Cần thiết và cấp thiết
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 09/11/2014
"Nóng" bởi đây là một dự án mang tầm cỡ quốc gia, có mức kinh phí đầu tư lớn nhất trong những năm gần đây; "nóng" bởi những ý kiến đa chiều, phong phú xung quanh tính khả thi của dự án... Cái "nóng" trên nghị trường đã lan tỏa ra xã hội bởi siêu dự án có tổng vốn đầu tư lên tới hơn 18 tỷ USD không chỉ tác động đến nền kinh tế của đất nước trong nhiều năm tới, mà còn ảnh hưởng tới chuyện "cơm áo gạo tiền" của mỗi gia đình Việt Nam.
Mức độ cần thiết của sân bay Long Thành đối với sự phát triển của ngành hàng không trong tương lai, những hệ lụy có thể đến từ một dự án lớn trong bối cảnh nợ công đang muốn vượt ngưỡng an toàn... Nhiều vấn đề đã được bàn thảo và hàng loạt câu hỏi được đưa ra: Dự án này có tác động xã hội như thế nào? Khi ngân sách đang phải co kéo, "giật gấu vá vai", liệu đổ vào sân bay Long Thành một lượng tiền lớn đến như vậy có thỏa đáng không?... Dư luận dõi theo diễn biến nghị trường với không ít tâm tư. Tựu trung có hai câu hỏi lớn: Thứ nhất, những khoản nợ công mà mỗi người dân đang phải gánh (khoảng 1.000 USD) sẽ tăng thêm bao nhiêu? Thứ hai - quan trọng hơn, siêu dự án này có phải là vấn đề cấp thiết đối với nền kinh tế ở thời điểm hiện tại?
Cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều phương án huy động nguồn vốn cho dự án (từ doanh nghiệp, từ ngân sách nhà nước, từ vốn vay...), nhưng dù thế nào thì Nhà nước cũng gánh trách nhiệm (Nhà nước bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn hay vay vốn ODA) và nợ nần vẫn đè nặng lên vai mỗi người dân. Cũng rất có thể gánh nặng nợ công ấy sẽ lớn hơn trong tương lai, bởi thực tế đội vốn đã trở thành căn bệnh trầm kha của các dự án hạ tầng giao thông (dự án đường sắt đô thị là một ví dụ điển hình...). Một khi chưa tìm được thuốc đặc trị cho căn bệnh này hoàn toàn có thể nhìn thấy cái gì sẽ đến với một siêu dự án. Người dân chỉ sẵn sàng chia vai gánh nợ nếu dự án là thật sự mang tính cấp thiết và mang lại hiệu quả trong việc hỗ trợ phục hồi nền kinh tế - vốn là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.
Hạ tầng giao thông phải đi trước một bước, thiếu quyết đoán trong từng thời điểm cũng có nghĩa là đánh mất cơ hội ở thời điểm đó, nhưng nếu đặt lên bàn cân không thể không đắn đo. Ở thời điểm hiện tại, những chuyên gia lạc quan nhất cũng phải thừa nhận một thực tế là nền kinh tế nước nhà vẫn chứa đựng rất nhiều yếu tố bất ổn. Số doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng hay phá sản chưa có dấu hiệu dừng lại... Vậy, nên đổ lượng tiền lớn vào một siêu dự án mà sau nhiều năm mới đi vào hoạt động, hiệu quả đầu tư vẫn là câu hỏi gây tranh cãi..., hay dốc toàn bộ nguồn lực có thể để thúc đẩy hồi phục nền kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng? Xây dựng sân bay Long Thành là cần thiết nhưng có phải vấn đề cấp thiết trong bối cảnh kinh tế đất nước còn quá nhiều khó khăn? Người dân có đồng thuận với việc thực hiện siêu dự án ở thời điểm hiện tại hay không có lẽ cũng không phải bàn thêm.
Đất nước còn nghèo, nguồn lực có hạn, không thể cứ thiếu cao tốc là đưa ra đề án làm đường cao tốc, thiếu nhà thi đấu là lập dự án xây nhà thi đấu... Nguồn vốn của đất nước, cũng là nguồn lực của nhân dân, phải được sử dụng một cách hiệu quả để phục vụ nhân dân. Tập trung nguồn lực đầu tư để phục hồi tiềm lực của đất nước, giảm khó khăn cho doanh nghiệp, bớt gánh nặng "cơm áo gạo tiền" cho nhân dân... là mong muốn của cử tri. Cân nhắc giữa những dự án cần thiết và cấp thiết để đưa ra những quyết định khoa học, phù hợp với quy luật phát triển với ý nguyện cử tri là trách nhiệm của người đại biểu nhân dân.