Gần 7 triệu trẻ trên toàn quốc đã được tiêm vắc xin sởi-rubella
Sức khỏe - Ngày đăng : 13:39, 13/11/2014
Theo Cục Y tế dự phòng thuộc Bộ Y tế, với số trẻ thuộc đối tượng hoãn tiêm trong đợt 1, hiện nay các địa phương đang tích cực rà soát và tổ chức tiêm vét trong thời gian tới.
(ảnh minh họa, nguồn: Internet) |
Qua kết quả triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin sởi-rubella đợt 1 cho thấy, vắc xin đảm bảo an toàn, hiệu quả, kế hoạch triển khải tổ chức buổi tiêm chủng tại các địa phương được thực hiện đúng quy trình, quy định của Bộ Y tế.
Còn qua kiểm tra công tác tiêm chủng tại địa phương, bên cạnh sự huy động phối hợp nhịp nhàng giữa các ban, ngành đoàn thể còn được sự quan tâm động viên hỗ trợ kinh phí từ chính quyền địa phương cho công tác triển khai kế hoạch tiêm chủng.
Chiến dịch tiêm phòng vắc xin phòng bệnh sởi-rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng năm 2014-2015 sẽ tiêm cho khoảng 23 triệu trẻ em từ 1 đến 14 tuổi trên toàn quốc. Chiến dịch sẽ được triển khai 3 đợt từ tháng 9/2014 đến tháng 2/2015. Mục tiêu của chiến dịch là trên 95% trẻ 1-14 tuổi được tiêm vắc xin sởi-rubella và đảm bảo chất lượng, an toàn chủng tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế.
Để tiếp tục triển khai chiến dịch đợt 2 tiếp theo đạt hiệu quả hơn nữa, Bộ Y tế đề nghị UBND các tỉnh, thành phố tiến hành sơ kết đánh giá kết quả tất cả các hoạt động đã triển khai, phân tích các thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện chiến dịch đảm bảo an toàn và hiệu quả để đưa ra những giải pháp triển khai trong những đợt tiêm chủng tiếp theo.
Các tỉnh, thành phố cần rà soát lại toàn bộ những nguồn lực phục vụ cho việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella, có kế hoạch bổ sung đầy đủ. Đối với nhân lực, các địa phương cần tiến hành xem xét số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ tham gia thực hành tiêm chủng như cán bộ khám sàng lọc, trực tiếp tiêm vắc xin cho trẻ em để bố trí đủ nhân lực cần thiết; tổ chức tập huấn bổ sung kỹ năng tiêm chủng ngay cho các cán bộ thực hiện tiêm chủng, tập huấn chuyên môn về sàng lọc, hướng dẫn, theo dõi xử trí tai biến sau tiêm chủng, đảm bảo chỉ có cán bộ có kỹ thuật thuần thục mới được tham gia tiêm chủng.
Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát tất cả những điểm tiêm chủng trên địa bàn, phân công cán bộ giám sát, kiểm tra chéo các quy trình tiêm chủng để đảm bảo an toàn tuyệt đối tiêm chủng; tăng cường hoạt động truyền thông, thực hiện việc đưa tin các hoạt động tốt, những đơn vị, cá nhân điển hình, mô hình triển khai hiệu quả để các đơn vị và địa phương khác học tập, áp dụng triển khai.