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, khai thác loại hình dịch vụ đặc biệt này", bà Vũ Thùy Anh, Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở VH-TT&DL Hà Nội) nhận định.
Đáng nói hơn, khi tiến hành kiểm tra ngẫu nhiên, đoàn liên ngành đã ghi nhận rất nhiều cơ sở kinh doanh karaoke "lách" các quy định hiện hành bằng cách xây dựng phòng hát đủ diện tích quy định, lắp ô kính trên cánh cửa phòng hát rất rộng, trong suốt, có thể nhìn thấu từ bên trong ra bên ngoài và ngược lại, nhưng sau khi được cấp phép các cơ sở này thu nhỏ diện tích kính cửa phòng hát, bố trí thêm phòng hát hoặc thu nhỏ diện tích phòng hát nhằm tăng doanh thu…