Không nên giao Bộ GD-ĐT vừa biên soạn, vừa thẩm định sách giáo khoa
Giáo dục - Ngày đăng : 06:40, 12/11/2014
Góp ý về đổi mới chương trình SGK giáo dục phổ thông tại Đoàn TP Hồ Chí Minh, ĐB Võ Thị Dung, Huỳnh Minh Thiện nêu quan điểm phải thay đổi có lộ trình, những sách nào không dùng được nữa thì nên thay, còn sách nào sử dụng được thì tiếp tục sử dụng và đổi mới phương pháp dạy học.
Các ý kiến phát biểu cũng đồng tình với chủ trương một chương trình - nhiều bộ SGK. Song, Bộ GD-ĐT chỉ nên xây dựng tiêu chí triển khai và không nên tham gia vào việc viết SGK. Lý do được đưa ra là nếu Bộ biên soạn SGK sẽ là "vừa đá bóng, vừa thổi còi" không phù hợp với chức năng quản lý nhà nước.
Với chức năng là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, việc của Bộ là xây dựng chiến lược phát triển, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật rồi thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm. Nếu Bộ GD-ĐT vừa biên soạn SGK, vừa thẩm định SGK thì các tổ chức, cá nhân rất khó cạnh tranh công bằng. Sẽ không có tổ chức, cá nhân nào dám "đua" với Bộ.
Tại Đoàn Hà Nội, ĐB Trịnh Ngọc Thạch - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH phân tích, hiện nay chương trình SGK nặng, mang tính hàn lâm là do chỉ dồn vào một bộ quản lý. Tới đây chương trình đổi mới SGK cần quy định mềm hơn, nghĩa là nhiều tác giả có quyền viết nhiều bộ SGK khác nhau và các trường được quyền "chấm điểm", lựa chọn bộ SGK phù hợp nhất đối với học sinh và chương trình dạy của mình.
Vì thế, cơ quan nào biên soạn không quan trọng bằng chất lượng. Học sinh ở TP Hồ Chí Minh sẽ học SGK khác với học sinh ở Hà Nội. Học sinh ở Tây Nguyên học SGK khác học sinh vùng Tây Bắc… Nói chung, sẽ có nhiều bộ SGK dựa trên một chương trình học "chuẩn" chung. Những bộ SGK tập trung vào dạy kỹ năng sống nhiều hơn sẽ được nhà trường, các bậc phụ huynh, các em học sinh đón đợi chứ không đơn giản là chuyện thương hiệu.