Đề nghị ưu đãi đầu tư với doanh nghiệp khởi nghiệp
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 10:59, 10/11/2014
Đầu tư sửa đổi.
Đa số các đại biểu đánh giá cao các nội dung sửa đổi của luật và cho rằng, nếu được thông qua, Luật Đầu tư sửa đổi sẽ tạo sự đột phá trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, các đại biểu còn băn khoăn về một số nội dung, đặc biệt là các quy định liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực ưu đãi đầu tư, ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh bị cấm...
Trong dự luật, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, xây dựng theo hướng: (1) Bãi bỏ một số ngành, nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện không cần thiết, không rõ mục tiêu quản lý nhà nước hoặc bị trùng lặp, đồng thời bổ sung một số ngành, nghề cần thiết; (2) Cập nhật, chuẩn xác tên gọi một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và hệ thống hóa các ngành, nghề theo nhóm lĩnh vực thay vì theo bộ, ngành quản lý nhằm phản ánh chính xác, minh bạch các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, tránh trùng lặp và tạo thuận lợi cho việc thực hiện các quy định của pháp luật về vấn đề này; (3) Xác định rõ danh mục “loại trừ” về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (gồm cả những ngành nghề theo Biểu cam kết của Việt Nam trong WTO và các điều ước quốc tế khác) nhằm bảo đảm tính minh bạch trong việc áp dụng pháp luật.
Theo tiêu chí đó, dự luật quy định 6 ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh và 272 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Điều kiện đầu tư kinh doanh cụ thể đối với các ngành, nghề này được quy định tại các luật, pháp lệnh, nghị định và được công bố công khai trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia theo quy định của Chính phủ.
Theo các đại biểu Danh Út- Kiên Giang, Phạm Văn Cường – Lào Cai, những quy định về lĩnh vực, ngành nghề ưu đãi đầu tư như dự luật còn dàn trải, chưa thật sự hướng vào những địa bàn, lĩnh vực cần ưu đãi đầu tư, phù hợp với sự phát triển của đất nước.
Về vấn đề này, đại biểu Trần Du Lịch – TP. Hồ Chí Minh cho rằng, khái niệm kinh doanh có điều kiện trong luật này hàm chứa 2 nội dung: những ngành nghề kinh doanh đảm bảo điều kiện được quy định và có giấy phép trước kinh doanh; những ngành nghề kinh doanh cam kết trước khi hoạt động đã đảm bảo đủ các điều kiện được quy định. Vì vậy, dự luật nên theo đó quy định thành 2 danh mục kinh doanh: ngành nghề có giấy phép mới được kinh doanh và ngành nghề cam kết đủ điều kiện trước khi hoạt động.
Đại biểu Lịch cũng đề nghị, ngoài quy định về ưu đãi kinh doanh theo ngành nghề, địa bàn, cần bổ sung ưu đãi cho những doanh nghiệp khởi nghiệp.
“Khởi nghiệp là cực quan trọng, ở các nước, ngân hàng đầu tư đều có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp khi khởi nghiệp”, đại biểu Lịch cho biết.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên – Tiền Giang cũng ủng hộ quy định này. Theo đại biểu Tiên, thực tế nhiều nhà đầu tư, doanh nghiệp tài ba thường khởi nghiệp từ những mảng đầu tư rất bé, nếu được hỗ trợ, động viên, ưu đãi thì họ sẽ phát triển rất tốt. Việt Nam cũng có thể ưu tiên những dịch vụ mà trong nước muốn thu hút người nước ngoài đến sử dụng, nhằm tạo ra thị trường và nguồn thu cho xã hội.
Các đại biểu Vũ Tiến Lộc – Thái Bình, Trịnh Ngọc Phương – Tây Ninh đề nghị, dự luật cần bổ sung tiêu chí các dự án phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư; danh mục ngành nghề kinh doanh mở cửa có điều kiện với nhà đầu tư nước ngoài; thời hạn chấp thuận chủ trương đầu tư với nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, một số đại biểu đề nghị bổ sung việc kinh doanh các loài pháo, tiền chất nổ, chất phóng xạ vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Tiếp thu ý kiến góp ý các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, điểm mới nhất của Luật Đầu tư sửa đổi lần này là đã thay đổi phương pháp tiếp cận khi làm luật, từ “chọn cho” (cái gì cho phép thì ghi vào luật, cái gì không cho phép thì phải xin) sang “chọn bỏ” (những gì cấm thì ghi vào luật). Đây là một phương pháp làm luật tiên tiến, minh bạch nhưng khó làm. Bộ trưởng hi vọng, sau khi được hoàn thiện, chỉnh lý và thông qua, dự luật Đầu tư sửa đổi có đem lại lợi ích cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân, vừa và nhỏ, mới khởi nghiệp, tạo cú hích mới cho nền kinh tế.
Về việc bỏ cấp phép đầu tư với tất cả các doanh nghiệp trong nước, Bộ trưởng cho biết, đây không phải là buông lỏng quản lý. Thực tế, các luật chuyên ngành khác và các luật liên quan đã quy định rất cụ thể các quy định về đầu tư nên luật này không nhất thiết phải yêu cầu các doanh nghiệp trong nước làm thủ tục cấp phép.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng, cần tiếp tục duy trì việc cấp phép đầu tư với doanh nghiệp nước ngoài, không thể có sự cào bằng giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, bởi các doanh nghiệp nước ngoài mới vào Việt Nam cần phải được kiểm soát, các nước đều quy định như vậy.
“Vấn đề là những kiểm soát của Việt Nam chính đáng, minh bạch, đồng thời rút ngắn thời gian cấp phép cho các nhà đầu tư nước ngoài xuống còn 15 ngày với sự rõ ràng, đơn giản hơn trong quy trình cấp phép, khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin, tiến tới thực hiện theo thông lệ quốc tế”, Bộ trưởng nói.
Chiều nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Doanh nghiệp (sửa đổi).