Hợp tác vì sự ổn định và thịnh vượng
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:36, 10/11/2014
An ninh ở thủ đô Bắc Kinh được siết chặt chưa từng thấy, với 22 chốt kiểm soát được thiết lập, hơn 160 đồn cảnh sát được trang bị mũ chống đạn, áo giáp… Trên mặt trận ngoại giao, Trung Quốc hết sức nỗ lực nhằm tạo ra bầu không khí đoàn kết với các quốc gia láng giềng và trong khu vực. Tất cả những chuẩn bị đó đã cho thấy nước chủ nhà đặt nhiều kỳ vọng vào thành công của Tuần lễ Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 22 (APEC 22).
Trung Quốc đã chuẩn bị rất kỹ cho APEC 22. |
Diễn ra từ ngày 5 đến 11-11 tại thủ đô Bắc Kinh, Tuần lễ APEC với tâm điểm là Hội nghị Cấp cao ngày 10 và 11, có sự tham dự của các nhà lãnh đạo 21 nền kinh tế thành viên APEC, hơn 1.500 doanh nhân đến từ 500 doanh nghiệp nước ngoài thuộc 20 nền kinh tế thành viên, 16 quốc gia và khu vực khác… Với chủ đề "Định hình tương lai thông qua hợp tác Châu Á - Thái Bình Dương", APEC 22 tập trung thảo luận ba vấn đề quan trọng hiện nay gồm: Kết nối nội khối; Hình thành khu thương mại tự do Châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP) và các nội dung hợp tác kinh tế - thương mại mới. Bên cạnh đó, những nỗ lực đẩy mạnh quan hệ thương mại nhằm tăng cường hội nhập khu vực, trong đó đáng chú ý là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng được bàn thảo tại APEC 22.
Trong các mục tiêu ưu tiên trên, tâm điểm của các cuộc thảo luận lần này vẫn là quyết tâm hiện thực hóa ý tưởng tạo lập FTAAP trong tương lai. Đây cũng là trọng tâm ưu tiên hàng đầu của nước chủ nhà Trung Quốc tại hội nghị lần này khi không ngừng kêu gọi các nhà lãnh đạo APEC ra cam kết thành lập FTAAP vào năm 2025. Trong bối cảnh APEC đang chi phối 50% GDP toàn cầu, việc FTAAP được hình thành sẽ là đối trọng của TPP. Tuy nhiên khi triển vọng kết thúc các cuộc đàm phán TPP vẫn chưa chắc chắn vì Mỹ và Nhật Bản chưa đạt được nhất trí về thuế và thương mại ô tô, mối quan tâm lớn của Mỹ cũng như các nước đang đàm phán TPP lại là những thỏa thuận có thể đạt được trong khuôn khổ APEC lần này. Hiện có 12 quốc gia tham gia đàm phán TPP, trong đó có Nhật Bản và Mỹ nhưng không có Trung Quốc. Một khi TPP trở thành hiện thực sẽ tạo lập một khu vực thương mại tự do chiếm gần 40% GDP toàn cầu và giữ vai trò quan trọng về mặt chính trị trong chính sách xoay trục sang Châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Mỹ Barack Obama.
APEC 22 diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa đặc biệt khi diễn đàn kỷ niệm tròn 25 năm thành lập và 20 năm thực hiện mục tiêu Bogor về tự do hóa thương mại và đầu tư. Theo đó, APEC sẽ trở thành một khu vực mở và tự do về thương mại và đầu tư với tất cả các nền kinh tế thành viên vào năm 2020. Có thể thấy sau 1/4 thế kỷ, APEC tiếp tục khẳng định vị thế là diễn đàn hợp tác kinh tế quy mô lớn nhất, góp phần thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết kinh tế trong khu vực. Với 12 thành viên từ khi thành lập năm 1989 theo sáng kiến của Australia, đến nay "đại gia đình" APEC đã có 21 nền kinh tế thành viên, trong đó hội tụ hầu hết các nền kinh tế năng động nhất Châu Á - Thái Bình Dương - khu vực đại diện cho khoảng 40% dân số thế giới và 44% thương mại toàn cầu.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang dẫn đầu Đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao APEC từ ngày 9 đến 11-11 theo lời mời của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. 16 năm qua kể từ khi gia nhập APEC, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp thúc đẩy hợp tác APEC, là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 80 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực. Việt Nam đã đề xuất và được thông qua 9 sáng kiến để triển khai trong năm 2015. Trên tinh thần đó, Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò trong APEC, đặc biệt phối hợp với các thành viên khởi động chuẩn bị đăng cai Năm APEC 2017 tại Việt Nam. Điều đó sẽ giúp Việt Nam triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về Châu Á -Thái Bình Dương.
Hơn 6 năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, kinh tế thế giới đang dần hồi phục. Dù nhiều nền kinh tế APEC tiếp tục được coi là trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, song nhiều chuyên gia cho rằng Châu Á - Thái Bình Dương vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức mới. Trong bối cảnh đó, để tiếp tục giữ vững vai trò dẫn dắt sự phát triển của con tàu thế giới, các quốc gia thành viên APEC cần có sự hợp tác thực sự trên các lĩnh vực vì mục tiêu chung là sự ổn định, thịnh vượng của khu vực và thế giới.