Chính phủ trình dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động

Đời sống - Ngày đăng : 10:51, 12/11/2014

(HNMO) – Sáng 12/11, Quốc hội đã nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật an toàn, vệ sinh lao động.


Trong tờ trình, Chính phủ cho biết, việc xây dựng Luật an toàn, vệ sinh lao động thể chế hoá mục tiêu, quan điểm, định hướng xây dựng đất nước của Đảng Cộng sản Việt Nam; bảo đảm an toàn và sức khỏe người lao động trong quá trình lao động sản xuất, nhất là người lao động trong những lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; bảo vệ sự phát triển ổn định, bền vững của doanh nghiệp thông qua việc tăng cường quyền và trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động trong công tác ATVSLĐ.

Dự án Luật gồm 7 chương, 94 điều, quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Dự luật chú trọng các hoạt động phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong công tác ATVSLĐ; tăng cường cải thiện điều kiện lao động; gắn ATVSLĐ với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững kinh tế - xã hội; đổi mới và nâng cao hiệu quả chính sách bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thông qua các hoạt động phòng ngừa, bảo đảm quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chia sẻ gánh nặng với người sử dụng lao động và xã hội...



Thẩm tra dự án luật, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội tán thành với sự cần thiết và quan điểm của Chính phủ về việc xây dựng dự án Luật. Theo Ủy ban, dự luật cần tiếp tục thể chế hóa quan điểm của Đảng, quy định của Hiến pháp và các công ước quốc tế về ATVSLĐ mà Việt Nam là thành viên nhằm hoàn thiện quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn ATVSLĐ; quyền và trách nhiệm của các bên; cơ chế tham vấn ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động và nhà nước trong việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình ATVSLĐ cho người lao động... Đồng thời, dự luật cần bổ sung các cơ chế khuyến khích và mở rộng việc áp dụng tiêu chuẩn ATVSLĐ đối với khu vực không có quan hệ lao động phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ, hướng tới mục tiêu lâu dài là mọi người lao động đều có cơ hội làm việc trong môi trường an toàn.

Cũng trong sáng nay, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi). Các nội dung được nhiều đại biểu quan tâm là về hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam và hoạt động phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Một số đại biểu đề nghị, dự thảo luật cần phân định rõ giám sát của MTTQ Việt Nam với giám sát của cơ quan dân cử mang tính quyền lực nhà nước để từ đó xác định đúng tính chất, quy mô giám sát, giá trị pháp lý của kết luận giám sát do MTTQ Việt Nam thực hiện; mối quan hệ giữa giám sát của Mặt trận với các hoạt động giám sát của các cơ quan dân cử…

H.Vân