Nhiều vấn đề phát sinh từ thực tiễn
Văn hóa - Ngày đăng : 06:56, 13/11/2014
Quy hoạch phát triển báo chí - Đòi hỏi cấp thiết
Luật Báo chí năm 1989 và Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 đã tạo hành lang pháp lý cho báo chí nước ta phát triển mạnh mẽ (với 838 cơ quan báo chí) song giống như một chiếc áo quá chật, nền báo chí Việt Nam cần một Luật Báo chí mới để vừa kịp thời điều chỉnh những vấn đề nảy sinh vừa tạo động lực để hoàn thành sứ mệnh quan trọng của mình.
Số lượng cơ quan báo chí nước ta đông đảo nhưng chồng chéo về tôn chỉ, mục đích và chủ yếu tập trung ở các trung tâm lớn, đó là nhận định chung của nhiều đại biểu. Vì vậy, quy hoạch báo chí là một đòi hỏi cấp thiết. Nhiều đại biểu đề nghị đánh giá cụ thể hơn về cả mặt tích cực và hạn chế từ sự bùng nổ số lượng cơ quan báo chí như trên cũng như xem xét có nhất thiết bộ, ngành nào cũng phải có đơn vị báo chí không? Còn theo đại diện Báo Công an nhân dân, nên chăng quy hoạch "theo nhu cầu của khu vực và yêu cầu tuyên truyền"... Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son khẳng định: Quy hoạch báo chí là công việc nhạy cảm, quan trọng. Đây là một nội dung lớn của Luật Báo chí, phải được thực hiện với tinh thần làm sao để nguồn lực ấy không lãng phí, hợp lý, tinh gọn mà hiệu quả.
Bên cạnh đó, quan tâm lớn của các đại biểu là xu thế báo chí đa phương tiện đang dần hình thành, như một tất yếu khách quan, nhưng không thể không có định hướng... Việc xây dựng Luật Báo chí mới phải bao quát những nảy sinh trong xu thế này từ xây dựng nguồn nhân lực đến quản lý thông tin trên báo điện tử... Đại diện Báo Lao động chỉ rõ lượng phát hành của báo in đang đi xuống trầm trọng, nhưng báo điện tử cũng vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt không kém do sự nở rộ của thông tin điện tử hiện nay... Luật Báo chí sửa đổi năm 1999 đã có bổ sung cụm từ "báo điện tử" nhưng rõ ràng so với thực tế vẫn quá mờ nhạt. Khái niệm báo điện tử trong luật mới như các nhà báo, nhà quản lý nêu là phải hội tụ các loại hình cả phát thanh, truyền hình qua mạng internet. Nhiều trang thông tin điện tử không phải là cơ quan báo chí, nhưng có tính báo chí thì quản lý cách nào, rồi quy định về cải chính trên báo điện tử cũng phải được nêu rõ...
Một yêu cầu khác về siết chặt quản lý báo chí là quy định về cung cấp nguồn tin, quản lý cung cấp thông tin trên báo chí, trong đó một mặt phải có chế tài xử lý những trường hợp không cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí theo quy định, mặt khác phải có giới hạn chặt chẽ cho những thông tin thuộc diện bí mật quốc gia.
Quản lý để phát triển
Tham dự tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ: Cần xác định đâu là những bất cập trong hoạt động báo chí do hạn chế của Luật Báo chí và đâu là những bất cập do luật khác hoặc nguyên nhân khác. Xây dựng luật mới, giữ vững nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước nhưng cuối cùng cũng là tạo điều kiện để báo chí phát triển mạnh mẽ hơn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Nếu quy hoạch báo chí tốt, chấn chỉnh tình trạng các cơ quan báo chí xa rời tôn chỉ mục đích, nghĩa là việc tạo môi trường báo chí lành mạnh.
Xây dựng tập đoàn báo chí, vấn đề liên kết báo chí, kinh tế báo chí cũng đặc biệt quan trọng. Thực tế, câu chuyện này đã nảy sinh từ những năm gần đây, thể hiện qua các hình thức phát triển kinh tế của cơ quan báo chí, xã hội hóa trong xây dựng các chương trình mà ta hay gọi là "bán kênh", "bán sóng" hoặc làm bài PR... Đại diện Báo Đầu tư cho rằng, rất cần có chương riêng quy định về tài chính của cơ quan báo chí. Quy định được xây dựng cũng không phải để hạn chế kinh tế báo chí mà để ngăn chặn xu thế "thương mại hóa" Bộ TT-TT đã nêu, đồng thời tạo cơ chế để báo chí có thể tự lực và hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hiện nay, tại các cơ quan báo chí lãnh đạo đơn vị phải chịu áp lực lớn, quá lớn về kinh tế bên cạnh áp lực về chuyên môn.
Một dự án xây dựng Luật Báo chí mới thực tế đã được Đảng và Nhà nước ta đưa ra chủ trương từ năm 2007, giao Bộ TT-TT chủ trì. Và đây thực sự là vấn đề quan trọng không chỉ đối với lĩnh vực báo chí mà còn đặc biệt ý nghĩa đối với công tác quản lý nhà nước nói chung.