Một đời nặng lòng với “tam nông”
Xã hội - Ngày đăng : 07:09, 08/11/2014
Mấy năm nay, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, khi đã vào độ tuổi "xưa nay hiếm", khiến nhiều người ngạc nhiên với nghề… nuôi ngỗng trời. Đây không phải lần đầu tiên nguyên Phó Thủ tướng khai mở những nghề mới, với những cây trồng, vật nuôi lạ, có giá trị cao. Song hành với nghề nuôi ngỗng trời, nguyên Phó Thủ tướng cùng cộng sự cũng say sưa với việc nhân giống, phổ biến trồng loại cỏ quý hiếm: Thạch Hộc Tía. Nông dân miền Trung, đang làm giàu từ cây mắc-ca, cũng nhớ tới ông như là người khai mở nghề trồng loại cây có giá trị cao này.
Nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thăm cánh đồng mía năng suất cao ở Tây Ninh. |
Những câu chuyện trên không chỉ thu hút dư luận vì tâm huyết với nghề nông trong vị lãnh đạo cấp cao, mà còn bởi ông là một tấm gương về niềm say mê lao động, đam mê sáng tạo bất chấp tuổi tác. Niềm đam mê ấy bắt đầu từ thời trai trẻ, lúc nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn tốt nghiệp kỹ sư lĩnh vực nông nghiệp, rồi được cử đi khai hoang vùng Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ) với cương vị Giám đốc Khu kinh tế đầu tiên của Đoàn Thanh niên. Sự phát triển của khu kinh tế sau này đã góp phần tạo nên một vùng trồng chè rộng lớn.
TS Lê Hưng Quốc, nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông - Khuyến lâm (Bộ Nông nghiệp và PTNT), khi nhớ về người thủ trưởng cũ cho biết: "Chúng tôi từng gọi vui anh là "Nguyễn Công Trứ" thời nay, vì anh đã dành cả cuộc đời mình cho mặt trận nông nghiệp, luôn ở tuyến đầu". Khi về Bộ Nông nghiệp công tác năm 1978, trên cương vị Thứ trưởng phụ trách sản xuất kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Khai hoang kinh tế mới, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã đi tiên phong trong phần việc này. Thành quả công việc của ông đã góp phần xây dựng nên những vùng kinh tế mới ở miền Trung, miền Nam, khai hoang vùng Tây Nguyên, Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên...
Năm 1987, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và công nghiệp thực phẩm, đến năm 1995, ông là Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đầu tiên. Trong thời kỳ này, ông là chủ biên của những chương trình lớn như chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phát triển kinh tế trang trại; chương trình rau, hoa, quả; chương trình giống quốc gia; chương trình thủy sản; chương trình trồng 5 triệu héc ta rừng; chương trình thủy lợi và thoát lũ ở Đồng bằng sông Cửu Long; chương trình khuyến nông… Ông cũng là người chủ trì xây dựng dự thảo Luật Đất đai 1993, Luật Tài nguyên nước, Luật Phát triển rừng, Luật Đê điều, Luật Thú y, Luật Bảo vệ thực vật… Trong đó, Luật Đất đai 1993, với việc giao thêm quyền cho người nông dân, đã tạo động lực mới cho nền nông nghiệp.
Trong dòng hồi tưởng về sự nghiệp của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, đông đảo đồng chí, đồng nghiệp đều nhắc đến công lao to lớn của ông đối với nền nông nghiệp khi là người đưa giống lúa lai về Việt Nam. Trong suy nghĩ của TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, thời gian đồng chí Nguyễn Công Tạn làm Bộ trưởng và sau này khi nắm giữ cương vị Phó Thủ tướng là giai đoạn ngành nông nghiệp đưa ra nhiều chính sách quan trọng nhất, tạo nền tảng cho một thời kỳ phát triển nhanh.
Với nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn, nông nghiệp là cuộc đời, còn nông dân là người thân, là bạn. Trong những câu chuyện kể lại việc ông giải quyết nhiều vụ việc bức xúc ở nhiều địa phương khi ông làm Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và sau này ở cương vị Phó Thủ tướng, nhiều người vẫn rất khâm phục ông bởi sự am tường thực tế bởi sự thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân. Mới đây, nhân "vụ Tiên Lãng" (Hải Phòng), khi được hỏi, ông đã thẳng thắn góp ý: "Đất đai là mâu thuẫn phức tạp nhất trong một xã hội mà nông nghiệp, nông thôn, nông dân quan trọng như ở Việt Nam. Người lãnh đạo khi đụng đến đất đai, nông dân, bao giờ cũng phải cân nhắc, phải tình nghĩa, đừng đòi hỏi người nông dân phải giỏi luật, hiểu tất cả. Xử lý người ta cứ kiểu ngồi cửa quyền là không được mà phải dùng điều hay, lẽ phải thuyết phục".
Cho đến những ngày phải nằm trên giường bệnh, ông vẫn liên lạc với chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Lân Hùng để dặn gắng cho ra những nghiên cứu mới, góp phần gia tăng hàm lượng giá trị của nông sản. Lần trả lời báo chí gần đây, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã nói: "Nâng cao thu nhập của nông dân trên mảnh ruộng vừa là mục tiêu và cũng là động lực của người nông dân. Người nào không có khả năng làm giàu từ nông nghiệp, cần tạo điều kiện để họ làm công việc khác. Còn ai có đam mê, có kỹ năng cần ủng hộ để họ trở thành nông dân giỏi, làm giàu từ ruộng đồng (...). Giải pháp tăng thu nhập đó là phải tái cơ cấu nền nông nghiệp, có chiến lược sản phẩm rõ ràng và gắn giữa nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Chế biến càng sâu càng ra chuỗi sản phẩm có giá trị gia tăng mới. Chế biến sâu sẽ tạo ra cấp số nhân vô tận giá trị của nông nghiệp".
Cuộc đời của nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn luôn đầy ắp tâm huyết, tình cảm với vấn đề "tam nông" như thế.