Hồi chuông báo động!

Góc nhìn - Ngày đăng : 05:51, 07/11/2014

(HNM) - Tai nạn thương tâm xảy ra sáng 6-11 trên tuyến đường Nguyễn Trãi - Trần Phú, nơi đang thi công dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông làm một người thiệt mạng, ba người bị thương khiến dư luận bàng hoàng lo sợ.



Tai nạn đúng là bất ngờ và không thể lường trước, nhưng bỗng dưng mất mạng do… thép trên trời rơi xuống khi đang tham gia giao thông thì quả là hy hữu. Cũng may, thời điểm xảy ra tai nạn không phải giờ cao điểm. Vụ tai nạn một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về an toàn lao động, đặc biệt là những công trường thi công trong đô thị, điều kiện thi công phức tạp, có lưu lượng giao thông lớn.

Trước khi thi công một công trình lớn, việc xây dựng biện pháp thi công là yêu cầu bắt buộc. Với những dự án đặc thù, vừa thi công, vừa bảo đảm giao thông, sinh hoạt bình thường cho người dân luôn là một bài toán khó, do vậy đòi hỏi phải có biện pháp thi công kỹ lưỡng, an toàn hơn. Đúng là có thể thông cảm phần nào khó khăn của nhà thầu khi phải thi công trong điều kiện khó khăn, nhưng dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng liệu những vụ tai nạn tương tự có tiếp tục xảy ra?

Lo lắng đó là có cơ sở khi đã từng xảy ra những diễn biến khó lường về mất an toàn lao động, đặc biệt là tại các công trình xây dựng ngay trong các thành phố lớn. Có thể kể ra một số vụ điển hình: Ngày 13-4-2005, khi đang thi công chung cư 21 tầng trên đường Đại Cồ Việt, mũi khoan bị rơi làm một người chết. Ngày 18-4-2010, trên công trường dự án cầu cạn Pháp Vân dầm bị rơi, may mà không có thương vong. Ngày 9-7-2014, trong quá trình thi công cầu vượt sông Lạch Tray thuộc dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cần cẩu bị sập tại quận Dương Kinh, Hải Phòng làm 6 người thương vong. Ngày 8-9-2014, một cần cẩu cũng bị sập đè vào nhà dân ở đường Nhật Tảo - Lý Thường Kiệt, quận 10, TP Hồ Chí Minh… Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong năm 2013, lĩnh vực xây dựng chiếm tới 28,6% tổng số vụ tai nạn lao động và 26,5% tổng số người chết do tai nạn lao động. 6 tháng đầu năm 2014, lĩnh vực xây dựng đã "vươn lên" chiếm 37,04% tổng số vụ tai nạn và 34,5% tổng số người chết do tai nạn lao động.

Thật đáng báo động!

Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn là do người lao động không tuân thủ đầy đủ các quy trình, biện pháp bảo vệ an toàn lao động, sử dụng thiết bị không bảo đảm an toàn; nhà thầu thiếu quan tâm, đầu tư cho công tác này, thậm chí còn tiết giảm chi phí dành cho an toàn lao động, sử dụng thiết bị cũ, không bảo đảm an toàn... Vì vậy đã đến lúc phải tổ chức giám sát, kiểm soát chặt chẽ việc bảo đảm an toàn lao động, đặc biệt là tại những dự án có ảnh hưởng trực tiếp tới sinh hoạt của người dân. Tai nạn đúng là khó lường nhưng hoàn toàn có thể hạn chế với sự vào cuộc chủ động, có trách nhiệm không chỉ của các đơn vị thi công.

Nguyễn Đức