Tùy tiện và vô trách nhiệm
Xã hội - Ngày đăng : 05:54, 10/11/2014
Từ diễn đàn hay tại các cuộc phỏng vấn “bên lề” Quốc hội đến ngoài đường phố, trong công sở, lãnh đạo cấp cao của Thủ đô, cho đến người dân, du khách nước ngoài đang có mặt tại Hà Nội đã nêu chính kiến về vấn đề này. Những phản ứng mang tính phản bác trực diện đối với thông tin từ bảng xếp hạng nói trên đã được truyền thông đăng tải, nhìn chung đều thể hiện quan điểm “không thể chấp nhận được” đối với cách đánh giá thiếu khách quan của trang TripAdvisor.com về Hà Nội - Thủ đô Anh hùng, Thành phố Vì hòa bình - cũng như sự dẫn lại thông tin một cách thiếu trách nhiệm nói trên của một số cơ quan truyền thông.
Sai lầm lớn nhất của những người điều hành một số trang thông tin trong nước là dẫn lại thông tin của TripAdvisor.com vốn có từ cách nay 5 năm - khoảng thời gian đủ dài để thông tin mà nó đăng tải không còn giá trị thực tế nữa. Ngay cả những người chưa từng đến Hà Nội trong những năm gần đây, không được chứng kiến sự thành công của chính quyền thành phố trong việc triển khai công tác phòng chống tội phạm, cải thiện môi trường kinh tế - xã hội nói chung và môi trường du lịch nói riêng, cũng có thể đưa ra nhận định này mà không sợ rằng mình nói sai.
Sai lầm lớn nói trên liên quan đến một sai lầm khác, trầm trọng không kém, có từ cách nay 5 năm, khi TripAdvisor.com quyết định đăng tải thông tin có thể gây ảnh hưởng lớn tới hình ảnh của một thành phố thủ đô của một quốc gia mà không đưa ra được dẫn chứng, số liệu đủ độ tin cậy về cái gọi là nạn móc túi ở Hà Nội - hàm nghĩa trầm trọng. Vào năm 2014, 5 năm sau khi thông tin cũ rích và số liệu, dẫn chứng không mang tính đại diện - điều cốt tử mà phía điều tra, khảo sát cần phải hướng tới, phải đạt được bằng mọi giá - được đưa ra, bức tranh về nạn móc túi ở Hà Nội - Việt Nam cũng như nhiều nơi khác được dẫn lại, có thể bị ném vào sọt rác chỉ sau một ý kiến phản bác dựa trên số liệu đơn giản nhưng giàu sức thuyết phục. Theo số liệu của cơ quan chức năng được truyền thông dẫn lại trong ít ngày qua thì trong gần một năm đã qua, tại Hà Nội, “tình hình hoạt động tội phạm nói chung đã giảm 4,7%, riêng trọng án giảm 27%; hoạt động của các loại tội phạm ở địa bàn công cộng cơ bản được kiềm chế, không nảy sinh phức tạp, không tạo thành điểm nóng về an ninh trật tự trên địa bàn thành phố”… Người ta sẽ thích đọc và tin vào số liệu được cung cấp bởi một vị tướng công an, người giữ trọng trách bảo đảm an ninh an toàn trên địa bàn Thủ đô Hà Nội và có thể đưa ra thông tin tổng thể mang tính đại diện, hay tin vào một bảng xếp hạng dựa trên sự tổng hợp ý kiến “một bề” của ai đó đăng tải trên internet rồi nhét chúng vào kết quả?
Hà Nội, cũng như bất cứ nơi nào trên thế giới này, chắc chắn còn tồn tại nạn móc túi, còn có những người, vì nhiều lý do khác nhau, nảy sinh trong đầu ý tưởng xấu là “cầm nhầm” của người khác. Nhưng, vấn đề là vấn nạn đó được biểu hiện như thế nào? Tồn tại trong một nhóm nhỏ hay nhiều băng đảng trên phạm vi toàn bang, tỉnh, thành phố, cả quốc gia? Nó diễn ra trong những thời điểm cụ thể, bối cảnh cụ thể, dựa trên điều kiện cụ thể hay thường xuyên, liên tục bất kể lý do, như một căn bệnh mãn tính? Vấn nạn đó có sự thuyên giảm hay tăng lên theo thời gian?...
