Chính phủ mới, thách thức cũ

Thế giới - Ngày đăng : 06:03, 07/11/2014

(HNM) - Hy vọng về một làn gió mới trên chính trường Indonesia vừa được thổi lên sau khi tân Tổng thống Joko Widodo chính thức ra mắt nội các trong lễ tuyên thệ nhậm chức của 34 bộ trưởng tại dinh Độc Lập ở thủ đô Jakarta.

Chính phủ mới của Tổng thống Joko Widodo ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.



Vực dậy đà tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất trong khu vực ASEAN, tạo thêm nhiều công ăn việc làm, đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống tham nhũng, cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước… tiếp tục là những bài toán cũ làm "đau đầu" nhà lãnh đạo mới của quốc gia vạn đảo. Trong đó, việc khôi phục đà tăng trưởng đang chậm lại của nền kinh tế hơn 250 triệu dân - mà có tới 14% dân số sống dưới mức nghèo đói - là một trong những thách thức lớn nhất đối với Chính phủ của Tổng thống J.Widodo. Theo số liệu công bố mới nhất ngày 5-11, trong quý III năm nay, kinh tế Indonesia tăng trưởng chậm nhất trong 5 năm qua. Cụ thể trong ba tháng tính đến hết tháng 9, Indonesia chỉ đạt mức tăng trưởng 5,01%, giảm so với mức 5,12% của quý II, thấp hơn mức dự báo 5,1% của các nhà kinh tế.

Lý giải về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhiều chuyên gia phân tích cho rằng, nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu trong nước giảm mạnh, đặc biệt từ các nhà máy của Trung Quốc là nguyên nhân chính kéo đà tăng trưởng của nền kinh tế đầu tàu ASEAN này đi xuống. Các nhà phân tích còn cảnh báo, nền kinh tế Indonesia có thể sẽ phải đối mặt với những hệ lụy không đáng có sau sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ mới đây quyết định chấm dứt toàn bộ các gói cứu trợ cho nước này sau 6 năm triển khai. Một trong những thách thức cấp bách nhất với tân chính phủ là phải cắt giảm trợ giá nhiên liệu, cải thiện tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai đang ngày càng tăng. Theo cảnh báo của ông Raden Pardede - cố vấn kinh tế của Tổng thống vừa mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono - Chính phủ của Tổng thống J.Widodo sẽ phải chịu áp lực cắt giảm ngân sách trợ cấp nhiên liệu lớn (hơn 21 tỷ USD trong năm nay, chiếm 13% ngân sách) trong 100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ.

Với mục tiêu thành lập một chính phủ trong sạch, có năng lực, đáp ứng đường lối chiến lược nhằm giúp quốc đảo Indonesia khẳng định vị thế trong khu vực và trên trường quốc tế, Tổng thống J.Widodo đã tiến hành những cải tổ về cơ cấu cũng như thành phần nội các so với chính phủ tiền nhiệm. Theo đó chính phủ mới vẫn giữ nguyên tổng số 34 bộ trưởng, song nâng số bộ trưởng điều phối từ 3 lên 4, với việc thành lập thêm Bộ Hàng hải. Một trong những thay đổi lớn lần này là số nữ bộ trưởng tăng từ 3 lên 8 người, trong đó có bà Retno Lestari Priansari Marsudi, nguyên Đại sứ Indonesia tại Hà Lan giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao đồng thời là nữ Bộ trưởng Ngoại giao đầu tiên trong lịch sử quốc gia Hồi giáo này.

Những thay đổi về nội các đã nhận được sự hưởng ứng tích cực trong dư luận Indonesia. Với chiến lược phát triển quốc gia dựa trên ba trụ cột "cải thiện cơ sở hạ tầng kinh tế, xây dựng chủ quyền lương thực và hiện đại hóa các nguồn năng lượng", chính phủ mới kỳ vọng sẽ đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn, đáp ứng sự kỳ vọng của dư luận, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ của Tổng thống J.Widodo cần tiến hành cải cách tài chính, ngăn chặn nạn quan liêu, xóa bỏ chênh lệch thu nhập và mở cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài. Một số ý kiến khác cho rằng, Indonesia nên tập trung vào chế tạo và nông nghiệp, vốn là hai lĩnh vực có thế mạnh và khả năng cạnh tranh cao để thu hút lao động nhiều hơn, tăng thu nhập bình quân đầu người và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.

Nội các mới của Tổng thống J.Widodo sẽ có 100 ngày đầu tiên để chứng tỏ khả năng quản lý điều hành đất nước nhằm sớm vượt qua những thách thức cũ. Liệu những chính sách nhiều hứa hẹn mà Tổng thống J.Widodo từng đưa ra trong chiến dịch tranh cử có đáp ứng được sự kỳ vọng của phần lớn cử tri Indonesia hay không đang là câu hỏi lớn đang được nhiều người trông đợi câu trả lời.

Đình Hiệp