Đúng hướng nhưng còn vướng mắc

Kinh tế - Ngày đăng : 06:33, 11/11/2014

(HNM) - Hệ thống ngân hàng không còn cách nào khác là phải thực hiện tái cơ cấu, loại bỏ những ngân hàng yếu.

Ồ ạt thành lập ngân hàng, không kể bộ, ngành, tổng công ty… khiến thị trường tiền tệ có thời kỳ "bội thực". Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù tăng nhanh về số lượng và tổng tài sản, hệ thống ngân hàng vẫn chưa thực sự phát triển, một bộ phận ngân hàng TMCP có quy mô nhỏ, quản trị rủi ro kém, dễ bị tổn thương. Hệ thống ngân hàng phải đối diện với nhiều rủi ro lớn, trong đó có rủi ro thanh khoản, nợ xấu và nguy cơ khủng hoảng hệ thống. Đáng chú ý là rơi tình trạng thanh khoản căng thẳng trong một thời gian dài từ cuối năm 2010 đến hết năm 2011, một số ngân hàng nhỏ gần như bị mất thanh khoản. Khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) điều chỉnh tăng các mức lãi suất chính sách để chống chọi lại với lạm phát và ổn định tỷ giá, một cuộc đua lãi suất huy động đã diễn ra. Có thời điểm lãi suất huy động liên tục vượt mức trần, từ 14%/năm đến 17-18%/năm; lãi suất liên ngân hàng duy trì ở mức trên 20%/năm trong suốt nửa đầu của năm 2011. Tiếp theo đó là tỷ lệ nợ xấu tăng cao, gây rủi ro cho toàn bộ hệ thống.

Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là hết sức cần thiết nhằm ngăn chặn rủi ro phát sinh. Ảnh: Nhật Nam


Năm 2012, NHNN đã chỉ đạo tập trung cơ cấu lại một số ngân hàng TMCP yếu kém, có nguy cơ đổ vỡ. Sau hơn 2 năm thực hiện, NHNN đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các đơn vị yếu kém. Theo lãnh đạo NHNN, việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại được tiến hành tích cực tại từng ngân hàng. Hệ thống tín dụng được bảo đảm về thanh khoản, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ hệ thống. Trong năm 2012 hầu như không xảy ra hiện tượng căng thẳng thanh khoản kể cả tại các ngân hàng nhỏ có nguy cơ mất thanh khoản trong năm 2011. Điều này được phản ánh qua số dư tiền gửi của tổ chức tín dụng (TCTD) tại NHNN luôn cao hơn so với yêu cầu dự trữ bắt buộc. Hoạt động tại thị trường liên ngân hàng đã bình thường trở lại với lãi suất giảm mạnh từ mức trên 20% xuống còn 10-12%/năm; không còn hiện tượng đua lãi suất huy động công khai. Trong quá trình tái cơ cấu, an toàn của hệ thống vẫn được kiểm soát, tiền gửi của người dân được chi trả bình thường. 9 ngân hàng nhỏ đã được đưa vào chương trình thực hiện tái cơ cấu bắt buộc thông qua các biện pháp khác nhau như hợp nhất (SCB, Ficombank, TinnghiaBank), sáp nhập (Habubank vào SHB) và tự tái cơ cấu (TienphongBank, TrustBank, Navibank, Westernbank, GP Bank) trong hai năm 2012 và 2013.

Tuy nhiên, tiến trình tái cơ cấu thời gian qua có dấu hiệu chững lại. Tốc độ xử lý nợ xấu còn chậm và tỷ lệ nợ xấu cao trong nền kinh tế vẫn chưa thực sự được đẩy lùi, liên tục tăng cao trong năm 2012 và 2013.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, quá trình tái cơ cấu còn nhiều vướng mắc. Các giải pháp triển khai trong thời gian qua chủ yếu là TCTD tự xử lý nợ xấu đã làm giảm mức độ năng lực tài chính, hiệu quả kinh doanh của TCTD trong ngắn hạn. Việc xử lý nợ xấu chậm do vướng mắc cả về thể chế và mô hình. Vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống TCTD thiếu minh bạch. Vốn điều lệ ở một số ngân hàng TMCP không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng, tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng TCTD nói riêng cũng như toàn hệ thống. Một số giải pháp tái cơ cấu mới giải quyết những vấn đề trước mắt như vận động tự sáp nhập, mua bán nhưng khó xử lý được triệt để các tồn tại. Những kết quả đạt được trong bảo đảm an toàn hệ thống TCTD chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của NHNN…

Để tái cơ cấu diễn ra hiệu quả hơn, thời gian tới, NHNN cần xử lý dứt điểm TCTD yếu kém, tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm nợ xấu và đến cuối năm 2015 còn dưới 3% tổng dư nợ. Giải pháp khác cũng cần phải thực hiện là nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế hoạt động cho Công ty Quản lý tài sản của TCTD; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với TCTD, giám sát chặt chẽ, thực chất sở hữu chéo, đầu tư chéo để xử lý kịp thời các vi phạm và ngăn chặn rủi ro phát sinh…

Đức Anh