Không “vừa đá bóng, vừa thổi còi”

Kinh tế - Ngày đăng : 06:01, 12/11/2014

(HNM) - Khi thảo luận về dự thảo luật, nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý doanh nghiệp Nhà nước.



Đa số ĐBQH tán đồng nhiều nội dung của dự thảo luật và nhấn mạnh, dự thảo đưa ra nhiều điểm đột phá về thể chế tài chính công, song nhiều ý kiến đề nghị ban soạn thảo xem xét lại vị trí của cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng. Ảnh: Bá Hoạt


Với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đang hoạt động có cơ quan chủ quản là bộ, ngành hoặc UBND các tỉnh, thành phố, các cơ quan chủ quản này cũng đồng thời là đại diện chủ sở hữu nhà nước (đại diện vốn nhà nước) tại DN. Mô hình này nảy sinh vấn đề: Cơ quan chủ quản vừa ban hành chính sách lại vừa quản lý, dẫn tới không minh bạch và điều này không phù hợp với cơ chế thị trường. Thêm nữa, mô hình này cũng dẫn đến tình trạng cơ quan chủ quản can thiệp sâu vào hoạt động kinh doanh, tổ chức bộ máy của DN khiến DN có thể bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, thời gian gần đây, sau việc một số tập đoàn kinh tế lớn như Vinashin, Vinalines làm ăn thua lỗ, nhiều sai phạm dẫn đến các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trước đây vốn trực thuộc Chính phủ, nay được trả về cho các bộ, ngành quản lý và cũng nảy sinh một số bất cập.

Vì vậy, khi thảo luận về dự thảo luật, nhiều ĐBQH kiến nghị thành lập cơ quan chuyên trách để quản lý DNNN. Lý do, trong bối cảnh đất nước đã và đang tiến hành cải cách thể chế nói chung, cải cách thể chế tài chính công nói riêng, việc thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN sẽ tạo được sự thay đổi cơ bản trong quản lý DNNN, tách biệt chức năng quản lý nhà nước với chức năng chủ sở hữu DN. Theo ĐB Trương Văn Vở (Đoàn Đồng Nai), QH cần cân nhắc kỹ để bổ sung vào dự thảo luật việc thành lập cơ quan chuyên trách ngang bộ để làm đại diện chủ sở hữu tại các DNNN. Cơ quan này sẽ có điều kiện tập trung hơn vào việc xây dựng thể chế, chính sách, chiến lược cho DN hoạt động; từ đó, thực hiện công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước của DN, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc quản lý vốn nhà nước tại DN.

Cùng quan điểm này, ĐB Phạm Huy Hùng (Đoàn Hà Nội) phân tích, nhiều quốc gia trên thế giới đã thành lập cơ quan quản lý DNNN để tránh cơ hội lạm dụng quyền lực để chi phối cả chế tài quản trị tài chính, nhân sự, can thiệp thao túng mọi hoạt động của DN… Vì vậy, ĐB Phạm Huy Hùng kiến nghị thành lập Tổng cục Quản lý vốn nhà nước tại DN trực thuộc Chính phủ trên cơ sở nâng cấp Tổng Công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) hiện nay. ĐB Phạm Huy Hùng cho rằng, đây là việc cần làm ngay và QH không nên để khóa QH sau lại rút kinh nghiệm mới điều chỉnh. Cũng tán thành việc tách biệt chức năng quản lý nhà nước và chức năng chủ sở hữu DN, song ĐB Đỗ Văn Vẻ (Đoàn Thái Bình) đề nghị bổ sung hai khoản vào Điều 7 trong dự thảo luật gồm: Cơ quan chủ sở hữu không nhất thiết trực tiếp tham mưu, soạn thảo chính sách, không trực tiếp tham gia kiểm soát, điều tiết thị trường và thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác. Các cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp và áp đặt mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh doanh, bảo đảm quyền tự chủ kinh doanh của DN theo quy định của pháp luật.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Trong dự thảo luật, không hình thành cơ quan độc lập để thực hiện quản lý nhà nước tại các DN có vốn đầu tư của Nhà nước. Trong khi đó, vấn đề này lại có những ý kiến ĐB đề cập, cho rằng đã đến lúc phải xác định lại mô hình tập trung để quản lý vốn của Nhà nước trong tương lai. Do vậy, QH sẽ nghiên cứu lại để xem xét có hay không việc hình thành mô hình là một cơ quan quản lý nhà nước hay là một cơ quan giám sát về quản lý, sử dụng vốn nhà nước và sẽ báo cáo lại QH.

Việt Nga