Không ủng hộ việc bỏ HĐND cấp quận, phường

Chính trị - Ngày đăng : 15:37, 07/11/2014

(HNMO) - Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Các đại biểu quan tâm đặc biệt đến quy định có hay không bỏ mô hình HĐND cấp quận, phường


Tại đoàn Hà Nội, các đại biểu tán thành với sự cần thiết và mục tiêu, quan điểm xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương nhưng do nhiều nội dung quy định trong dự luật đều rất mới, nhiều mô hình đang trong quá trình thí điểm, chưa có tổng kết thực tiễn nên không khỏi khiến các đại biểu băn khoăn.

Đại biểu Đỗ Kim Tuyến dẫn chứng, việc thí điểm bỏ tổ chức HĐND ở huyện, xã cũng đang trong quá trình thí điểm, mô hình các đơn vị hành chính đặc biệt cũng đang hình thành, nên bản thân các đại biểu Quốc hội chưa rõ mô hình, phạm vi, quyền hạn của nó đến đâu, chưa có đầy đủ thông tin để có thể góp ý, lựa chọn phương án quy định trong luật.

“Đây là một luật quan trọng nhưng trong dự thảo trình Quốc hội lại không có nguyên tắc, trong đó có việc phân cấp, phân trách nhiệm”, đại biểu Tuyến nhận xét.

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng cho rằng, dự luật phải đảm bảo nguyên tắc phát huy vai trò HĐND các cấp; bảo đảm sự thống nhất điều hành từ trên xuống dưới; làm rõ sự phân cấp, phân quyền từ trung ương xuống địa phương, từ cấp trên xuống cấp dưới; đảm bảo sự thống nhất của hệ thống bộ máy chính quyền địa phương; làm rõ lĩnh vực phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm…

Các đại biểu Chu Sơn Hà, Nguyễn Minh Quang đề nghị làm rõ thêm về mô hình đơn vị hành chính đặc biệt, việc phân định thẩm quyền giữa cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương

Đặc biệt, nhiều ý kiến đề nghị không nên bỏ HĐND cấp quận, phường, bởi ở đâu có quyền lực, ở đó phải có sự giám sát của nhân dân. Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho biết, khi đại biểu đi tiếp xúc cử tri, có đến 2/3 cử tri phản đối việc bỏ HĐND cấp quận, phường, do đó nên đưa nội dung này ra khỏi dự án luật.

“HĐND có chức năng giám sát, chính quyền các phường, quận làm rất nhiều việc mà lại không có HĐND giám sát thì không ổn”, đại biểu Bùi Thị An nói.


Đại biểu Trịnh Thế Khiết cũng nêu thực tế, cán bộ đang làm công tác HĐND ở cấp quận, phường đang có lấn cấn về tư tưởng, bởi chúng ta đã thí điểm bỏ HĐND cấp quận, phường ở một số địa phương được 5 năm rồi mà vẫn chưa có tổng kết, chưa có quyết định cuối cùng.

“Có cảm giác hoạt động của HĐND cấp phường, quận có cũng được, không có không sao nên HĐND cấp này rất hạn chế về quyền biểu quyết các vấn đề, chỉ tiêu KTXH ở địa phương, đặc biệt là về phân bổ ngân sách, thường do cấp trên điều tiết”, đại biểu Khiết nói.

Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn chia sẻ, qua giám sát thực tế, đại biểu thấy cán bộ hoạt động ở HĐND cấp quận, phường rất tâm tư nếu Quốc hội quyết bỏ HĐND cấp quận, phường. Nhưng nếu tiếp tục duy trì HĐND ở 2 cấp này thì cũng không phát huy hiệu quả cao vì quyền lực thực giao cho HĐND các cấp này không đảm bảo, càng cấp dưới càng kiêm nhiệm nhiều.

“Dù chúng ta có đi theo hướng nào cũng phải nâng cao năng lực HĐND các cấp, trong đó yêu cầu quy định số đại biểu chuyên trách tối thiểu. Có những nơi chỉ có cán bộ kiêm nhiệm, không có chuyên trách nên HĐND ở đó không thể hoạt động được”, đại biểu Sơn nói.

Các đại biểu đề nghị, Chính phủ cần có đánh giá tổng kết việc thực hiện thí điểm bỏ mô hình HĐND cấp quận, phường. Đồng thời, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra dự luật cần tổ chức lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội về riêng nội dung này, cố gắng giữ lại vai trò của HĐND, làm sao để HĐND phát huy được hiệu quả hoạt động, các cơ quan chính quyền phải tiếp thu, lắng nghe những ý kiến của HĐND cùng cấp.

Vân An