Kinh nghiệm từ thành công của các nước
Giáo dục - Ngày đăng : 06:24, 07/11/2014
So sánh để biết mình
Đài Loan vào những năm 50, 60 của thế kỷ trước khởi đầu từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, một vùng lãnh thổ nghèo tài nguyên khoáng sản, đại đa số doanh nghiệp có quy mô nhỏ với công nghệ lạc hậu. Nhưng với một chính sách phát triển hợp lý, Đài Loan đã có một cộng đồng doanh nghiệp vừa và nhỏ năng động, đầy khát vọng làm giàu, gắn kết chặt chẽ với đội ngũ các nhà khoa học. Nền công nghệ mang tính thực dụng, sáng tạo đã đưa Đài Loan cùng với Singapore và Hàn Quốc trở thành những nền kinh tế phát triển năng động nhất thế giới trong nhiều thập kỷ qua.
Nghiên cứu công nghệ sinh học tại Viện Khoa học và công nghệ Việt Nam. Ảnh: Phương Hoàn |
Tại hội thảo "Xây dựng mối quan hệ hợp tác giữa các viện nghiên cứu, trường đại học với các doanh nghiệp công, nông nghiệp trong hoạt động khai thác sáng chế và chuyển giao công nghệ của Đài Loan" do Hội đồng chính sách KH&CN quốc gia phối hợp với Viện Nghiên cứu sáng chế và khai thác công nghệ tổ chức mới đây, GS.TS Hoàng Văn Phong, Chủ tịch Hội đồng Chính sách KH&CN quốc gia chỉ rõ: Chiến lược phát triển kinh tế, xã hội, chiến lược phát triển KH&CN hiện đang được Chính phủ quan tâm, nhưng Việt Nam vẫn còn lúng túng tìm phương thức và giải pháp để đạt được các mục tiêu. Việc so sánh với các nền kinh tế như Đài Loan, Hàn Quốc giúp Việt Nam xác định được vị trí về trình độ KH&CN như thế nào, cần phải khắc phục và vượt qua những khó khăn, trở ngại gì trong việc kết nối mối quan hệ giữa Nhà nước, viện nghiên cứu, trường ĐH và cộng đồng doanh nghiệp trong lĩnh vực chuyển giao công nghệ. Hàn Quốc và Đài Loan đã đi lên từ vị thế đi xin việc trở thành những nhà cung cấp việc làm. Việc học tập những kinh nghiệm của các nền kinh tế này hy vọng sẽ giúp Việt Nam có được những kỳ tích trong vòng 20-30 năm nữa.
Đánh giá về thực trạng hiện nay Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng nhìn nhận: Ở Việt Nam, hoạt động khai thác, chuyển giao và các kết quả nghiên cứu, sáng chế từ các trường ĐH, viện nghiên cứu tới cộng đồng doanh nghiệp còn rất "khiêm tốn". Vấn đề sở hữu trí tuệ, đăng ký sáng chế, tìm kiếm thông tin sáng chế trước khi nghiên cứu và thương mại hóa tài sản... để mang lại hiệu quả kinh tế chưa được quan tâm. Những hạn chế này làm cho hoạt động chuyển giao công nghệ gặp không ít khó khăn, không khuyến khích được sáng tạo, không thu hút được tài năng. Thứ trưởng Trần Văn Tùng đặc biệt lưu ý những kinh nghiệm, chính sách của Đài Loan trong việc xây dựng và quản lý các trung tâm chuyển giao công nghệ một cách chuyên nghiệp.
Những kinh nghiệm quý
Chia sẻ về những vấn đề mà các nhà quản lý KH&CN của Việt Nam đặt ra, GS Shih Ming Wang, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến hợp tác chuyển giao công nghệ ĐH Trung Nguyên (Đài Loan) cho biết: Trước đây, vốn cấp cho trường ĐH nghiên cứu là từ ngân sách công, nên thành quả nghiên cứu thuộc quyền sở hữu chung. Do đó, các trường, các đơn vị nghiên cứu không tự nguyện chuyển giao công nghệ. Năm 1980, nước Mỹ có Luật Chuyển giao công nghệ, đến năm 1995 Nhật Bản có luật tương tự và năm 1999 Đài Loan cũng đưa ra luật về vấn đề này. Điểm xuyên suốt và cũng là mấu chốt trong luật là Nhà nước chuyển quyền sở hữu sáng chế cho doanh nghiệp và trường ĐH, từ đó cổ vũ khuyến khích các trường chuyển giao, có thêm thu nhập. Họ bắt đầu lập ra Trung tâm Chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này. Tại Đài Loan, để phối hợp lồng ghép nguồn lực của nhà trường với nguồn lực công, Trung tâm Xúc tiến hợp tác chuyển giao công nghệ (EOCIA) của Trường ĐH Trung Nguyên được thành lập vào năm 2009. Đây là trung tâm hỗ trợ và cung cấp dịch vụ với nhiều dịch vụ giá trị gia tăng cho doanh nghiệp và trường ĐH. Trong 15 năm qua, chỉ riêng Trường ĐH Trung Nguyên (Đài Loan) đã chuyển giao công nghệ và "ươm tạo" thành công 139 doanh nghiệp, làm tăng doanh thu 5,8 tỷ Đài tệ. Trong vòng 3 năm, doanh số chuyển giao của Trung tâm Công nghệ màng đạt 4,3 triệu USD, Trung tâm Công nghệ đúc và khuôn mẫu đạt 1 triệu USD. Hiện Trường ĐH Trung Nguyên có khoảng 500 sáng chế được đăng ký.
Để thành công trong hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ, GS Shih Ming Wang chỉ ra ba việc mà một trung tâm chuyển giao luôn luôn phải nắm chắc, đó là nhu cầu, đáp ứng nhu cầu và tạo ra nhu cầu. Tại Đài Loan đa phần là doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên họ luôn phải đổi mới công nghệ để cạnh tranh. Và các viện, trường chính là người giúp họ thực hiện. Sau khi công nghệ tạo ra giá trị thặng dư, tạo ra nguồn lực cho doanh nghiệp, doanh nghiệp trích một phần cho trường ĐH để có thể duy trì Trung tâm Chuyển giao. Nhờ cơ chế này, trung tâm của Trường ĐH Đài Loan từ chỗ chỉ có 4 nhân viên khi mới thành lập (năm 2009) đến này đã có 26 nhân viên chuyên về lĩnh vực này. Đặc biệt, GS Wang cũng nhấn mạnh: Có hai con đường chủ yếu để kết nối giữa doanh nghiệp và viện, trường. Đó là cùng nhau hợp tác thực hiện những dự án chung và tạo ra những doanh nghiệp khởi nghiệp (ươm tạo doanh nghiệp).
Bài học thành công của Đài Loan (Trung Quốc), cũng như của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Israel đã trở thành kinh nghiệm cho những quốc gia muốn đất nước mình trở nên phồn vinh, bên cạnh việc có một chính sách phát triển vĩ mô sáng suốt.