Chuyện “hai lúa” và “làng” khoa học “chân không chạm đất”
Công nghệ - Ngày đăng : 06:09, 12/11/2014
Cha con ông cũng chính là những người chế tạo máy bay trực thăng một thời gian dài từng làm "nóng" các phương tiện thông tin đại chúng. Câu chuyện bắt đầu từ niềm đam mê, trong một lần sang Campuchia hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân, "hai lúa" Trần Quốc Hải thấy một số xe bọc thép (BRDM 2 do Liên Xô cũ sản xuất) không khởi động được bèn bỏ tiền túi (khoảng 25.000 USD) để sửa, kết quả chiếc xe được "cải lão hoàn đồng", nhiên liệu tiêu hao ít hơn, tính năng chiến đấu cao hơn. Sau thành công này, cha con ông Hải được giao sửa thêm 10 chiếc xe bọc thép khác và nghiên cứu chế tạo một xe mới với những tính năng vượt trội... Nhận tấm Huân chương Đại tướng quân với "hai lúa" cũng nhẹ nhàng như "cày xong thửa ruộng".
Chuyện người nông dân chân đất ở những miền quê nghèo chế tạo máy nông nghiệp, máy phát điện, máy bay, tàu ngầm không còn lạ nữa, nhưng việc cha con "hai lúa" được nhận huân chương vì những cống hiến cho nền kỹ thuật của nước ngoài là điều rất đáng phải suy nghĩ. Một câu hỏi đặt ra: Không biết những nhà quản lý khoa học và những nhà nghiên cứu khoa học đón nhận thông tin này với tâm trạng thế nào? Dẫu vẫn biết mọi sự so sánh chỉ là tương đối và thành công của "hai lúa" trên đất Campuchia không liên quan đến việc có tới 80-90% máy móc, công nghệ ở Việt Nam phải nhập khẩu, 75% thiết bị đã hết khấu hao... nhưng không thể không "tâm trạng". Và chuyện doanh nghiệp chưa sản xuất được những chiếc ốc vít để đáp ứng nhu cầu của Samsung và Canon (hai nhà sản xuất đóng góp trên 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước) một lần nữa lại khiến những "trí tuệ Việt" cảm thấy nhói đau.
Bình luận về nhận định: Chúng ta có nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng không có những sản phẩm như những "nhà khoa học chân đất", một nhà quản lý nói rằng: Đó là một cách nói cực đoan và gây tác dụng tiêu cực, đặc biệt làm ảnh hưởng rất lớn đến tình cảm, tâm tư, nguyện vọng của những người làm khoa học. Vị này dám chắc rằng nếu Nhà nước giao cho các nhà khoa học, các cơ quan khoa học làm tàu ngầm, máy bay thì họ sẽ làm tốt hơn mô hình của người nông dân đang có rất nhiều... Nói như vậy hoàn toàn đúng, nhưng còn nhận định mà nhiều nhà nghiên cứu đã nêu ra như: Những vấn đề mà chúng ta chọn làm mục tiêu nghiên cứu đối với thế giới thường là quá cũ, có khi cũ đến hai, ba hoặc cũng có thể tới bốn chục năm; tên đề tài thường chung chung, không có giới hạn cụ thể; tỷ lệ kết quả nghiên cứu được ứng dụng vào sản xuất có lẽ chỉ khoảng vài ba phần trăm; hay các kết quả nghiên cứu không có tính triển khai ứng dụng, nên không được các doanh nghiệp mua, thậm chí không được đăng tải trên các tạp chí khoa học; hầu hết các đề tài nghiệm thu xong bỏ vào tủ lưu giữ trong phòng quản lý khoa học dùng làm chứng từ thanh toán, tính điểm công trình để ứng cử vào các chức danh giáo sư, phó giáo sư... Các nhà quản lý khoa học nghĩ gì?
