Trị bệnh vô cảm
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:52, 10/11/2014
Trong cuộc họp đột xuất chiều 7-11, một ngày sau khi xảy ra tai nạn, Bộ trưởng Bộ GT-VT Đinh La Thăng đề nghị có hình thức kỷ luật đối với ông Phạm Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Công trình giao thông 1 (Cienco 1) - nhà thầu thi công, vì "thái độ vô cảm", lý do là khi tai nạn xảy ra ông này vẫn họp giao ban, dù Bộ trưởng đã trực tiếp yêu cầu có mặt tại hiện trường.
Dư luận đồng tình với nhận định của Bộ trưởng Thăng, nhưng cũng cho rằng trong vụ việc này đánh giá "vô cảm" cần áp dụng không chỉ với cá nhân ông Dũng. Bởi nếu các bên liên quan không thờ ơ với nhắc nhở trước đó của cơ quan chức năng mà có biện pháp bảo đảm an toàn thi công trước khối lượng hàng nghìn tấn sắt thép, bê tông trên cao bất cứ lúc nào cũng có thể gây tai họa cho người tham gia giao thông bên dưới thì tai nạn thảm khốc đã không xảy ra.
Hai chữ "vô cảm" của Bộ trưởng Bộ GT-VT dùng đã gợi lên một nỗi bức xúc trong dư luận. Lâu nay đã có nhiều ý kiến phê phán thái độ vô cảm của một bộ phận không nhỏ trong xã hội. Đơn cử như trên mạng internet thỉnh thoảng xuất hiện một clip nữ sinh đánh nhau, cấu xé, lột quần áo giữa thanh thiên bạch nhật nhưng những người xung quanh không hề can thiệp, có người còn quay clip tung lên mạng, bình luận đôi câu..., thản nhiên cứ như chuyện thường ngày vốn thế! Tình trạng một bộ phận giới trẻ ngang nhiên vượt đèn đỏ, lạng lách…, coi thường pháp luật, coi thường tính mạng mình và những người xung quanh có phải vì họ vô cảm hay không? Trên xe buýt không ít thanh niên chễm chệ ngồi ghế, phớt lờ người cao tuổi, phụ nữ, trẻ em phải đứng xung quanh, bất chấp ánh nhìn coi thường của người nước ngoài (nhất là trên xe buýt đón khách từ phòng chờ ra máy bay và ngược lại)... Đáng báo động là gần đây, những biểu hiện như vậy không còn là hiện tượng đơn lẻ nữa.
Phải khẳng định rằng, những biểu hiện ấy chính là thái độ vô cảm, gọi cho đúng là bệnh vô cảm, xuất phát từ lối sống ích kỷ, vô trách nhiệm, suy thoái về đạo đức... Đáng nói là bệnh vô cảm ngày càng phổ biến trong đời sống, đặc biệt nguy hiểm hơn khi gần đây xuất hiện những biến tướng mới. Đó là sự vô cảm trong thực thi công vụ, cụ thể là thái độ thờ ơ trước những bất công, bất cập trong cuộc sống; dửng dưng trước bức xúc, nỗi đau của người dân; đó còn là lối nghĩ và lối làm việc vụ lợi, "sống chết mặc bay"... của không ít cán bộ, công chức. Việc ngày càng có nhiều án oan, khiếu kiện kéo dài cũng có nguyên nhân từ bệnh vô cảm của một số cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, thực thi công lý. Nếu nhân viên y tế không vô cảm, từ chối cấp cứu bệnh nhân (chỉ vì người nhà chưa đóng viện phí!), nếu xe cứu thương không từ chối chở nạn nhân đi cấp cứu thì không ít người đã được cứu sống kịp thời. Một số ngành, địa phương còn có chuyện cán bộ xà xẻo tiền cứu trợ, thậm chí có nơi trong khi dân đang mất trắng tài sản, bị đe dọa tính mạng vì thiên tai, bão lũ thì các "công bộc" bày chuyện ăn nhậu... Nhân đánh giá của Bộ trưởng Đinh La Thăng đối với Chủ tịch Cienco 1, cũng phải nói thêm rằng đây không phải biểu hiện vô cảm đầu tiên trong ngành GT-VT, và cũng không phải lần đầu Bộ trưởng đánh giá cấp dưới như vậy. Nhiều người vẫn nhớ chuyện lãnh đạo ngành đường sắt mất chức vì mải chơi golf, vô cảm trước thực tế "con tàu" Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam rất ì ạch, yếu kém, đời sống người lao động vô cùng khó khăn... Vài tháng trước, đối thoại qua cầu truyền hình trực tiếp với các đơn vị trong lĩnh vực cảng, vận tải biển, logistic, "tư lệnh" ngành GT-VT cũng đã thẳng thắn phê bình cán bộ "vô cảm trước những khó khăn của doanh nghiệp".
Vì mang tính xã hội nên bệnh vô cảm dễ có nguy cơ trở thành "dịch", làm xói mòn nền tảng đạo đức, sụt giảm niềm tin, đặc biệt là gây họa cho xã hội và kìm hãm sự phát triển của đất nước. Để phòng ngừa, ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này phải tạo ra một môi trường xã hội lành mạnh, do đó các cơ quan chức năng, các nhà trường và mọi tầng lớp nhân dân phải đồng lòng, quyết tâm xây dựng văn hóa ứng xử văn minh thanh lịch; đặc biệt phải tăng cường giáo dục đạo đức, xây dựng lối sống có trách nhiệm với cộng đồng. Đối với bệnh vô cảm trong đội ngũ cán bộ, giải pháp cấp thiết là phải đẩy mạnh cải cách thể chế trong đó có cải cách hành chính, có chế tài buộc công chức, viên chức phải gắn bó, trách nhiệm với chức phận của mình, đồng thời kiên quyết loại bỏ những "con sâu", "con bệnh đã hết thuốc chữa" để làm trong sạch bộ máy.