HLV Đổng Quốc Cường: Người thầy “lập dị”
Thể thao - Ngày đăng : 07:33, 09/11/2014
Thưởng cho học trò chóng mặt
Trước khi lên đường dự Asian Para Games 2014, HLV Đổng Quốc Cường đã nói với các học trò: "Kỳ này sang Incheon (Hàn Quốc), đứa nào được HCV, thầy thưởng cho xe máy của thầy". "Xe của thầy cũ quá" - kình ngư Võ Thanh Tùng trêu. "Thế thì thầy thưởng cho mỗi HCV 10 triệu đồng". Sau khi giành 2 HCV, Võ Thanh Tùng gặp thầy nhắc khéo về vụ khen thưởng 10 triệu đồng/HCV. Thầy Cường bảo: "Ơ thằng này, thầy hứa là hứa thiệt đó nghe. Tài khoản của thầy coi như bị trừ 20 triệu đồng. Con cùng mấy đứa nữa ráng lên"…
Thầy trò HLV Đổng Quốc Cường và Võ Thanh Tùng, VĐV giành 5 HCV bơi lội tại Asian Para Games 2014. |
Hôm Võ Thanh Tùng cùng HLV Đổng Quốc Cường ra Hà Nội nhận giải thưởng VĐV khuyết tật Asian Para Games 2014, gặp tôi Võ Thanh Tùng kể chuyện ở Asian Para Games 2010 tại Quảng Châu (Trung Quốc); HLV Đổng Quốc Cường họp đội, hứa thưởng chiếc Nouvo cáu cạnh cho kình ngư nào đoạt HCV. Á vận hội NKT kỳ đó, Võ Thanh Tùng đã "ẵm giải" của thầy khi đoạt 1 HCV (và 1 HCB). Tôi hỏi HLV Đổng Quốc Cường: "Tính ra ở Asian Para Games 2014, thầy thưởng cho các học trò 70 triệu đồng rồi còn gì. Paralympic 2016 sẽ là phần thưởng gì cho các học trò đây?". "Con trai, đứa nào giành huy chương, thầy sẽ giới thiệu cho bạn gái ngoan, dễ thương. Còn học trò nữ đoạt giải, thầy sẽ giới thiệu cho bạn trai nam tính, biết xây nhà". Võ Thanh Tùng cười trêu thầy: "Hay thầy cứ thưởng hiện vật đi. Chứ thầy làm ông tơ, nhỡ hỏng việc thì bọn con lỗ quá". "Cái thằng này, chỉ thế là nhanh. Ráng lấy sức hai năm nữa tranh tài ở Brazil, được huy chương thì muốn gì thầy cũng thưởng" - Thầy Cường vui vẻ.
HLV Đổng Quốc Cường tâm sự: "Tôi thưởng như vậy thấm gì đâu. Tiền thưởng của tôi ở các giải đấu cũng nhờ Võ Thanh Tùng, Nguyễn Thành Trung, Bích Như… mang lại. Đó là công lao của các học trò, là mồ hôi công sức của bọn trẻ. Bọn chúng đã khuyết tật rồi, không cho chúng thêm thì thôi, sao nỡ lấy của chúng. Có người hỏi tôi: Thầy thưởng nhiều như vậy không sợ cháy túi sao? Tôi bảo có cháy túi cũng không vấn đề gì. Học trò đoạt huy chương thì tôi phấn khởi, rút ví liền".
"Ông tơ" mát tay
Đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi thể thao NKT mới manh nha ở Việt Nam, HLV Đổng Quốc Cường, khi đó là giảng viên Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh, kiêm cộng tác viên cho Trung tâm TDTT quận Tân Bình đã ấp ủ ước mơ dạy bơi cho NKT. Nhớ lại chuyện cách đây gần 20 năm, HLV Đổng Quốc Cường tâm sự: "Hồi đó, ra đường cứ phải quan sát những người bán vé số ngồi xe lăn, nhìn kỹ từng động tác, cử chỉ, cơ bắp của họ, xem anh nào có vẻ "ngon" là tôi lân la mua vé số vài ba lần, rồi gợi chuyện, mời đi tập bơi. Có đứa hỏi: Tập có tiền không? Mới tập chưa có tiền, nhưng sẽ có tương lai. Nghe tôi nói vậy, mấy đứa chịu liền".
Đưa các học trò lên đỉnh cao vinh quang nhưng trong thâm tâm, thầy Cường vẫn trăn trở một điều, sau này bọn trẻ sẽ ra sao, không lẽ cứ ngày ngày đi xe lăn bán vé số rồi sống đơn lẻ trong mấy mét vuông? Trong đầu HLV Đổng Quốc Cường nung nấu ý nghĩ, phải chủ động ghép đôi cho bọn nhỏ thôi, đứa ngồi xe lăn sẽ ghép với VĐV đi lại bình thường; con gái khuyết tật nặng ghép với VĐV nam khuyết tật nhẹ… Để thực hiện ý tưởng trên, HLV Đổng Quốc Cường chủ động thu xếp giờ luyện tập cho các đôi ông nhắm thấy ưng ý, rồi từ những câu trêu đùa tếu táo, đến những lần tâm sự rất thật của thầy với trò, nhiều học trò của ông đã nên vợ, thành chồng.
HLV Đổng Quốc Cường đùa vui: "Tớ có hai nghề. Nghề tay phải là dạy bơi. Nghề tay trái làm ông tơ". "Thế với nghề tay trái, thầy có mát tay không?". "Cũng tàm tạm. Trung bình một năm, qua sự mối lái của tôi lại có một học trò nên duyên vợ chồng. Thế nhưng tôi cũng phải căn dặn các học trò cảnh giác, đừng để người ngoài lợi dụng chuyện tình cảm làm điều thị phi".
Có bận, HLV Đổng Quốc Cường biết chuyện có người lợi dụng sự thiếu thốn tình cảm của các nữ học trò, tính làm chuyện bậy, thầy gọi đám học trò lên, nói thẳng: "Từ giờ trở đi, nếu các con có bạn trai thì phải kêu lên gặp thầy. Nếu anh nào không lên gặp thầy thì các con phải cảnh giác". Quả nhiên có đứa không lên gặp tôi, sau đó "lặn một hơi không sủi bọt".