Cũng phải nói thêm, những nhận định như vậy được đưa ra tại nhiều diễn đàn, hội thảo khoa học. Số giáo sư, tiến sĩ chúng ta nhiều nhất Đông Nam Á (theo một con số thống kê, cả nước có 24.300 tiến sĩ), nhưng phương tiện kỹ thuật nông nghiệp như máy gặt đập, tuốt lúa, diệt rầy… phần nhiều lại ra đời từ xưởng sản xuất thô sơ của những ông "hai lúa". Vì sao Nhà nước lại phải bỏ ra nhiều tỷ đồng cho những công trình, dự án khoa học chỉ để đút vào ngăn kéo tủ còn người nông dân chân đất lại trở thành những nhà "sáng chế" ở một đất nước thuần nông? Phía sau câu chuyện này là gì?
Việc nghiên cứu khoa học ở nhiều quốc gia bắt đầu từ thực tiễn và gắn bó mật thiết với sản xuất. Thường thì cơ sở sản xuất đặt vấn đề, tổ chức hoặc tài trợ cho các cơ sở nghiên cứu. Nếu nghiên cứu đạt hiệu quả thì ứng dụng, nếu không thì phải đền bù lại kinh phí theo một quy định nào đó. Thế nhưng ở nước ta, như một nhà khoa học nhận xét: Hoạt động nghiên cứu không được nuôi dưỡng bởi người mẹ của nó là lực lượng sản xuất, mà được cưu mang bởi ngân sách nhà nước, phân bổ về các cơ quan, trường, viện. Nó như một loại "bổng lộc" chứ không phải là tiền đầu tư để nghiên cứu... Điều này dẫn tới tình trạng "chân không chạm đất" nghiên cứu xa rời thực tiễn và để lại không ít hệ lụy như hiện tượng xin - cho, chạy cửa sau, tệ hại hơn là bệnh phong trào, bệnh hình thức trong hoạt động khoa học công nghệ, gây lãng phí không thể cân đong về tiền bạc.
Trở lại với câu chuyện của cha con ông "hai lúa" Trần Quốc Hải và những thành công tại Campuchia. Có thể thấy, không phải người Việt Nam nào cũng đam mê khoa học, nhưng rõ ràng, không ít người Việt Nam có tố chất, phẩm chất sáng tạo. Vấn đề ở chỗ làm sao để những phẩm chất ấy thăng hoa và chuyển thành những đề tài khoa học có khả năng ứng dụng thực tiễn. Trong hàng loạt vấn đề, không thể không nhắc đến đào tạo. Người Việt Nam dành nhiều sự quan tâm và tiền bạc cho giáo dục, nhưng trong cả giáo dục gia đình và nhà trường đang tồn tại không ít vấn đề. Với nhiều người, mục tiêu của sự học là để trở thành "người nhà nước", học để làm quan chứ không phải học để có tri thức thực tế, để biết, để làm... Lối đào tạo "tầm chương trích cú" ăn sâu vào hệ thống giáo dục tạo ra những con người thừa lý thuyết nhưng thiếu khả năng thực hành và tư duy độc lập. Kết quả là một xã hội có rất nhiều giáo sư, tiến sĩ nhưng không sản xuất nổi một cái tai nghe, sạc pin cho Samsung...
Đành rằng máy bay trực thăng, tàu ngầm của những ông "hai lúa" nếu có thử nghiệm thành công thì khả năng thương mại hóa là rất khó, nhưng vì sao sau những chiếc xe công nông, hàng chục năm nay, không có sản phẩm công nghiệp nào để lại ấn tượng đối với chính bản thân người Việt? Các mặt hàng tiêu dùng Việt Nam chìm nghỉm trong siêu thị điện máy giữa đủ kiểu hàng nhập ngoại và gần như chưa có sản phẩm nào mang thương hiệu Việt Nam được thế giới biết đến là một thực tế. Điều này cho thấy khả năng nghiên cứu, phát triển, tổ chức sản xuất và phân phối sản phẩm công nghiệp vẫn là câu hỏi rất lớn. Trách nhiệm của các nhà quản lý khoa học, nhà nghiên cứu đối với việc sử dụng đồng tiền của nhân dân như thế nào? Chỉ còn 6 năm trước cái mốc quan trọng - đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp vào năm 2020, đã đến lúc các chính sách về khoa học công nghệ của Đảng và Nhà nước phải phát huy hiệu quả trong thực tế, các đề tài nghiên cứu phải mang lại hiệu quả thực tiễn.