Quyền lực phải gắn liền với trách nhiệm
Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 09/11/2014
ĐB Nguyễn Đình Quyền (Đoàn Hà Nội):Cần xem xét lại vai trò của Văn phòng Chính phủ
Về vai trò của Văn phòng Chính phủ (VPCP), Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP, tôi cho rằng cần có nghiên cứu tổng kết về việc có tiếp tục duy trì nữa hay không? Xét về lý luận, VPCP không phải là thành viên của Chính phủ, Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP không phải là thành viên nội các.
Vì quản lý các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội đã có các bộ, ngành và bản thân các bộ, ngành lại có văn phòng giúp việc cho bộ trưởng và các thứ trưởng, trên thì có Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ phận giúp việc cho Thủ tướng và các Phó Thủ tướng trước gọi là Văn phòng của Thủ tướng. Thực tế phát sinh nhiều vấn đề liên quan đến tổ chức hoạt động của VPCP. Có thông tin cho rằng, VPCP đang là một cơ quan siêu quyền lực, siêu bộ, khi các bộ trình (văn bản - PV) lên, nhưng vụ chuyên ngành của VPCP chưa trình Thủ tướng, Phó Thủ tướng, thế là cứ "om" ở đấy… Do vậy, tôi cho rằng, về vai trò của VPCP phải được tổng kết rạch ròi và phân định VPCP khác với các bộ quản lý nhà nước như thế nào? Rồi quan hệ của nó với Thủ tướng, các Phó Thủ tướng ra sao? Rõ ràng phải có câu trả lời thích hợp thuyết phục chứ không thể duy trì như hiện nay. Hiến pháp năm 2013 đã có hiệu lực và luôn đề cao tính hoàn thiện của bộ máy nhà nước theo hướng của Nhà nước pháp quyền, nên hơn lúc nào hết phải đặt lên bàn để nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện nó.
ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận):Quyền lực bao giờ cũng gắn liền với trách nhiệm
Phần thảo luận về Luật Tổ chức chính phủ có nhiều ý kiến ĐB góp ý về vai trò của VPCP. Ở các nước, đây là bộ phận giúp việc cho bộ máy của Chính phủ. Ở Việt Nam, mặc dù trong luật quy định không phải là cơ quan quản lý nhà nước nhưng thực tế vì giao cho cơ quan này quá nhiều quyền, khiến nhiều ĐB nghĩ VPCP là siêu bộ. Quan điểm của tôi là nên hạn chế vai trò của VPCP trong mức độ giúp việc hoàn toàn cho hoạt động của Chính phủ tốt hơn, nếu được giao quá nhiều quyền sẽ giẫm chân nên hoạt động của các bộ khác. Còn về trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng, một số ý kiến ĐB cho rằng, dự thảo nêu chưa rõ. Tôi cho là do cách viết, vì quyền hạn bao giờ cũng đi đôi với trách nhiệm. Trong lĩnh vực quản lý nhà nước, "anh" có quyền hạn với lĩnh vực của mình như thế nào thì luôn đi kèm với trách nhiệm. Vì vậy, ban soạn thảo dự án luật này cũng cần thể hiện như thế nào cho rõ về vai trò của người đứng đầu.
ĐB Lê Như Tiến (Đoàn Quảng Trị): Ủng hộ đề xuất tăng lương cho 3 nhóm đối tượng
Tôi ủng hộ đề xuất phương án tăng lương trong năm 2015 cho một số nhóm đối tượng mà Bộ Tài chính đã báo cáo. Cụ thể, 3 đối tượng được đề xuất tăng lương trong năm sau gồm: Người có công, người về hưu, cán bộ, công nhân viên chức hưởng lương từ ngân sách hệ số từ 2,34 trở xuống (tương đương dưới 3 triệu đồng/tháng). Mức tăng dự kiến khoảng 8% lương tối thiểu hiện hành (1,15 triệu đồng) tương đương khoảng 90.000 đồng/tháng. Điều đó cho thấy sự quan tâm của Nhà nước với người có công, những người có hoàn cảnh khó khăn… Còn về chuyện cân đối ngân sách, tôi cho là hoàn toàn cân đối được, nếu chúng ta siết chặt chi, nhất là những khoản chi không cần thiết.