Giới quan sát chỉ ra rằng các tổ chức xếp hạng chắc chắn phải đề ra hệ tiêu chí nghiêm ngặt cho công việc này, bảo đảm cho việc đánh giá một đối tượng xếp hạng có được kết quả chính xác - đồng nghĩa với việc nâng cao uy tín của tổ chức xếp hạng cũng như mức độ tin cậy dành cho thông tin mà họ đưa ra. Với những tổ chức xếp hạng uy tín, các bảng xếp hạng tồn tại hữu hạn, được bổ sung bởi những bản đánh giá hằng năm hoặc theo chu kỳ 3 năm - được cho là thời hạn tối đa để bảo đảm kết quả xếp hạng còn đủ độ tin cậy. Trong quá trình này, “thảm họa” đối với phía xếp hạng, bình chọn là nguồn thông tin phục vụ cho việc đánh giá thuộc dạng “vụn vặt”, không rõ nguồn, được tập hợp một cách thiếu khách quan và không minh bạch. Hơn nữa, thực tế cho thấy là nhiều khi hoặc cùng lúc có nhiều tổ chức cùng tham gia vào việc bình chọn, xếp hạng đối với một dạng sự kiện, địa danh, nhân vật, vấn đề là họ tuân theo hệ tiêu chí khác nhau, ít nhiều dẫn đến tình trạng “loạn thông tin”. Chẳng hạn, liên quan đến Việt Nam, gần đây, một số địa danh của chúng ta như Hà Nội, Hội An, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh, Vịnh Hạ Long…, liên tục được nhắc tới trong nhiều bảng xếp hạng, bình chọn. Nào là “20 điểm đến hấp dẫn nhất thế giới”, “25 điểm đến tại Châu Á được du khách yêu thích nhất”, “Các thành phố kênh đào nổi tiếng thế giới”, nào là “10 nước hạnh phúc nhất thế giới”… Trong trường hợp đó, khi các bảng xếp hạng tương tự được đưa ra, phía tiếp nhận cần phải đủ tỉnh táo để chọn ra thứ thông tin chính xác, không gây “tác dụng phụ”. Giờ đây, ta biết rõ điều này qua “sự kiện TripAdvisor”.
TripAdvisor.com liệt điểm đến Thủ đô Hà Nội vào một bảng xếp hạng “đen tối”, tuyên “án treo” đối với ngành du lịch của một thành phố lớn có tới hơn 5.000 di tích - danh thắng và một nền văn hiến được tô điểm, bồi đắp qua hàng nghìn năm mà không dựa trên chứng lý đủ sức thuyết phục. Bằng cách đưa lại thông tin nói trên, vào thời điểm sau khi nó xuất hiện 5 năm, một số phương tiện truyền thông trong nước và ở nước ngoài đã thể hiện cách nhìn nhận vấn đề thiếu trách nhiệm, thậm chí với dụng ý xấu. Cách thông tin ấy không chỉ khiến Hà Nội bị hiểu khác đi so với những gì diễn ra trong thực tế, mà còn khiến người theo dõi những tờ báo, trang mạng này phải xét lại sự quan tâm, độ tin cậy mà mình đã dành cho nó. Người ta buộc phải tự hỏi mình rằng những hoạt động dựa trên nguyên tắc nào, đưa thông tin khách quan, chính xác hay theo ý mình, cốt sao “câu view” hiệu quả, hoặc xấu hơn nữa là chủ ý bôi nhọ? Nếu nguyên tắc mà họ chủ trương thuộc vế thứ nhất thì vì sao có chuyện Hà Nội cùng TP Hồ Chí Minh của Việt Nam vừa được chính TripAdvisor.com đưa vào “tốp” những điểm đến hấp dẫn của Châu Á cách nay chưa lâu, giờ lại bị đưa vào “sổ đen”? Chúng ta sẽ tự giải đáp câu hỏi này một cách dễ dàng, đưa ra kết luận về độ tin cậy của thông tin mà một số báo trong nước dẫn lại từ TripAdvisor.com khi biết rằng khi xét “tốp” điểm đến hấp dẫn của khu vực hay thế giới nói chung, hệ tiêu chí đánh giá chắc chắn có yếu tố liên quan đến tình hình an ninh trật tự, mức độ an toàn. Hà Nội lắm “đạo chích”, “trộm cắp như rươi” thì làm sao “lọt tốp” điểm đến hấp dẫn của Châu Á, làm sao mà cách đây ít lâu trang Business Insider của Mỹ lại xếp Việt Nam vào vị trí thứ 16 trong tốp 20 điểm đến đáng sống nhất thế giới nếu Thủ đô thiếu an toàn đến vậy? Làm sao Việt Nam có tên trong danh sách “Những điểm du lịch an toàn nhất thế giới”?
