Nhiều vấn đề cần làm rõ
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:23, 11/11/2014
Từ năm 2011, thực hiện chủ trương xã hội hóa của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho phép thí điểm thực hiện liên danh, liên kết với các tổ chức, cá nhân khai thác cơ sở vật chất sẵn có, quỹ đất (đã quy hoạch chờ xây dựng) để tăng nguồn thu, bảo đảm hoạt động, Khu LHTT đã cho "du nhập" nhiều loại hình dịch vụ gây nhiều tranh cãi. Hơn thế, qua quá trình quản lý, sử dụng cũng bộc lộ nhiều bất cập đối với cả phần đất khu quy hoạch 1/500 và khu quy hoạch 1/2000.
Khu thể thao hay khu dịch vụ?
Có nhà nằm ngay sát Khu LHTT, ông Đ.V.M, ở phường Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) bức xúc: "Khu chơi thể thao mà suốt ngày ô tô tải chở vật liệu xây dựng chạy rầm rập, bụi phủ mù mịt. Người dân ở đây kêu mãi mà trạm trộn bê tông vẫn hoạt động". Cùng chung băn khoăn này, một người bán nước ở ngay gần khu trạm trộn bê tông phản ánh: "Nhà xưởng, trạm trộn bê tông mọc lên nhan nhản khiến cảnh quan Khu LHTT trở nên lộn xộn, thiếu văn minh đô thị".
Trạm trộn bê tông của Công ty Việt - Hàn nằm giữa Khu LHTT quốc gia Mỹ Đình. |
Có thể thấy, trạm trộn bê tông mà người dân phường Phú Đô phản ánh ở trên là hình ảnh gây bức xúc nhất, vì nằm ngay giữa Khu LHTT vẫn đang hoạt động ngày đêm, ngay gần công trình thể thao hiện đại là sân vận động Mỹ Đình. Trạm trộn này là của Công ty cổ phần Xây dựng và đầu tư thương mại Việt - Hàn (Công ty Việt - Hàn) có diện tích hơn 6.000m2, nằm trên phần đất đã quy hoạch để xây dựng nhà thi đấu đa năng. Tìm hiểu được biết, Công ty Việt - Hàn đã ký với Khu LHTT thuê lại khu đất từ năm 2008 theo dạng hợp đồng thời vụ 1 năm (thuê tạm). Trả lời về những bức xúc của người dân, Giám đốc Công ty Việt - Hàn Trần Văn Phố thừa nhận: "Trước tháng 5-2014, khu vực này tồn tại hai trạm là trạm trộn bê tông của công ty chúng tôi và một trạm trộn của đơn vị khác. Vì khó khăn trong thỏa thuận giữ vệ sinh môi trường giữa hai đơn vị, nên từ tháng 5 trở về trước có xảy ra hiện tượng bẩn và bụi khiến người dân bức xúc. Từ khi đơn vị kia rút đi, chúng tôi đã thực hiện tốt việc này".
Sự bức xúc của người dân là có cơ sở, vì vào tháng 5-2014, trong biên bản làm việc giữa phường Phú Đô, lực lượng Thanh tra xây dựng, Cảnh sát môi trường với Công ty Việt - Hàn, cơ quan chức năng đã chỉ ra nhiều thiếu sót, trong đó có "giếng khoan cấp nước sản xuất chưa có giấy phép"; "Hợp đồng thu gom quản lý chất thải chưa xuất trình"... Trả lời vấn đề này, ông Trần Văn Phố đã đưa cho chúng tôi xem bản Hợp đồng thu gom chất thải được ký kết vào ngày 20-9-2014, tức là sau cuộc làm việc với các bên liên quan vào đầu tháng 5-2014, Công ty Việt - Hàn mới thực hiện nhiệm vụ này. Về giấy phép giếng khoan, ông Phố cho biết, "công ty vẫn đang làm, dự kiến khoảng 15 ngày nữa sẽ có kết quả". Đáng chú ý nhất là tại biên bản, lực lượng chức năng đã chỉ rõ: "Về pháp lý, đề án bảo vệ môi trường chi tiết của trạm trộn bê tông Việt - Hàn mới được cấp năm 2013 nhưng thực tế trạm đã hoạt động được 5 đến 6 năm nay". Biện minh thực trạng này, ông Phố nói: "Trước đây chúng tôi chưa biết việc này để làm và cũng không thấy ai đến kiểm tra. Chỉ đến khi lực lượng Cảnh sát môi trường đến làm việc hướng dẫn, chúng tôi biết là tiến hành làm ngay". Liên quan đến giấy phép xây dựng, ông Phố cho biết, do chỉ là hợp đồng tạm thuê đất (thời hạn 1 năm) nên theo quy định là không được cấp.
Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới vào chiều 7-11-2014, cũng tại khu vực quy hoạch xây dựng nhà thi đấu thể thao đa năng, bên cạnh trạm trộn bê tông đang hoạt động thì Ban quản lý Khu LHTT còn hợp đồng với một số doanh nghiệp cho thuê mặt bằng làm kho chứa hàng, sửa chữa ô tô, dịch vụ thể thao như sân gôn... Ở khu đất gần sân vận động Mỹ Đình và khu thể thao dưới nước có nhiều nhà hàng, quán cà phê, khu vui chơi trẻ em... cũng đang hoạt động nhộn nhịp.
Xã hội hóa có kèm với sai phạm?
Chiều 10-11, ông Cấn Văn Nghĩa, Giám đốc Khu LHTT quốc gia đã đưa ra hàng loạt văn bản chứng minh việc mở dịch vụ, cho thuê đất ngắn hạn là phù hợp với chủ trương chung. Ông Nghĩa nói: "Chúng tôi triển khai trên cơ sở chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, được sự đồng ý về mặt chủ trương của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội, cho phép Khu LHTT thí điểm xã hội hóa liên doanh, liên kết, kêu gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư, khai thác các loại hình dịch vụ".
Ông Nghĩa đã dẫn cụ thể Văn bản số 155, ngày 13-6-2011, thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Chủ tịch UBND TP Hà Nội: "Ủng hộ việc thí điểm thực hiện liên doanh, liên kết khai thác cơ sở vật chất, quỹ đất của Khu LHTT theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ". Sau khi hoàn thành các thủ tục pháp lý với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Tài chính và UBND TP Hà Nội, đối với các khu đất xen kẹt, Khu LHTT đã triển khai và đưa vào sử dụng các dự án liên doanh có thời hạn hợp đồng từ 15 năm đến 20 năm, tùy từng loại hình, gồm: Quần thể giao lưu văn hóa Việt - Nhật, Trung tâm Thương mại Mỹ Đình, Trung tâm Thương mại dịch vụ thể thao tổng hợp và Khu dịch vụ văn hóa, du lịch Hoa An Viên. "Đối với các khu đất đã giải phóng mặt bằng đang chờ dự án Khu LHTT cho thuê theo hình thức hợp đồng tạm thời, khi nào dự án triển khai sẽ chấm dứt vô điều kiện" - ông Nghĩa khẳng định và cho biết: "Từ việc làm này, Khu LHTT được khai thác hiệu quả, không còn hiện tượng lấn chiếm và từ năm 2012 đã tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Đặc biệt, chúng tôi đã tạo ra nguồn thu trong năm 2012-2013 đạt từ 30 đến 35 tỷ đồng/năm, đáp ứng chi thường xuyên và hằng năm chi từ 5 đến 7 tỷ đồng cho công tác duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất".
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên xoay quanh các vấn đề kể trên, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Tứ nêu quan điểm: "Trước hết, Khu LHTT phải làm đúng quy định, thực hiện đúng quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu sử dụng sai cần phải xử lý". Với quan điểm này, từ tháng 4-2014 (tính từ thời điểm thành lập quận Nam Từ Liêm) đến nay, với trách nhiệm quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, quận Nam Từ Liêm thường xuyên kiểm tra, giám sát và kiên quyết không để xây dựng mới các công trình nằm trong khu vực Khu LHTT mà không phù hợp với quy hoạch và chưa được cơ quan chức năng chấp thuận.
Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Sơn cho biết: "Vào thời điểm đầu tháng 9-2014, tại khu quy hoạch sân đua xe đạp lòng chảo, một đơn vị thuê đất của Khu LHTT đã xây dựng hai khối nhà xưởng với tổng diện tích 4.300m2. Phát hiện sai phạm, lực lượng chức năng của quận đã tiến hành lập biên bản, yêu cầu dừng thi công và dỡ toàn bộ phần đã xây dựng". Trả lời về việc này, ông Cấn Văn Nghĩa cho biết, "khu vực này được một đơn vị đã thuê theo hình thức ngắn hạn cách đây khoảng 3 năm, đến nay họ mới làm nhà tạm để kinh doanh dịch vụ. Tuy nhiên, vì năm nay là năm văn minh đô thị nên quận Nam Từ Liêm đề nghị dừng lại và chúng tôi đã chấp hành".
Vấn đề quản lý, sử dụng phần đất đã quy hoạch nhưng chưa triển khai dự án tại Khu LHTT quốc gia Mỹ Đình sẽ trở nên phức tạp nếu đơn vị được giao quản lý, sử dụng không tính đến quy hoạch chung phục vụ mục đích tối thượng là thể thao. Đây là vấn đề cốt lõi, cần được đặt lên hàng đầu và phải được chấp hành nghiêm túc. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sử dụng để tránh lãng phí là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, tuy nhiên cần tính toán dịch vụ phù hợp với Khu LHTT, liên quan đến lĩnh vực thể thao, trên cơ sở đúng pháp luật.