Cần nhấn mạnh tính răn đe
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 13/11/2014
Trao đổi với báo chí về một số điểm đáng quan tâm của dự thảo luật vào chiều 12-11, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (QH) Bùi Sỹ Lợi cho rằng, luật phải nhấn mạnh tính răn đe.
Ông Bùi Sỹ Lợi. Nguồn: Internet |
- Có một thực trạng là hầu hết người lao động làm việc trong điều kiện không bảo đảm nhưng cũng không biết để đấu tranh đòi quyền bảo đảm cho sức khỏe của mình?
- Đó là một thực tế. Hầu hết vụ tai nạn lao động xảy ra là do không thực hiện đúng quy trình, quy phạm và tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn vệ sinh lao động, các chủ sử dụng lao động không huấn luyện cho người lao động. Người lao động không nắm được quy trình, kỹ thuật, dẫn tới bị tai nạn. Lỗi này trước hết thuộc về chủ sử dụng lao động. Do vậy, tôi cho rằng, luật phải nhấn mạnh tính răn đe.
- Vậy ông đã kiến nghị những vấn đề cụ thể gì?
- Ban soạn thảo cần tiếp thu và quy định được những điều sau đây về trách nhiệm của chủ sử dụng lao động. Một là, phải quy định hành vi bị nghiêm cấm với chủ sử dụng lao động; hai là, có các chế tài xử phạt nếu chủ sử dụng không tuân thủ hành vi bị nghiêm cấm và nếu xảy ra các vi phạm gây hậu quả phải xử lý theo đúng chế tài để bảo đảm tính răn đe cao.
Nhưng không thể không nhắc tới việc tuyên truyền giáo dục, huấn luyện nâng cao ý thức cho người lao động. Thấy không bảo đảm điều kiện làm việc, người lao động phải đòi hỏi quyền lợi cho mình. Nguyên tắc trước khi làm việc, chủ sử dụng phải có phương án bảo đảm an toàn, thậm chí còn phải duyệt phương án an toàn.
- Vậy ông có ý kiến gì về quy định liên quan hỗ trợ người sau tai nạn lao động muốn chuyển việc - một điểm mới của dự thảo luật?
- Lần này, dự thảo luật quy định cụ thể. Nếu chẳng may có xảy ra tai nạn lao động, đầu tiên, chủ sử dụng phải chữa chạy cho người lao động khỏi, sau đưa đi giám định, nếu mất sức từ 21% thì được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động hằng tháng. Đặc biệt, điểm quan trọng là trước đây người lao động làm được việc A, bị tai nạn mất sức lao động, không làm được việc A nữa, thì sẽ được Quỹ hỗ trợ người lao động hỗ trợ kinh phí đào tạo để chuyển đổi sang công việc khác. Quỹ bảo hiểm này do chủ sử dụng lao động đóng góp bằng 1% trên tổng quỹ tiền lương đóng. Tôi đề xuất bổ sung hai chính sách là tăng thêm quỹ này bằng cách quy định chủ sử dụng đóng cao lên; dành một phần nguồn kinh phí để tuyên truyền giáo dục phòng ngừa về an toàn vệ sinh lao động, hạn chế tai nạn xảy ra.