Xử phạt các trang mạng: Đâu là giải pháp tối ưu?

Xe++ - Ngày đăng : 19:20, 10/11/2014

(HNMO)- Vừa qua, Bộ Thông tin – Truyền thông đã tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thông tin điện tử; chấn chỉnh, lập lại trật tự và làm lành mạnh hóa môi trường thông tin điện tử tại Việt Nam.

Trang web tương tự haivl.com


Nhiều quyết định xử phạt mạnh tay

Mới đây nhất, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 929/TTra ngày 30/10/2014 đề nghị Trung tâm Internet Việt Nam tạm ngừng hoạt động từ ngày 01/11/2014 của 7 trang thông tin điện tử có nội dung vi phạm pháp luật gồm: trang www.zuum.vn của Công ty cổ phần AEG; trang www.thugian.com.vn của Công ty CP PT thương mại điện tử và công nghệ EBIZ; trang www.lamthenaoaz.vn thuộc sở hữu của ông Hoàng Ngọc Bính; các trang www.suckhoegioitinh.edu.vn, www.huongdan.edu.vn,www.suckhoedoisong.edu.vn, www.tuvantamly.edu.vn thuộc sở hữu của ông Trương Trung Kiên hoạt động như một trang thông tin điện tử và mạng xã hội mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cung cấp một số nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, mặc dù Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã ban hành các quyết định xử phạt nghiêm minh đối với 2 Công ty về hành vi đăng tải bài viết "Nếu có con trai, tôi cấm nó yêu gái Hải Phòng" trên trang thông tin điện tử megafun.vn và baomoi.com; nhưng qua công tác kiểm tra, tối ngày 29/10/2014 vẫn phát hiện trên trang thông tin điện tử http//angiang.vnpt.vn của VNPT An Giang vẫn tiếp tục đăng bài viết trên, cho thấy sự không tuân thủ quy định pháp luật về thông tin điện tử, tạo ra sự kỳ thị giữa các vùng miền, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Do đó, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 930/TTra ngày 31/10/2014 đề nghị Sở TT-TT tỉnh An Giang khẩn trương kiểm tra, xử lý nghiêm việc đưa thông tin nêu trên, báo cáo kết quả về Bộ.

Cũng qua công tác kiểm tra hoạt động thông tin điện tử trên mạng, Thanh tra Bộ TT-TT phát hiện trang thông tin điện tử với tên miền cab.vn thuộc sở hữu của ông Nguyễn Quốc Bảo, địa chỉ số 77 Trần Minh Quyền, phường 10, quận 10, TP. Hồ Chí Minh hoạt động mạng xã hội mà chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, cung cấp một số nội dung chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Xét thấy đối tượng vi phạm thuộc địa bàn và thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của địa phương, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 961/TTra ngày 06/11/2014 đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông Thành phố Hồ Chí Minh xem xét, xử lý theo thẩm quyền, báo cáo kết quả về Bộ.

Ngày 06/11/2014, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã có công văn số 1120/PTTH&TTĐT gửi Sở Thông tin và Truyền thông TP Hà Nội đề nghị tiến hành kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và có biện pháp chấn chỉnh đối với Công ty cổ phần trực tuyến NetLink, địa chỉ: Tầng 4, Tòa tháp Ngôi sao - Star Tower, đường Dương Định Nghệ, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội về hành vi vi phạm các quy định của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng. Cụ thể, qua công tác kiểm tra hoạt động thông tin điện tử trên mạng, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã phát hiện 2 trang thông tin điện tử có tên miền: www.edaily.vn và www.tinhay.vn của Công ty cổ phần trực tuyến NetLink đăng một số bài viết có nội dung không đúng sự thật, hoạt động bình luận, chia sẻ và trao đổi thông tin dưới các bài đăng; sử dụng nguồn tin không đúng quy định... Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông TP. Hà Nội báo cáo kết quả sau khi xử lý theo thẩm quyền đối với Công ty cổ phần trực tuyến NetLink về Bộ trước ngày 15/11/2014.

Theo Thanh tra Bộ TT-TT thì không có các trang web chạy thử nghiệm, chỉ có các trang thông tin điện tử có phép và các trang thông tin điện tử không phép mà thôi. Vì vậy, các trang không phép chắc chắn sẽ bị xử lý và phải dừng hoạt động.

Ảnh chụp màn hình "bản sao" của haivl.com


Đâu là giải pháp tối ưu

Việc “mạnh tay” đối với các trang web có nội dung thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống xã hội là điều chắc chắn phải làm. Tuy nhiên, việc đóng cửa một trang mạng xã hội có là giải pháp tối ưu?

Tại thời điểm rút giấy phép trang haivl, được biết trang thông tin này thu hút hàng triệu người tham gia và hàng trăm nghìn lượt người truy cập mỗi ngày. Theo thăm dò của các thành viên thường xuyên truy cập trang web này thì đây là trang thông tin giải trí thuần túy và phổ biến thông tin nhanh chóng, bên cạnh đó lại có chức năng tương tác với trang facebook nên rất hấp dẫn giới trẻ. Tuy nhiên, sau khi haivl.com bị rút giấy phép chỉ một ngày, đã có rất nhiều trang web tương tự được mở ra. Một ví dụ điển hình là trang codehaivl.com có nội dung gần như nguyên xi trang haivl.com. Chỉ có điều trang web này hiện không có chức năng tương tác cho người dùng như tự đăng ảnh hoặc bình luận mà thôi.

Theo một chuyên gia công nghệ thông tin giấu tên cho biết, hiện nay công nghệ thông tin rất phát triển, các trang web được lập ra rất dễ. Vì vậy, việc đóng cửa một trang thông tin sai phạm có lẽ mới chỉ là việc xử lý “phần ngọn”, biện pháp tức thời với hiệu quả chưa cao. Vì đóng cửa trang web này có rất, rất nhiều trang web khác được mở ra. Đôi khi việc các chủ trang web chỉ cần chuyển tên miền sang nước ngoài là điều rất có thể xảy ra, lúc đó nhà nước vừa không quản lý được nội dung, vừa thất thu thuế. Ví dụ trong lĩnh vực quảng cáo, nếu tất cả các trang web chuyển quảng cáo cho Google là Việt Nam sẽ thất thu. Do đó, để có hiệu quả lâu dài, chúng ta nên bắt đầu “xây” từ “gốc”. Nên tuyên truyền, tạo lập nền tảng văn hóa trong sử dụng internet mới hy vọng cải thiện được vấn đề này.

T.Minh