Doanh nghiệp lao đao
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 06:33, 12/11/2014
Việc tăng mức thu tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội khiến nhiều doanh nghiệp vận tải "khóc ròng". |
UBND TP Hồ Chí Minh vừa có tờ trình gửi HĐND thành phố về việc tăng mức thu phí tại trạm thu phí dự án BOT An Sương - An Lạc (trên quốc lộ 1 đoạn qua TP Hồ Chí Minh). Theo Sở GTVT thành phố, so với mức thu hiện hành tại trạm thu phí này, mức giá điều chỉnh lần đầu vào ngày 1-1-2015 sẽ tăng 1,5 lần đối với xe dưới 12 ghế ngồi; tăng 1,33 lần đối với xe từ 12-30 ghế ngồi; tăng 1,6 lần đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên. Với xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại buýt vận tải khách công cộng sẽ tăng từ 10.000 đồng lên thành 15.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 2 đến dưới 4 tấn tăng từ 15.000 đồng lên 20.000 đồng/lượt; xe tải có tải trọng từ 4 đến dưới 10 tấn tăng từ 25.000 đồng/lượt lên 40.000 đồng/lượt); xe từ 10 tấn đến dưới 18 tấn và xe chở hàng bằng container 20 feet sẽ tăng từ 30.000 đồng/lượt lên 50.000 đồng/lượt ; xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên và xe chở hàng bằng container 40 feet thì tăng gấp đôi, từ 40.000 đồng/lượt lên 80.000 đồng/lượt.
Theo Công ty cổ phần Đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư DA BOT An Sương - An Lạc), mức tăng trên phù hợp với chủ trương điều chỉnh tăng mức phí, đồng thời để đầu tư bổ sung nút giao khác tại giao lộ quốc lộ 1/hương lộ 2 (thuộc DA BOT An Sương - An Lạc). Đây cũng là lần đầu tiên tăng, bắt đầu áp dụng từ ngày 1-1-2015 và bằng mức thu tối thiểu theo quy định của Thông tư số 159/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính.
Nhiều ý kiến cho rằng, khả năng HĐND thành phố sẽ thông qua việc tăng mức thu phí tại trạm thu phí DA BOT An Sương - An Lạc. Bởi trước đó, HĐND thành phố cũng đã cho phép điều chỉnh tăng mức thu phí tại trạm thu phí xa lộ Hà Nội và cầu Bình Triệu. Cụ thể, tăng 1,5 lần đối với xe dưới 12 ghế ngồi, xe tải có tải trọng dưới 2 tấn và các loại buýt vận tải khách công cộng; tăng 1,35 lần đối với xe từ 12 ghế ngồi đến 30 ghế ngồi, xe tải có tải trọng từ 2 tấn đến dưới 4 tấn; tăng 1,16 lần đối với xe từ 31 ghế ngồi trở lên, xe tải có tải trọng từ 4 tấn đến dưới 10 tấn.
Trước việc trạm thu phí "bủa vây" các cửa ngõ vào thành phố và đồng loạt tăng phí, lãnh đạo Công ty TNHH Giao nhận vận tải và thương mại Công Thành (chuyên về vận tải hàng hóa) như "ngồi trên lửa". Ông Trần Việt Hùng, Trưởng phòng Quản lý mảng vận tải của công ty này cho biết, hiện Công Thành có hơn 100 xe đầu kéo container đang hoạt động (bao gồm loại 20 và 40 feet), nếu theo mức phí mới, trung bình DN sẽ phải mất thêm từ 5 tới 7 triệu đồng/ngày, chưa kể nhiều loại phí khác phải đóng như bến bãi, bảo trì đường bộ... Ngược lại, chất lượng đường sá ngày càng tệ, khiến cho việc ùn ứ hàng hóa vào giờ cao điểm diễn ra thường xuyên. Việc giao nhận hàng hóa chậm trễ khiến DN bị chủ hàng phạt tiền, thậm chí cắt hợp đồng.
Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Xuân Phú, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Minh Liên (quận Bình Thạnh) than thở. "Xe càng chạy càng lỗ, thậm chí có tháng bù lỗ hàng chục triệu đồng. Bây giờ mức phí lại tăng như vậy, làm sao DN làm ăn được" nên hiện công ty chỉ có hơn 10 xe hoạt động. Theo ông Phú, việc có quá nhiều trạm thu phí cùng với tăng mức thu sẽ khiến giá cước vận tải, giá các loại mặt hàng… tăng theo.
Ông Thái Văn Chung, Tổng Thư ký Hiệp hội vận tải hàng hóa thành phố cho rằng: "Nên chăng thành phố có thể kéo dài thời gian thu phí và vẫn thu theo mức cũ để bảo đảm quyền lợi cho DN, còn "tận thu" như vậy sẽ vô tình đẩy DN đến đường cùng".
Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, nguyên tắc là xây đường để dân đi và người dân phải đóng phí. Tuy nhiên, nếu chất lượng đường xuống cấp mà vẫn tiến hành thu phí, đặc biệt là cứ tăng phí đều đều thì cần phải xem xét lại… Đặc biệt, trong giai đoạn kinh tế khó khăn hiện nay, các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh, sản xuất cần được khuyến khích và tạo điều kiện. Vậy nên Nhà nước cũng phải xét đến quyền lợi của DN để có mức thu phí phù hợp.