“Sự kiện TripAdvisor” gây phản ứng chắc chắn không phải do đưa ra thông tin “không đẹp” liên quan đến Việt Nam, mà do sự tiếp nhận thông tin một cách vô tội vạ của một số trang mạng, cơ quan báo chí. Đã đến lúc xem xét đúng mức về sự bùng nổ trào lưu bình chọn, xếp hạng địa danh, sự kiện, vấn đề, nhân vật…, và sự ảnh hưởng của nó đối với sự phát triển nói chung, cũng như trách nhiệm của các cơ quan truyền thông trong nước.
Khi truyền thông đưa thông tin xấu về du lịch, liên quan đến du lịch, hẳn nhiên nó có tác động không có lợi cho mảng công tác này. Các cơ quan báo chí, hơn ai hết, cần nhận thức rõ hiệu ứng từ thông tin mà mình nêu ra. Với một bảng xếp hạng “không vui” mà trong danh sách có tên Việt Nam hay một tỉnh, thành phố, nhân vật nào đó, nếu thông tin chuẩn xác, sự xếp hạng, bình chọn mang tính khách quan, chúng ta tiếp nhận nó như một gợi ý chân thành về sự cần thiết phải tiếp tục tìm giải pháp nhằm gây dựng một xã hội ngày một thêm tốt đẹp. Với một bảng xếp hạng mà đọc nó, thấy tên Việt Nam kèm cảm giác hãnh diện, ta có thể trấn tĩnh và tự coi đó như kênh thông tin tham khảo, tự hỏi sao cái tên Thủ đô Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hội An, Đà Nẵng, Sa Pa… chưa ở vị trí tốt hơn, cần làm gì để có được điều đó thay vì thỏa mãn và “rung đùi chờ sung rụng”. Rất tiếc là với thông tin từ TripAdvisor.com và sự “tiếp tay” nhằm lan truyền thông tin thiếu chính xác, Hà Nội có tên trong cả bảng xếp hạng “đẹp” và “chưa đẹp” nhưng chúng ta không thể thu nhận bài học gì từ đó, cả với ý tự hào lẫn phê và tự phê sau sự kiện liên quan đến “bảng xếp hạng móc túi”.
Sau “thảm họa” truyền thông nói trên, hồi chuông cảnh báo đối với việc tiếp nhận, lan truyền thông tin liên quan đến các bảng xếp hạng cũng như hiệu ứng từ đó đã được gióng lên một cách quyết liệt. Những cơ quan truyền thông đã tham gia vào quá trình lan truyền thông tin không chính xác sẽ có được bài học cần thiết cho mình, chịu sự phán xử của pháp luật và bạn đọc. Sau thông tin dẫn lại về “bảng xếp hạng móc túi” của một số cơ quan truyền thông trong nước, một lần nữa vấn đề quản lý hoạt động của các cơ quan báo chí, đặc biệt là các trang thông tin điện tử, lại được đặt ra, cho thấy cần phải được đẩy mạnh hơn nữa. Điều quan trọng là vào lúc này, cần phải có giải pháp hạn chế luồng thông tin nhảm nhí chỉ nhằm mục đích “câu view” trên các trang tin điện tử, ngăn chặn xu hướng thông tin giật gân, bôi xấu hình ảnh cá nhân và tổ chức nhà nước. Hạn chế cấp phép đối với trang tin điện tử mới là một giải pháp không tồi, nhưng quan trọng hơn là xử lý thích đáng những đơn vị truyền thông đại chúng đưa tin sai sự thật với dụng ý xấu, “đóng cửa” đối với những trang tin điện tử đang chủ trương lấy thông tin giật gân, những “cướp, giết, hiếp” làm tiêu chí cho sự tồn tại của mình.