Xóa tâm lý “chạy chọt”, đi “cửa sau”

Pháp luật - Ngày đăng : 06:33, 13/11/2014

(HNM) - Ngày 11-11, CA quận Hoàng Mai cho biết đã khám phá vụ

Theo điều tra của CA quận Hoàng Mai, Trần Ngọc Quyết (SN 1953, quê tại huyện Nghĩa Hưng, Nam Định; trú tại phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng) không có nghề nghiệp cụ thể đã tìm cách liên kết cùng Phan Ngọc Thực (SN 1971, quê ở Quản Bạ, Hà Giang; trú tại phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) tạo thành bộ đôi lừa đảo chuyên nghiệp. Hai đối tượng trên đã làm giả giấy tờ có chữ ký, con dấu của quan chức Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quyết tự nhận là "Trưởng ban dự án" của Chính phủ, còn Thực là "cán bộ dự án", sắm xe đeo biển xanh 80B giả, đến nhiều địa phương có các dự án an sinh xã hội để gạ gẫm chi tiền lót tay nếu muốn có hỗ trợ từ nguồn vốn vay ODA không hoàn lại. Không dừng lại ở đó, bộ đôi này còn tìm đến các nhà thầu để gợi ý tiền "bôi trơn" nếu muốn được thực hiện dự án... Với những bộ hồ sơ làm giả tinh vi, bộ đôi này đã lừa hàng chục trường hợp, chiếm đoạt gần 100 tỷ đồng.

Đối tượng Quyết (trái), Thực (phải). Ảnh: ANTĐ


Điều đáng nói là thủ đoạn của Quyết và Thực không mới. Gần đây, cơ quan CA liên tiếp phát giác nhiều ổ nhóm đối tượng mạo danh cán bộ "cao cấp". Gắn mác quan chức, các đối tượng tội phạm một mặt đưa ra những cơ hội kiếm việc, "chạy" dự án, "chạy vốn", mặt khác đòi chi phí... Đầu năm 2014, CA tỉnh Nghệ An bắt giam Ngô Thu Lý (SN 1983, trú xã Việt Lập, huyện Tân Yên, Bắc Giang) và Giáp Văn Trung (SN 1978, ngụ xã Cao Xá, huyện Tân Yên, Bắc Giang) về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Lý vô công rỗi nghề nhưng tự giới thiệu mình là "cán bộ Thanh tra Chính phủ", có Trung là trợ lý, làm nhiều hồ sơ, giấy tờ giả của Việt Nam, Hàn Quốc, Canada để lừa những người có nhu cầu ra nước ngoài xuất khẩu lao động. Hàng chục cá nhân đã mắc bẫy, mất trắng hơn 100.000 USD...

Một cao thủ lừa đảo khác là Nông Xuân Hùng (SN 1960, quê ở huyện Bình Gia, Lạng Sơn; trú tại đường Hồ Tùng Mậu, Từ Liêm, Hà Nội). Hùng xưng danh "Trung tướng tình báo quân đội" lừa đảo hàng chục tỷ đồng của các doanh nghiệp, cá nhân… Đồng phạm với Hùng là Vũ Thị Mùa (SN 1968, trú tại Khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), tự xưng là cán bộ của Bộ Tài chính, ở "bộ phận quản lý vốn". Các đối tượng này đã đến nhiều địa phương đề nghị lãnh đạo tỉnh lập dự án để chúng bố trí "rót vốn"... Giữa năm 2014, sau khi Nông Xuân Hùng và Vũ Thị Mùa bị lật mặt, CA nhận được hàng chục đơn tố cáo của bị hại, tố số tiền bị lừa lên đến hàng chục tỷ đồng. CA cũng thu giữ hàng chục hồ sơ các tỉnh, doanh nghiệp gửi đến các đối tượng để xin "giúp đỡ" vốn...

Qua các vụ án trên, có thể thấy thủ đoạn của loại tội phạm này cơ bản giống nhau là giả danh cán bộ, công chức cấp cao, tự nhận có khả năng tham mưu với cơ quan có trách nhiệm để cấp vốn, phê duyệt dự án hoặc có khả năng "chạy" việc, "chạy" học, "chạy" án. Bên cạnh thủ đoạn tinh vi, ngụy trang kín đáo bằng giấy tờ giả, điểm yếu khiến cho tội phạm lợi dụng chính là tâm lý thích "chạy chọt", đi "cửa sau" của không ít cán bộ địa phương, cơ quan và cả doanh nghiệp. Nhiều người đã tin vào những vỏ bọc hào nhoáng, những dự án "béo bở" đến mức khó tin mà tội phạm vẽ ra.

Trong những vụ án "lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như trên, cuối cùng kẻ gian cũng sẽ lộ diện, bởi thực tế là chúng chỉ có những dự án "ma", nguồn vốn "khống", những giấy tờ chứng nhận giả, không có bất cứ khả năng "giúp đỡ" ai. Song, điều đáng lo ngại là sau khi mắc bẫy, bị hại gần như mất trắng bởi số tiền bỏ ra để "chạy" đã bị tội phạm chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân. Khi bị cơ quan CA bắt giữ, các đối tượng gần như mất khả năng khắc phục hậu quả. Làm thế nào để không xảy ra những vụ án với tính chất như trên? Điều đó phụ thuộc vào tinh thần cảnh giác của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và tinh thần cảnh giác chỉ có thể xây dựng được bằng cách xóa bỏ tâm lý "chạy chọt", đi "cửa sau"...

Tư Đô